Coi học viên như người thân
Năm 2004, tốt nghiệp đại học ngành kế toán, Phương vào làm việc ở trung tâm. Cô được phân công quản lý học viên nữ vốn trước đây là gái bán dâm. Trong số đó, có cả những học viên nghiện ma túy, học viên nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
“Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên mới vào nhận việc, được phân công vào quản lý học viên nữ tại tổ 3. Tôi lo lắng mất một tuần không ngủ được, bởi tôi chưa được ai dạy làm công việc ấy. Lúc đó, tuổi đời còn quá trẻ nhưng tôi luôn nghĩ rằng công việc nào cũng có những khó khăn. Cha ông ta đã dạy “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đó chính là động lực để tôi bước những bước đi chập chững đầu tiên bước vào nghề” - Phương tâm sự.
Cô cho biết thêm, đôi khi những học viên cứng đầu không chấp hành nội quy, có thái độ đối phó với cán bộ cũng làm cho cô không khỏi trăn trở: “Mình phải làm gì để thấu cảm, cảm hóa và thuyết phục, giáo dục họ”.
Với bản tính ham học hỏi, Phương thường xuyên luôn trao đổi, tìm hiểu những kỹ năng quản lý học viên từ những người đồng nghiệp, sách vở để làm tốt nhất công việc của mình. Trong mối quan hệ, ứng xử với học viên, Phương luôn tôn trọng nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, không phân biệt hay kỳ thị. Với học viên nhiễm HIV/AIDS, Phương cũng luôn gần gũi với họ, coi họ là những người em của mình. Vậy thôi cũng đủ thấy cái tình thương con người đã tạo niềm tin yêu cho học viên. Tình cảm ấy thấm đẫm trong lòng biết bao lứa học viên.
Những người đã từng một thời lầm lỡ, muốn làm lại cuộc đời, hình ảnh cô Phương trong mắt học viên chính là điểm sáng tinh thần để họ phấn đấu, rèn luyện để trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Sức mạnh của tình yêu thương
Là cán bộ nữ trong môi trường giáo dục đặc thù, công việc thường xuyên phải trực đêm, Phương đã phải “gồng mình” để sắp xếp ổn thoả công việc gia đình và công việc cơ quan. Thời điểm Phương mang thai, bị sản giật là khoảng thời gian vô cùng khó khăn nhưng chị đã vượt qua tất cả để gia đình luôn êm ấm, công việc suôn sẻ .
Khi Phương làm ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số VII, do cơ sở mới được thành lập nên gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn đơn sơ. Lúc đó, cô được phân công làm công tác nấu ăn cho học viên cai nghiện. Phương cùng cán bộ phải đi xách từng xô nước trong nhà dân về trung tâm về để nấu ăn cho học viên. Một thời gian trung tâm chuyển đổi chức năng nhiệm vụ, Phương lại tiếp tục với công việc chăm sóc phục vụ người tâm thần.
Tự học cách chăm sóc người tâm thần và làm tốt công việc được giao, cô sinh viên Phương năm nào đã vinh dự được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động thương binh xã hội.
“Mình đến với nghề như một cái duyên, đúng là nghề chọn người, chứ người không chọn được nghề. Mình cho rằng yêu nghề là điều tiên quyết để dẫn đến những thành công” – Phương tâm đắc.
Chị Phương tận tình chăm sóc bệnh nhân. |
Chị Phương coi công việc quản lý, chăm sóc, trợ giúp người tâm thần là công việc hằng ngày, thường xuyên phải đối diện với cảnh bệnh nhân la hét, đánh đập, chửi bới, đi lại lung tung, vệ sinh không kiểm soát,… Vì vậy, cán bộ trực tiếp chăm sóc cần có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu.
Chia sẻ về công việc, Phương cho biết, chăm sóc bệnh nhân tâm thần nhiều khi vô cùng áp lực. Có những bệnh nhân có ý định tự sát, phải theo dõi phát hiện sớm thì còn cứu được. Người bệnh tâm thần có khi chỉ cần một tích tắc, họ đã có những hành vi bất thường, không kiểm soát hành vi, lên cơn kích động tấn công người khác hoặc làm tổn thương chính bản thân mình.
Với áp lực công việc nặng nề, nhất là những đêm trực, Phương nhớ lại: “Có những đêm trực bệnh nhân lên cơn kích động bệnh nhân la hét, đập phá, lôi kéo các bệnh nhân khác giữa đêm, rồi bệnh nhân vệ sinh không kiểm soát”. Vì vậy, nhiệm vụ của cô và các đồng nghiệp là phải luôn theo dõi sát để phát hiện và ngăn ngừa.
Trong các đêm trực, cứ 15 phút người trực lại kiểm tra một lần xem bệnh nhân ngủ hay thức. Có những trường hợp bệnh nhân bị nghẹn, bỏ ăn hay những bệnh nhân có tuổi, bệnh nhân kém chức năng vận động chân tay, Phương phải dỗ dành người bệnh để họ ăn ngon miệng.
Khó khăn nhất với chị và các đồng nghiệp là chăm sóc bệnh nhân khi nhập viện. Khi ấy, chỉ có một mình cán bộ chăm sóc bệnh nhân 24/24, nhất là với các bệnh nhân kém chức năng vận động thì cán bộ gặp muôn vàn khó khăn vất vả. Nhưng với Phương, lúc nào cô cũng coi người bệnh như người thân của mình.
Cô tâm sự, có những “nốt lặng” khi chăm sóc: “Có một lần trong lúc trông bệnh nhân đi tắm, không may bệnh nhân đánh nhau, tôi phải hứng chịu những cảnh xô ngã, cào xé khi bệnh nhân kích động, thậm chí bị bệnh nhân đánh trúng người. Khi đó, mình phải thật bình tĩnh xử lý, họ cũng đâu có cố ý đánh mình. Chẳng qua họ đang bị bệnh mới thế thôi, lên cơn thì mới vậy. Mình phải hiểu và thông cảm, chứ thường ngày họ cũng tình cảm lắm”.
Công việc của cô và các đồng nghiệp không dễ để ai cũng có thể làm được, bởi nó rất cần người đủ can đảm, sự tận tâm, kiên nhẫn chịu đựng. Không chỉ làm tốt công việc cơ quan, khi về nhà cô luôn là người con tận tình chăm sóc mẹ già đã hơn 80 tuổi và là mẹ hiền của 2 con thơ, gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm sum vầy. Vậy thôi cũng đã thấy sức mạnh của tình yêu thương.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu