Những người tiêm 2 mũi vaccine Sinovac tăng miễn dịch rõ rệt nhờ tiêm mũi thứ ba của BioNTech

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những người tiêm vaccine Sinovac có mức kháng thể thấp sẽ có khả năng miễn dịch “cao hơn hẳn” nếu tiêm mũi tăng cường của BioNTech, theo các nhà nghiên cứu ở Hong Kong.
Nghiên cứu mới được công bố trong lúc Hong Kong chuẩn bị chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường (Ảnh: SCMP)
Nghiên cứu mới được công bố trong lúc Hong Kong chuẩn bị chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường (Ảnh: SCMP)

Nghiên cứu được phối hợp thực hiện bởi 2 trường đại học ở Hong Kong cũng chỉ ra rằng vaccine do hãng BioNTech của Đức sản xuất có thể giúp sản sinh ra mức độ cao hơn đáng kể “kháng thể trung hòa đặc trưng” chống lại biến thể Delta. Loại vaccine được đồng phát triển với Pfizer cũng cho thấy tỷ lệ hiệu quả 95% đối với biến chủng Delta, nếu so với 48% của mũi tiêm do Sinovac sản xuất.

Kết quả nghiên cứu được ĐH Hong Kong và ĐH Trung Quốc công bố trong hôm 4/11 có thể khuyến khích người dân Hong Kong lựa chọn vaccine của BioNTech làm mũi tiêm thứ 3 tăng cường, trong lúc thành phố này đang chuẩn bị chương trình tiêm tăng cường, người dân bắt đầu được đặt lịch tiêm từ ngày 5/11. Người già và nhóm người dễ bị tổn thương do dịch sẽ là những người được ưu tiên trong chương trình này.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mũi tiêm tăng cường BNT162b2 được sử dụng cho những người có đáp ứng kém với mũi tiêm vaccine CoronaVac, giúp sinh ra miễn dịch nhiều hơn hẳn (significantly more emmunogenic) so với dùng mũi tăng cường CoronaVac” – các nhà nghiên cứu viết, nhắc tới vaccine của BioNTech và Sinovac.

Nghiên cứu được chính phủ rót vốn – dẫn đầu bởi các Giáo sư David Hui Shu-cheong và Malik Peiris – đã phân chia 80 người có mức kháng thể thấp sau khi được tiêm vaccine Sinovac thành 2 nhóm đều nhau, mỗi nhóm được sử dụng một trong số hai mũi tiêm khác nhau. Những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 34 - 73.

1 tháng sau khi được tiêm mũi thứ 3, các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng miễn dịch “cao hơn đáng kể” ở những người được tiêm vaccine của BioNTech.

Mức độ miễn dịch (immunity levels) sinh ra nhờ vaccine của BioNTech đối với biến chủng Delta, Gamma và Beta lần lượt là 95,33%, 92,51% và 92,29%. Trong khi điểm số này của vaccine Sinovac lần lượt là 48,87%, 32,22% và 38,79%.

Mức độ hiệu quả (effectiveness) của vaccine BioNTech và Sinovac đối với chủng virus corona nguyên gốc lần lượt là 96,83% và 57,75%.

Nhóm người được tiêm mũi tăng cường của BioNTech có báo cáo về việc cảm thấy không được khỏe và bị sưng ở chỗ tiêm, đau cơ…nhiều hơn so với nhóm người tiêm mũi tăng cường của Sinovac. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng tác dụng phụ không mong muốn là rất nhẹ và không kéo dài.

Một nghiên cứu được thực hiện mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 68 nhân viên y tế được tiêm 2 mũi vaccine của Sinovac, cho thấy phản ứng với protein gai – yếu tố quan trọng để thâm nhập vào tế bào của virus – tăng 46,6 lần nếu họ được tiêm mũi thứ 3 vaccine của BioNTech, trong khi chỉ tăng 1,7 lần nếu dùng vaccine của Sinovac.

Chuyên gia về các bệnh đường hô hấp, Leung Chi-chiu, nói ông tin rằng nghiên cứu có thể thể giúp thuyết phục những người ngờ vực vaccine, đặc biệt khi kết quả nghiên cứu chỉ ra một cách rõ ràng những lợi ích mà vaccine mang lại đối với những người có khả năng bảo vệ thấp, như những người không thể phát triển được phản ứng miễn dịch thông thường (Immunocompromised).

Những người tiêm vaccine Sinovac có mức kháng thể thấp sẽ có khả năng miễn dịch “cao hơn đáng kể” nếu tiêm mũi tăng cường của BioNTech, theo các nhà nghiên cứu ở Hong Kong.

Huyền Chi (tổng hợp)