Sau Covid-19, đại dịch toàn cầu tiếp theo có thể đang ẩn nấp dưới các lớp băng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà sinh vật học hàng đầu thế giới Anirban Mahapatra đưa ra cảnh báo về một loại đại dịch mới ẩn chứa trong lớp băng tan dưới tác động của nóng lên toàn cầu. 
Ảnh: Getty Image
Ảnh: Getty Image

"Delta" càn quét thế giới, "Lambda" nối tiếp nhau ... nhiều loại biến thể mới từ Covid-19 đã khiến các nước trên thế giới phải chật vật chống chọi. Đồng thời, những trận cháy rừng hoành hành ở nhiều quốc gia cũng đang cảnh báo nhân loại rằng biến đổi khí hậu đang thực sự ập đến.

Hiện tại, các nhà khoa học đang cảnh báo rằng biến đổi khí hậu khiến băng vĩnh cửu tan chảy với tốc độ nhanh chóng, xác động vật thối rữa, cũng như xác động vật bị nhiễm bệnh ẩn trong lớp băng có thể gây ra đại dịch toàn cầu tiếp theo.

Theo nhà vi sinh vật học hàng đầu thế giới Anilban Mahapatra, vi khuẩn và virus gây ra các bệnh chết người như bệnh than, uốn ván và đậu mùa có thể đang ẩn trong lớp băng ở Bắc Cực trong nhiều thế kỷ hoặc thậm chí hàng nghìn năm.

Trong lịch sử, chúng gây ra một mối đe dọa nhỏ đối với con người, tuy nhiên, khi băng tan và sông băng nhanh chóng lan tỏa đi mọi nơi như hiện nay, những mầm bệnh và virus ẩn chứa lâu năm trong băng có khả năng lây nhiễm sang người và dẫn đến đợt bùng phát tiếp theo.

Trong thực tế, mối quan ngại này đã từng xảy ra. Cách đây 5 năm, tại Siberia, Nga đã xảy ra một vụ lây nhiễm bệnh than quy mô lớn, sau khi truy tìm nguồn gốc, các nhà khoa học phát hiện ra "thủ phạm" hóa ra là xác nai sừng tấm xuất hiện từ sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.

Vào mùa hè năm 2016, một đợt nắng nóng chưa từng có đã khiến lớp băng vĩnh cửu tại vùng Siberia tan chảy trên diện rộng. Sau đó, một cậu bé 12 tuổi chết vì bệnh than, và hàng trăm người khác cùng bị nhiễm bệnh. Theo báo cáo, đây là đợt dịch bệnh tồi tệ nhất tại khu vực trong 75 năm qua. Theo quan điểm của ông Mahapatra, đợt dịch bệnh đó là một lời cảnh báo cho tương lai của nhân loại khi tình trạng ấm lên toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng.

Ông giải thích rằng một số loại virus có thể tồn tại trong băng hàng trăm, hàng nghìn hay hàng triệu năm. Ngày nay, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực khác và những vùng đất đông lạnh rộng lớn đang bắt đầu tan chảy, dẫn đến nhiều xác động vật nằm im trong lớp băng dầy "nổi lên", chẳng hạn như xác loài voi ma mút gần 10.000 năm tuổi, xác của một con sư tử con đã chết cách đây 28.000 năm,...

Nếu xác những con vật được chôn vùi dưới lớp băng này đã bị nhiễm một loại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh nào đó, sau khi lớp băng tan, xác của chúng có khả năng truyền virus và vi khuẩn gây bệnh cho những con vật khác và những người sống gần đó, giống như bệnh dịch than ở Siberia.

Tệ hơn nữa, lớp băng vĩnh cửu cũng có thể chứa virus và vi khuẩn không tiếp xúc với con người trong nhiều năm. Vì không có kháng thể liên quan trong cơ thể người, một khi ai đó bị nhiễm bệnh, nó có thể lây lan nhanh chóng và lây nhiễm cho hàng triệu người.

Một ví dụ về trường hợp này là bệnh đậu mùa. Mặc dù virus đậu mùa đã biến mất trên toàn cầu, nhưng nó có khả năng vẫn tồn tại trong những xác chết bị chôn vùi dưới sông băng. Ông Mahapatra nói: "Sự tan chảy của các sông băng có thể khiến các loại virus như (virus đậu mùa) hồi sinh", đặc biệt là trong xác người bị nhiễm bệnh đậu mùa.

Đảo Kulusuk, Greenland, khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, các ngôi mộ thời xa xưa lại lộ ra. Các nhà khoa học đã đánh dấu những ngôi mộ này bằng thánh giá để cảnh báo người dân địa phương không đến gần chúng. Ảnh: VOX
Đảo Kulusuk, Greenland, khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, các ngôi mộ thời xa xưa lại lộ ra. Các nhà khoa học đã đánh dấu những ngôi mộ này bằng thánh giá để cảnh báo người dân địa phương không đến gần chúng. Ảnh: VOX

Không chỉ vậy, những loại virus chưa từng được con người biết đến cũng có thể ẩn trong các sông băng. Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra 28 loại virus mới trong lớp băng cách đây 15.000 năm. Để đối phó với viễn cảnh này, ông Mahapatra kêu gọi nhân loại không nên phản ứng một cách thụ động với tâm lý lo lắng, vấn đề biến đổi khí hậu sẽ không tự biến mất.

Ông nói: "Các sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy, dãy Andes, dãy Himalaya, các phần của dãy Alps, vì vậy hiện tượng này không chỉ tập trung ở Bắc Cực. Chúng ta nên tìm hiểu thêm từ đại dịch COVID-19 hiện tại. Hãy ghi nhớ một sự kiện có xác suất thấp có thể gây ra hiểm họa nghiêm trọng thế nào".

Theo Daily Star