Các nhà nghiên cứu đến từ Thụy Điển, Na Uy và Đức đã công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí "Science", tuyên bố rằng tốc độ ô nhiễm nhựa toàn cầu hiện nay đang gây ra tác động tiêu cực mà con người không thể đảo ngược. Ô nhiễm nhựa là một mối đe dọa toàn cầu và hành động nhằm giảm ô nhiễm môi trường nhựa là một "phản ứng chính sách cần thiết".
Nhựa có ở khắp mọi nơi trên trái đất, từ sa mạc, đỉnh núi, biển sâu và băng tuyết ở Bắc Cực. Trong khi một số nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế ước tính có khoảng 9 - 23 triệu tấn nhựa rơi vào các đại dương mỗi năm và một lượng nhựa tương tự cũng bị vứt bỏ vào đất liền.
Một tàu nghiên cứu biển của Đức thu thập được một động vật giáp xác bám vào miếng nhựa. |
Giáo sư Matthew McLeod đến từ Đại học Stockholm, Thụy Điển cho biết: "Nhựa đã có sớm tồn tại và gắn liền trong đời sống xã hội loài người. Nó lan tỏa đến mọi ngóc ngách của môi trường, ngay cả ở những nước có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tốt. Mặc dù trong những năm gần đây, nhận thức về môi trường của cộng đồng về ô nhiễm nhựa đã tăng lên đáng kể, nhưng lượng khí thải nhựa vẫn đang gia tăng".
Tiến sĩ Man Teichmann tại Viện Alfred Wegener, Đức, cho rằng sự khác biệt về ý thức con người và xu hướng môi trường không có gì đáng ngạc nhiên, bởi ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề "kinh tế và chính trị". Bà tin rằng các giải pháp hiện tại do một số quốc gia cung cấp, chẳng hạn như tái chế nhựa và công nghệ làm sạch đơn giản là chưa đủ.
Hiện nay, các giải pháp kỹ thuật để tái chế nhựa và thu gom rác thải nhựa vì môi trường đang được thúc đẩy trên khắp thế giới. Với tư cách là người tiêu dùng, khi chúng ta phân loại rác nhựa một cách chính xác thì rác thải nhựa sẽ được tái chế một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật, tái chế nhựa không phải là một công việc dễ dàng, có nhiều yếu tố hạn chế trong quá trình này. Các nước có cơ sở hạ tầng tốt hơn đã và đang xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước có cơ sở vật chất kém hơn, điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường và chất thải nhựa ở một số quốc gia.
Đồng thời, việc giảm phát thải nhựa đòi hỏi các biện pháp hữu hiệu, chẳng hạn như hạn chế sản xuất nguyên liệu nhựa, tăng giá tái chế nhựa và cấm xuất khẩu chất thải nhựa (trừ khi nó được xuất khẩu đến một quốc gia có công nghệ tái chế chất thải nhựa tốt hơn).
Ô nhiễm nhựa không thể phục hồi ở các vùng sâu vùng xa
Khi lượng nhựa thải ra vượt quá lượng được thu gom xử lý và phân hủy nhờ môi trường tự nhiên, nhựa sẽ dần tích tụ trong môi trường.
Theo Giáo sư Hans Peter Arp từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), phong hóa nhựa do nhiều quá trình khác nhau gây ra, tác động của phong hóa nhựa tiếp tục làm thay đổi bản chất của ô nhiễm nhựa.
"Sự phân hủy diễn ra rất chậm và không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tích tụ, vì vậy việc con người phải tiếp xúc với nhựa bị phong hóa sẽ chỉ tăng lên. Do đó, nhựa là một "chất ô nhiễm khó có thể đảo ngược", cả vì lượng khí thải liên tục do nó gây ra và cả vì sự tồn tại của nó trong môi trường".
Cặn nhựa có trong thiết bị lọc chất thải thực phẩm của Na Uy. |
Nhà nghiên cứu Anika Yanke tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), Đại học Công nghệ Aachen, Đức, chỉ ra rằng môi trường ở vùng sâu vùng xa đặc biệt bị ô nhiễm bởi nhựa. Ở những môi trường hẻo lánh, các mảnh nhựa không thể được làm sạch kịp thời và các đồ nhựa lớn hơn sẽ bị phong hóa, điều này dẫn đến việc tạo ra một số lượng lớn các hạt vi nhựa.
Nhựa trong môi trường liên tục chuyển động với độ phức tạp ngày càng tăng. Nó tích tụ ở mọi nơi và những tác động mà nó gây ra là một thách thức hoặc thậm chí không thể đoán trước được.
Điểm giới hạn gây ra thiệt hại môi trường không thể phục hồi
Ngoài việc gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường, các sản phẩm nhựa còn gây hại cho hệ động vật và sinh vật. Nghiên cứu mới nhất này trích dẫn một số ví dụ giả thuyết về tác động của ô nhiễm nhựa bao gồm làm nghiêm trọng hơn biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học biển, môi trường sống của sinh vật tiếp tục giảm.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tin rằng mối đe dọa môi trường hiện tại do khí thải nhựa có thể gây ra những tác động không thể đảo ngược trên quy mô toàn cầu trong tương lai. Đã đến lúc cần thực hiện các "biện pháp mạnh mẽ" để giảm ô nhiễm nhựa trong tương lai.
Giáo sư McLeod cảnh báo rằng hiện nay chúng ta đang đẩy ô nhiễm nhựa đến điểm giới hạn không thể vãn hồi.
"Ngay bây giờ, chúng ta đang thải ra môi trường với lượng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng. Cho đến nay, chúng tôi không thấy bằng chứng rộng rãi về những hậu quả xấu, nhưng nếu nhựa bị phong hóa gây ra tác động xấu thực sự thì chúng ta không thể phục hồi được nữa".
"Cái giá phải trả của việc bỏ qua sự tích tụ ô nhiễm nhựa khó phân hủy trong môi trường có thể là rất lớn. Điều hợp lý cần làm là hành động càng nhanh càng tốt để giảm lượng nhựa thải ra môi trường", ông nói.
Theo Sina