Nhiều khu công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ bùng phát COVID-19, Thái Nguyên và Phú Thọ đang làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, lãnh đạo Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở Thái Nguyên và Phú Thọ vào sáng nay, ngày 6/6.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - SYT)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - SYT)

Rút kinh nghiệm từ ổ dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Thái Nguyên và Phú Thọ phải coi việc bùng phát dịch COVID-19 trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang là bài học để có những phương án đảm bảo chống dịch, chuẩn bị cơ sở vật chất cho điều trị hồi sức tích cực, không để bệnh nhân nhẹ chuyển sang diễn biến nặng.

Theo ông Khuê, thời gian qua, để điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các Bệnh viện Trung ương thành lập các Trung tâm hồi sức tịch cực điều trị các ca bệnh COVID – 19 nặng. Bước đầu các Trung tâm đã điều trị có kết quả rất tích cực. Để công tác điều trị người bệnh nặng phù hợp đợt dịch hiện tại cũng như đề phòng các đợt dịch tiếp theo Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc khảo sát năng lực Hồi sức cấp cứu, công tác chuẩn bị tiêm chủng tại các địa phương.

Vì thế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên, Sở Y tế Phú Thọ phải đánh giá thực trạng và bức tranh tổng thể việc đáp ứng công tác phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh để xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để ứng phó với đại dịch.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê làm việc ở Sở Y tế tỉnh Phú Thọ (Ảnh - BYT)

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê làm việc ở Sở Y tế tỉnh Phú Thọ (Ảnh - BYT)

“Thái Nguyên và Phú Thọ là 2 địa phương có nhiều khu công nghiệp, nguy cơ cao khi dịch bùng phát. Nếu không có kế hoạch chi tiết và cụ thể thì khi dịch bùng phát sẽ bị động. Với phương châm chuyển tử chủ động sang tấn công, tôi đề nghị ngành y tế ở 2 địa phương phải xác định thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực, năng lực xét nghiệm; thống kê số nhân lực bác sỹ, điều dưỡng chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, nội khoa, truyền nhiễm, lọc máu, ECMO,… Nếu chưa đáp ứng phải cử ngay cán bộ về Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới học tập để phục vụ công tác điều trị và đáp ứng tình huống khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế Thái Nguyên, Phú Thọ phải xác định phương châm 4 tại chỗ, xây dưng bệnh viện dã chiến, nâng cao năng lực hồi sức tích cực; chủ động theo dõi sớm bệnh nhẹ, xử lý sớm không để diễn biến nặng” – ông Khuê nói.

Cùng với đó, ngành Y tế 2 tỉnh phải tính toán nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị các nguồn lực đi kèm phải đảm bảo cho 3 khu vực gồm: Khu vực 1: bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng, không phải máy thở, ôxy, chỉ chủ yếu điều trị bệnh nền, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn và nâng cao dinh dưỡng, thể trạng cho người bệnh; Khu vực 2: bệnh nhân có mức độ trung bình, cần đầu tư ôxy gọng kính, máy thở HFNC và Khu vực 3:bệnh nhân nặng, nguy kịch (chiếm khoảng 5%).

Ngoài ra, nhằm đạt 75% dân số Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19, các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ phải có phương án, cụ thể, tính toán số lượng bàn tiêm, địa điểm tiêm để đảm bảo công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đáp ứng cấp cứu trong những trường hợp có phản ứng bất lợi.

Ông Khuê yêu cầu các Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên, Phú Thọ phải tham gia kết nối các buổi hội chẩn quốc gia để nắm tình hình và kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Chủ động phòng, chống dịch ở khu công nghiệp

Thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Nguyên, ông Đoàn Ngọc Huy - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên - cho biết: Tính đến hôm nay, ngày 6/6, tỉnh có 3 bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng và 5 bệnh nhân ở khu cách ly tập trung. Toàn tỉnh có 4.000 doanh nghiệp với trên 200.000 lao động. Trong đó, riêng Khu công nghiệp Sam Sung có tới trên 63.000 lao động với quy mô lớn.

Để chủ động chống dịch, Sở Y tế Thái Nguyên đã chuẩn bị 47 cơ sở cách ly, xây dựng 4 bệnh viện dã chiến gồm: Bệnh viện Lao Bệnh phổi; Trung tâm Y tế Thị xã Phổ Yên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Phục hồi chức năng, Bệnh viện C theo thứ tự tuỳ mức độ các ca lây nhiễm, đồng thời chuẩn bị sẵn 15 cơ sở cách ly với hớn 10.300 giường bệnh.

Là tỉnh có nguy cơ cao với số công nhân trong các khu công nghiệp đông, nếu chỉ 10 % ca mắc trong khu công nghiệp thì lượng bệnh nhân có thể lên đến 1.000 người. Trước tình hình này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Ban Quản lý các khu Công nghiệp Thái Nguyên phải phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch.

PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên - cho biết: Bệnh viện có tổng cộng 56 cán bộ y tế chuyên ngành hồi sức tích cực, có 1 máy ECMO, 30 máy thở nhưng đã sử dụng công suất tối đa. Để phấn đấu trở thành Trung tâm hồi sức tích cực tầm khu vực, Bệnh viện rất cần Bộ Y tế hỗ trợ trang bị thêm máy thở, ECMO, XQ di động,… và hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ y tế.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19 ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Ảnh - BYT)

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19 ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Ảnh - BYT)

Tại Phú Thọ, TS. Nguyễn Huy Ngọc - Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ - cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh có 4 bệnh nhân trong cộng đồng điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ, 19 công dân của Phú Thọ mắc COVID-19 đã được phát hiện và điều trị tại Hà Nội. Tỉnh đã xây dựng bệnh viện dã chiến với công suất tối đa 170 giường bệnh, trong đó khu hồi sức cấp cứu có 20 giường bệnh, đồng thời, lên phương án dự phòng thêm 2 bệnh viện với tổng công suất 430 giường bệnh.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, sau khi triển khai tiêm, tỉnh phát hiện 7 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm. Sau khi được cấp cứu, cả 7 trường hợp này đã phục hồi hoàn toàn, không ghi nhận trường hợp phản ứng muộn sau tiêm.

Riêng chuyên ngành hồi sức cấp cứu hiện toàn tỉnh có 180 bác sĩ, 359 điều dưỡng tại 20 bệnh viện với tổng số 975 giường bệnh hồi sức tích cực, 284 máy thở. Tỉnh Phú Thọ đã cử 90 cán bộ y tế hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Hiện, tỉnh Phú Thọ có 4 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp với 120.000 công nhân lao động. Vì thế, tỉnh đề nghị Bộ Y tế cung cấp vaccine, sinh phẩm để phòng COVID-19; cho phép tỉnh thí điểm triển khai cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 để giảm thiểu chi phí trong vận hành các khu vực cách ly tập trung trên địa bàn; đầu tư trang thiết bị hồi sức tích cực và hỗ trợ công tác đào tạo…

Với mục tiêu đưa Thái Nguyên và Phú Thọ trở thành một trung tâm Hồi sức cấp cứu vùng cho các tỉnh Đông Bắc, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị ngành y tế 2 tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, đáp ứng chuyên môn không chỉ cho chống dịch COVID-19 mà còn cho cả cho các bệnh lý cấp cứu hiện nay. Bên cạnh đó các trung tâm này phải xác định còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chỉ đạo tuyến cho các tỉnh trong khu vực, nên trước mắt phải cử ngay cán bộ đi học về ECMO, lọc máu,… để đáp ứng phương châm 4 tại chỗ.