NHNN tiếp tục bơm ròng 5.589 tỷ đồng vào thị trường trong tuần qua

VietTimes -- Trong tuần từ 19/11 - 23/11/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục duy trì trạng thái bơm ròng vào hệ thống nhằm giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

NHNN bơm ròng 5.589 tỷ đồng qua kênh OMO

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trích nguồn số liệu từ Bloomberg cho thấy, tuần vừa qua, NHNN đã thực hiện bơm ròng 5.589 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO). Cụ thể, NHNN đã tiến hành bơm mới 63.655 tỷ đồng, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh OMO đạt 58.066 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN đã không có hoạt động phát hành mới qua kênh tín phiếu, trong khi lượng vốn đáo hạn là 0 đồng. Như vậy, tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 5.589 tỷ đồng vào thị trường trong tuần từ 19/11 - 23/11/2018.

Lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá có xu hướng tăng

Lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần qua tiếp tục xu hướng tăng trở lại với biên độ 0,004% - 0,05% đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.

Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,05% đạt mức 4,91%/năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,004% đạt mức 4,9%/năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,016%, đạt mức 4,886%/năm.

“Diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng đi kèm động thái bơm ròng của NHNN tuần qua cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp” - Báo cáo của BVSC cho biết.

Diễn biến tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có xu hướng tăng mạnh.

Trong tuần từ 19/11 - 23/11, tỷ giá trung tâm có bước tăng 6,6 đồng, đạt mức 22.730,8 VND/USD. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch trung bình tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng khá mạnh (31,6 đồng) so với tuần trước đó, đạt mức 23.330 VND/USD.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index có diễn biến giảm mạnh (0,905%) so với các đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), về mức 96,4 điểm.

Kết quả đấu thầu ảm đạm

Tuần qua, Kho Bạc Nhà nước đã tổ chức gọi thầu tại bốn loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm, và 15 năm; với khối lượng gọi thầu lần lượt ở mức 500 tỷ, 500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.000 tỷ đồng.

Tương tự như diễn biến các tuần trước đó, khối lượng đặt thầu thường nhiều hơn giá trị gọi thầu nhưng kết quả đấu thầu trái phiếu có phần ảm đạm hơn. Một số loại kỳ hạn không thành công với tỷ lệ trúng thầu là 0%, hoặc kém sôi động với tỷ lệ trúng thầu thấp. 

Kết quả đấu thầu theo thống kê của BVSC cũng cho thấy xu hướng sụt giảm rõ rệt của hoạt động này từ tháng 10 cho tới nay.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 5 năm, lượng đặt thầu gấp 4,2 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 0%. Tương tự, lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm gấp 1,5 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 0%.

Đối với kỳ hạn 10 năm, lượng đặt thầu gấp 1,32 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 62% tại mức lãi suất 5,06%/năm – tăng 0,03% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm gấp 1,9 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 25% tại mức lãi suất 5,3%/năm – không đổi so với lần trúng thầu gần nhất.

Trong tuần từ 26/11 - 30/11/2018, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm.