Bệnh viện (BV Chợ Rẫy) vừa phẫu thuật nội soi thành công cho một nam bệnh nhân bị mắc xương gà tại trung thất. Đây là một nỗ lực kịp thời của y bác sĩ BV Chợ Rẫy.
Bệnh nhân là ông T. V. T. (41 tuổi, ở An Giang). Ngày 15/1 (nhằm ngày 21 Tết Nguyên đán 2020), khi ăn tất niên, không may ông bị hóc xương gà. Ngay sau đó, ông T. bị khó thở, đi khám ở BV địa phương thì bác sĩ cho biết bị rối loạn tiêu hóa nên kê đơn thuốc, khuyên ông nên ăn cháo loãng.
Tuy nhiên, sau đó, ông vẫn bị khó thở, ăn uống bị vướng ở cổ nên đi khám lại. Bác sĩ BV địa phương đã chuyển ông lên BV Chợ Rẫy để kiểm tra kỹ hơn vào ngày 22/1 (nhằm ngày 28 Tết) trong tình trạng khó thở, sốt, nghẹn, đau tức vùng ngực, dịch nhầy mủ...
Kết quả xét nghiệm tại BV Chợ Rẫy cho thấy bạch cầu tăng cao 22.400/mm, chụp CT scan có hình ảnh tụ dịch khí vùng ngực trung thất với dị vật. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao. Mảnh xương tụt xuống thực quản, nằm ở trung thất và kề sát bên động mạch chủ bụng. Vì vậy, phim chụp X-quang khó phát hiện nên các BV tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng mảnh xương gà nhọn, bị mắc lâu này đã gây áp xe áp xe nhiễm trùng hoại tử vùng lồng ngực. Nếu tiếp tục để lâu, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng toàn thân, suy gan, thận.
Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
BV Chợ Rẫy đã hội chẩn nhiều chuyên khoa: gây mê, ngoại lồng ngực, nội soi và tai mũi họng để cứu chữa cho bệnh nhân. Ê kíp bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, nôi soi, khéo léo lấy mảnh xương gà để không phải chạm vào động mạch chủ bụng, nếu không cẩn thận, có thể gây xuất huyết ồ ạt, bệnh nhân sẽ tử vong.
Bác sĩ Vũ Thị Thanh Tâm - Khoa gây mê (BV Chợ Rẫy) - cho biết, vào 10 năm trước, có một ca bệnh tương tự nhưng kém may mắn hơn do đến BV khi đã quá muộn. Lúc ấy bệnh nhân đã bị nhiễm trùng, suy chức năng gan, thận và tử vong. Với trường hợp của bệnh nhân T., đây cũng là bài toán khó.
May mắn, các bác sĩ đã gọn gàng lấy ra 3 mảnh xương gà (mảnh dài nhất 1,5x 4 cm) ở cuối thực quản, dị vật đâm xuyên thành niêm mạc… Hiện, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, đi đứng, ăn uống bình thường, được bác sĩ cho xuất viện vào ngày 11/2.
PGS. TS Trần Minh Trường - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy khuyên người dân khi bị mắc xương gà, các loại xương cứng nên đi đến các BV để thăm khám kịp thời. Tuyệt đối, khi bị mắc xương gà, các loại xương cứng, không nên làm theo các phương pháp dân gian như tìm người đẻ ngược để vuốt cổ, ăn nhiều cơm,... tránh làm tình trạng bệnh thêm nguy hiểm đến tính mạng.