Bắc Ninh đã có nguồn lây COVID-19 từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP. Bắc Ninh là một “điểm nóng” của COVID-19 vì đã có nguồn lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Anh Tuấn)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Anh Tuấn)

Đây là nhận định của ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - về tình hình dịch COVID-19 ở Bắc Ninh trong buổi làm việc của Bộ Y tế với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Bắc Ninh diễn ra vào chiều nay, ngày 2/6.

Bắc Ninh sẽ có thêm ca mắc mới

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo: “Tình hình dịch COVID-19 tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới vẫn hiện hữu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, TP. Bắc Ninh là nơi giao thương, mật độ dân cư cao, đặc biệt Thành phố là nơi tập trung rất đông người lao động tới từ nhiều địa phương trong cả nước nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện, TP. Bắc Ninh đã có 14/19 phường có bệnh nhân COVID-19, đã xuất hiện ca bệnh liên quan đến công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, ở trong doanh nghiệp và ngoài các khu công nghiệp đã có trường hợp F0. Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu TP. Bắc Ninh phải xác định ca bệnh F0 cuối cùng nằm trong thời điểm nào tại từng khu phố, từng phường để phong tỏa, khoanh vùng diện hẹp, có chiến lược phòng, chống dịch phù hợp.

Ngoài ra, nhằm tăng cường phòng chống dịch trong cộng đồng, TP. Bắc Ninh cần thực hiện nghiêm, triệt để các khu vực được phong tỏa, tránh trường hợp người dân trong nội bộ khu vực phong tỏa chủ quan lơ là.

Về vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đã điều chỉnh lại kế hoạch cấp vaccine cho tỉnh Bắc Ninh với 150.000 liều. Thời gian tới khi nhận được thêm những lô vaccine mới, Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho các địa phương đang là tâm dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi có nguồn vaccine, tỉnh Bắc Ninh cần xác định đối tượng được tiêm vaccine theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể tùy vào tình hình thực tế cho hợp lý.

Đã có nguồn lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp

Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Bắc Ninh cho biết: tính đến 7h ngày 2/6, trên địa bàn Thành phố đã có 222 ca mắc COVID-19, trong đó, phường Khắc Niệm có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 119 ca, phường Vân Dương 20 ca, phường Nam Sơn 15 ca. Đặc biệt, tỉnh phát hiện 107 người mắc COVID-19 là công nhân làm việc tại 20 công ty trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hiện, số lượng công nhân ở Tp. Bắc Ninh rất nhiều (khoảng 52.000 người), chỗ ở và nơi làm việc không cố định, nhận thức về phòng, chống dịch COVID-19 còn hạn chế. Nơi ở, khu nhà trọ chật chội, mật độ cao, sự di chuyển của công nhân nhiều và phức tạp nên dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý.

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm (Ảnh - Anh Tuấn)

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm (Ảnh - Anh Tuấn)

Theo ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - Tổ hỗ trợ điều tra, giám sát dịch và xử lý môi trường tại cộng đồng của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đang xây dựng phương án xử lý ổ dịch cho TP. Bắc Ninh, trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể từng công việc phải làm như: chỗ nào cần xét nghiệm, chỗ nào cần phong tỏa, cách ly.

“Tại TP. Bắc Ninh, các nơi có nguy cơ cao và số ca mắc đang ngày càng tăng lên, cho thấy cần xác định TP, Bắc Ninh là một “điểm nóng”. Đặc biệt đã có nguồn lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại” – ông Đức khẳng định.

Vì thế, ông Đức đề xuất biện pháp xử lý ổ dịch tại các phường ở TP. Bắc Ninh trong vòng 7 ngày xuất hiện ca mắc COVID-19 là phong tỏa tuyệt đối, không ra không vào; áp dụng triệt để Chỉ thị 16 và Tổ COVID tại cộng cồng cùng với chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ hàng ngày.

Toàn thành phố phải xét nghiệm 3 lần/tuần để xác định được F0 và đưa F1 đi cách ly kịp thời. Nếu làm đúng theo quy trình này, tỉnh có thể xử lý được ổ dịch nhanh chóng. Với những phường trong vòng 14 ngày không có ca mắc mới thì cần có sự tính toán nới giãn cách để người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. Trước khi nới giãn cách cần tiến hành xét nghiệm để rà soát xem còn ca F0 trong cộng đồng hay không để kịp thời xử lý.