Vaccine Trung Quốc: Tại sao nhiều quan ngại về chất lượng mà vẫn đắt khách?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tính đến tháng 9/2021, Trung Quốc đã bán ra 1,24 tỉ liều vaccine COVID-19 ra thị trường quốc tế, trong khi lượng viện trợ là 66 triệu liều.

Vaccine đã xuất khẩu hơn 1 tỉ liều vaccine COVID-19, bao gồm cả lượng vaccine viện trợ cho các nước thu nhập thấp (Ảnh: Xinhua)
Vaccine đã xuất khẩu hơn 1 tỉ liều vaccine COVID-19, bao gồm cả lượng vaccine viện trợ cho các nước thu nhập thấp (Ảnh: Xinhua)

Kể từ khi Trung Quốc phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 đầu tiên để sử dụng khẩn cấp, nước này đã nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới.

Hiện nay, ngoài việc đã tiêm đầy đủ cho hơn 1 tỉ người dân trong nước, Trung Quốc cũng đã xuất khẩu hơn 1 tỉ liều vaccine COVID-19 ra nước ngoài – và ước tính tổng lượng xuất khẩu vaccine của họ có thể đạt 2 tỉ liều trong năm nay.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành “người chơi lớn” trên thị trường vaccine không phải là không có tranh cãi – chủ yếu là do nhiều nước cho rằng họ thiếu minh bạch và cách mà dữ liệu của các cuộc thử nghiệm gần đây nhất được công bố.

Việc ứng dụng công nghệ truyền thống để sản xuất vaccine bất hoạt đã tạo cho Trung Quốc lợi thế xét về tốc độ. Các mũi tiêm của họ đã trở thành công cụ cần thiết giúp giảm tỷ lệ tử vong và ca mắc COVID-19, nhưng chúng lại kém hiệu quả hơn so với các loại vaccine ứng dụng công nghệ mRNA và vaccine protein tái tổ hợp.

Trong khi ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, một số quốc gia đang phát triển đã tìm đến những nhà cung cấp vaccine khác do quan ngại về tính hiệu quả của mũi tiêm Trung Quốc sản xuất đối với chủng Delta.

Giới chuyên gia cho rằng, vai trò nhà cung cấp vaccine hàng đầu của Trung Quốc với các nước đang phát triển sẽ không thay đổi trong tương lai gần, nhưng việc họ có trở thành “tay chơi lớn” trong sản xuất vaccine ứng dụng công nghệ mRNA hay không thì còn phụ thuộc vào cách mà họ thử nghiệm các vaccine ứng viên và xác nhận dữ liệu thử nghiệm.

Cung và cầu

Các chủng vaccine của Trung Quốc được tìm kiếm nhiều nhất sau nửa đầu năm 2021,trong lúc mà các nước phương Tây tập trung vào nhu cầu nội địa, mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chỉ trích là tích trữ vaccine, hay chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Nhưng trong những tháng gần đây, một số khách hàng lớn của Trung Quốc – trong đó phải kể tới UAE và Bahrain, hai nước mua vaccine của Sinopharm – đã bắt đầu sử dụng các mũi tiêm của nước khác để làm mũi tăng cường, do quan ngại về độ hiệu quả của vaccine Trung Quốc đối với biến chủng Delta.

Thái Lan thì đang trộn vaccine Sinovac với AstraZeneca. Nam Phi được cho là đã từ chối dùng 2,5 triệu liều vaccine của Sinovac thông qua COVAX, trong khi Nigeria coi 8 triệu liều vaccine Sinopharm, cũng từ COVAX, là các mũi tiêm “tiềm năng” có thể đem ra sử dụng.

Tuy nhiên, trong lúc khoảng trống nguồn cung trên thế giới còn tồn tại, các loại vaccine bất hoạt của Trung Quốc sẽ tiếp tục là nguồn cung lớn cho các nước đang phát triển; theo giới chuyên gia.

“Do nguồn cung toàn cầu đang khan hiếm, hàng tỉ liều vaccine đến từ Sinopharm, Sinovac và Bharat (Biotech của Ấn Độ) sau khi được WHO phê duyệt sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong đợt tiêm chủng đầu tiên trên khắp toàn cầu” – Jerome Kim, tổng giám đốc của Viện Vaccine Quốc tế (VCI), cho hay.

“Xét về trung hạn, trong vòng 6 – 9 tháng tới, khi mà chúng ta có khoảng 11 tỉ liều vaccine được phân phối, liệu có thể thiếu được vaccine bất hoạt không? Giờ chúng ta cần phải tiêm vaccine cho khoảng 8 tỉ người, bởi vậy sẽ cần mọi loại vaccine mà WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp, đặc biệt là các loại vaccine có thể lưu trữ dễ dàng trong khoảng thời gian dài” – Kim nói thêm.

Mặc dù có hiệu quả không cao như những loại vaccine khác, nhưng vaccine bất hoạt của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với các nước đang phát triển – rất nhiều trong số này thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ vaccine mRNA, vốn cần phải bảo quản ở nhiệt độ -20 đến -70 độ C.

Huang Yanzhong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Toàn cầu tại Đh Seton Hall, New Jersey, Mỹ - cho rằng nhu cầu đối với vaccine của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao, đặc biệt nếu như một số nước phương Tây quyết định tiêm mũi tăng cường cho người dân của họ, càng khiến các vaccine mRNA thêm phần khan hiếm.

Tính đến nay, chỉ 1/3 dân số toàn thế giới đã được tiêm vaccine đầy đủ, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp chưa đến 1%.

Cuộc đua phân phối vaccine

Trung Quốc đặc biệt nhanh nhạy trong việc phân phối vaccine của họ tới các nước khác.

“Về khía cạnh phân phối, đó chính là một vấn đề ở Đông Nam Á. Tôi nhận thấy một số quốc gia tiếp tục sử dụng vaccine của Trung Quốc, một phần là bởi Mỹ phân phối vaccine của họ chậm hơn” – Huang nói.

Huang cho rằng, số ca nhiễm biến chủng Delta tăng đột biến cũng khiến nhiều quốc gia muốn nhanh chóng có được vaccine sẵn có, trong đó có vaccine của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện tập trung vào các thương vụ vaccine song phương, đặc biệt là với các nước láng giềng của họ ở Đông Nam Á, trong khi lượng vaccine viện trợ chỉ đóng một phần khá nhỏ trong tổng lượng vaccine mà họ xuất khẩu. Theo hãng tư vấn Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã bán ra 1,24 tỉ liều vaccine ra thị trường quốc tế, tính đến tháng 9/2021, trong khi lượng viện trợ là 66 triệu liều. Trung Quốc cũng cam kết cung cấp 100 triệu liều cho COVAX tính đến cuối năm nay.

Các loại vaccine thế hệ thứ hai

Giới chuyên gia nói rằng các chủng vaccine protein tái tổ hợp vẫn có tiềm năng trở thành một lựa chọn quan trọng dành cho các nước đang phát triển.

“Vaccine bất hoạt vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng điều chúng ta không biết là, các loại vaccine protein tái tổ hợp có giá cả như thế nào, có sẵn có và được phân phối nhanh hay không” – Kim nói.

John Moore – Giáo sư virus học và miễn dịch tại ĐH Weill Cornell ở New York – nói rằng các loại vaccine protein tái tổ hợp có thể sẽ hữu dụng với các nước đang phát triển, bởi chúng không cần tới các cơ sở hạ tầng bảo quản lạnh đặc biệt.

“Vaccine Novavax được chứng minh là có hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ và Anh. Bởi vậy nó có thể được phê duyệt vào cuối năm nay…một loại vaccine protein tái tổ hợp có thể hữu dụng trên phạm vi toàn cầu, nếu như nó có thể giải quyết được các vấn đề về sản xuất” – Moore nói.

Trung Quốc cũng rất tích cực phát triển các loại vaccine nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, trong đó bao gồm mRNA và protein tái tổ hợp.

Tại một hội chợ thương mại đầu tháng này, Sinopharm đã cho ra mắt 4 loại vaccine thế hệ thứ hai của họ, trong đó có một vaccine ứng viên sử dụng công nghệ mRNA, hiện đang trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó là một ứng viên vaccine khác sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp nhằm ngăn chặn nhiều biến chủng của SARS-CoV-2.

Một loại vaccine mRNA được hợp tác phát triển bởi Viện Khoa học Quân Y, Suzhou Abogen Biosciences và Walvax dự kiến sẽ đi vào sản xuất quy mô lớn trong tháng tới.

Trung Quốc cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với loại vaccine protein tái tổ hợp đầu tiên của họ, được phát triển bởi công ty Chongqing Zhifei Biological Products, được cho là có tỷ lệ hiệu quả 81% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, tuy không có chi tiết cụ thể.

Tuy nhiên, theo ông Huang, các nước thu nhập thấp chắc chắn sẽ quan ngại về việc mua vaccine của Zhifei bởi nó cần tới 3 mũi tiêm.

Vấn đề về dữ liệu

Giới chuyên gia nói rằng Trung Quốc sẽ cần phải tìm ra cách để thu thập dữ liệu về tỷ lệ hiệu quả của vaccine của họ, bởi tổ chức các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Moore nói rằng các cuộc thử nghiệm đối với các nước nhập cuộc muộn trong cuộc đua vaccine – không riêng gì Trung Quốc – ngày càng trở nên chậm trễ hơn bởi việc tiêm giả dược cho tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm và từ chối cho họ nhận một liều vaccine trong bối cảnh dịch bị cho là vô đạo đức.

“Kể cả Trung Quốc có muốn thực hiện các cuộc thử nghiệm ở nước ngoài, thì cũng khó kiếm được nơi…Bạn phải tìm được nơi mà chính phủ sẵn sàng cho phép bạn thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3, và không bị cấm sử dụng giả dược do vấn đề đạo đức. Và nước đó cũng cần phải có tỷ lệ nhiễm bệnh cao” – Moore nói.

Ngoài 2 công nghệ mới, Trung Quốc cũng đang tìm cách sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau để làm mũi tiêm tăng cường cho vaccine bất hoạt của họ. Một trong số đó là sử dụng vaccine của Sinovac và vaccine DNA của công ty Mỹ Inovio. Tháng trước, Ấn Độ đã phê duyệt một chủng vaccine DNA được phát triển bởi hãng Zydus Cadila, nhưng viễn cảnh về loại vaccine này không rõ ràng bởi trước đây chúng được chứng minh là chỉ có tác dụng với động vật, chứ không phải với người.

Với nhiều dự án trước mắt, Kim cho rằng điều quan trọng với các công ty dược Trung Quốc là họ cần phải học những bài học về các loại vaccine thế hệ đầu tiên và cần phải minh bạch trong lúc công bố kết quả thử nghiệm.

“Việc phát triển thêm các loại vaccine đối với Trung Quốc mà nói là điều quan trọng, nhưng họ cũng cần phải minh bạch hơn, giúp cho dữ liệu được công bố nhanh hơn, có cách thức tiêu chuẩn hơn để công bố kết quả thử nghiệm” – Kim cho hay.