Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food trong tháng này, các nhà khoa học của ĐH Michigan cho hay họ đã tìm hiểu 5.853 loại thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân Mỹ và xem xem chúng lợi hại như thế nào cho sức khỏe của con người.
“Chúng tôi muốn đưa ra đánh giá tác động sức khỏe của các loại thực phẩm trong toàn bộ khẩu phần ăn” – Oliver Jolliet, Giáo sư chuyên ngành khoa học sức khỏe môi trường và là tác giả của bản nghiên cứu, nói với CNN.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một chỉ số để tính toán lợi và hại của các loại thực phẩm đối với sức khỏe con người. Chỉ số này dựa trên một nghiên cứu được gọi tên là Gánh nặng Bệnh Toàn cầu (Global Burden of Disease), trong đó tính toán tỷ lệ tổn hại cho sức khỏe liên quan tới quyết định lựa chọn thực phẩm của một người.
“Ví dụ, mỗi gram thịt đã qua chế biến sẽ làm giảm tuổi thọ đi 0,45 phút, hay mỗi gram hoa quả sẽ giúp tăng tuổi thọ thêm 0,1 phút. Sau đó chúng tôi nhìn vào thành phần của mỗi loại thực phẩm, sau đó nhân lên với con số này dựa trên dữ liệu các loại thực phẩm mà chúng tôi đã phát triển từ trước” – Jolliet cho biết.
Một trong số các loại thực phẩm mà nghiên cứu đã tính toán chính là xúc xích thịt bò tiêu chuẩn thường được kẹp trong bánh mì – món ăn đường phố rất phổ biến ở Mỹ. Lượng thịt chế biến có trong loại xúc xích này, 61 gram, làm giảm 27 phút tuổi thọ của con người, Jolliet nói – nhưng nếu thêm vào các loại nguyên liệu khác như muối và axit béo chuyển hóa, con số này lên tới 36 phút.
Tiêu thụ các loại thực phẩm như các loại hạt, cây họ đậu, hải sản, hoa quả và các loại rau không chứa tinh bột, ngược lại, sẽ có tác dụng tốt đối với sức khỏe; theo nghiên cứu.
Chỉ số này nhằm đưa ra dữ liệu lợi/hại của các loại thực phẩm đối với sức khỏe của con người, nhưng không dễ để khiến người ta từ ỏ thói quen lựa chọn những thực phẩm không tốt để chuyển sang thực phẩm tốt; Jolliet cho hay.
“Chỉ số này chủ yếu là nhằm hỗ trợ con người trong việc lựa chọn thực phẩm, và nhìn vào lượng calo hấp thụ hàng ngày để dần dần thay đổi từng bước thói quen của họ sao cho mang lại lợi ích lớn nhất cho sức khỏe và cả môi trường” – Jolliet cho hay.
Mục đích chính của nhóm nghiên cứu là giúp con người lựa chọn thực phẩm một cách thông thái hơn, chứ không phải ngồi tính toán xem các loại thực phẩm khiến họ tăng hay giảm tuổi thọ bao nhiêu.
“Đây có phải phép tính giúp các bạn lựa chọn thực phẩm chính xác mà bạn ăn vào ngày mai và quyết định tuổi thọ hay không? Không phải” – Jolliet nói – “Đây là phép tính toán để giúp các bạn có thể thêm sự lựa chọn thực phẩm dựa trên thông tin và dễ dàng nhận định và tạo nên những sự thay đổi nhỏ trong khẩu phần của các bạn”.
Thêm vào đó, không dễ tính toán loại thực phẩm tiêu thụ để có thể sống tới 100 tuổi; theo Marion Nestle, Giáo sư chuyên khoa dinh dưỡng và y tế công tại ĐH New York. Bà cho rằng những con số này chưa hoàn toàn đáng tin. “Thay đổi khẩu phần ăn, loại bỏ hay thêm vào một loại thực phẩm nào đó, khó có thể tạo nên sự khác biệt. Nó còn phụ thuộc cả vào lối sống nữa” – bà nói.