Một dự án trị giá 2,7 tỉ USD đã bắt đầu vào đầu năm nay để chuyển đổi căn cứ không quân Mihail Kogălniceanu ở Romania.
Căn cứ này, được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1999, dự kiến sẽ có quy mô ngang bằng một thành phố nhỏ, với khả năng tiếp đón 10.000 nhân viên NATO và gia đình họ, Euro News Romania đưa tin trước đó.
Nicolae Cretu, chỉ huy căn cứ không quân, nói với hãng tin rằng cơ sở mở rộng sẽ đòi hỏi phải có "nhà chứa máy bay bảo trì, kho nhiên liệu, đạn dược, thiết bị, vật liệu kỹ thuật hàng không, thiết bị mô phỏng, cơ sở cung cấp thức ăn, chỗ ở".
“Đó là mọi thứ cần thiết để hỗ trợ hoạt động và nhiệm vụ của một căn cứ có quy mô như thế này”, ông nói.
BBC đưa tin hôm Chủ nhật tuần trước rằng một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Romania vừa được mua từ Na Uy, cũng như các máy bay không người lái MQ-9 Reaper, dự kiến sẽ sớm đến căn cứ này.
NATO công bố hồi đầu tháng rằng 7 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet của Không quân Phần Lan cũng đã hạ cánh xuống căn cứ này vào ngày 3/6 để thực hiện "huấn luyện và xuất kích thực tế dọc theo sườn phía Đông trên bờ Biển Đen".
"Trong 2 tháng, các chiến đấu cơ của Phần Lan sẽ gia nhập biệt đội Typhoon của Không quân Hoàng gia. Chúng sẽ thực hiện nhiệm vụ cảnh báo phản ứng nhanh, bay cùng các máy bay F-16 của Romania cùng nhau bảo vệ không phận NATO và bảo vệ người dân Romania", Rami Lindström, người phụ trách chỉ huy đầu tiên của biệt đội Phần Lan tại căn cứ cho biết.
Sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ cũng đang được tăng cường, Charlie Tagg, một phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nói với BBC và thêm rằng có “rất nhiều cơ sở hạ tầng, chỗ ở, con người và thiết bị” tại đây.
Căn cứ Mihail Kogălniceanu sẽ trở thành cơ sở quân sự lâu dài quan trọng nhất của NATO trong khu vực lân cận cuộc xung đột ở miền Nam Ukraine”, Dorin Popescu, một nhà phân tích địa chính trị, nói với Euro News.
“Chúng ta đừng tưởng tượng rằng cuộc xung đột này sẽ kết thúc trong năm nay, hoặc vào năm 2025, 2026. Nhưng đó là một cuộc xung đột lâu dài”, ông nói thêm.
Cảnh báo từ Nga
Một số chính trị gia Nga đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về dự án này, trong đó ông Andrey Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang, trước đó đã cảnh báo rằng đây là một “mối đe dọa” đối với Bucharest.
“Nếu người Romania thích điều đó thì đó tất nhiên là việc của họ, nhưng NATO lôi kéo thường dân vào những cuộc phiêu lưu có thể dẫn đến kết cục rất tồi tệ cho gia đình và con cái họ”, ông Klimov nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng NATO đã tích cực mở rộng gần gũi hơn với Nga trong vài thập kỷ qua, và ông từ lâu đã cảnh báo về việc khối này mở rộng hơn nữa.
Bất chấp lời cảnh báo, NATO vẫn tiếp tục tiến xa hơn về phía Đông, với việc Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm ngoái và Thụy Điển gia nhập vào tháng 3 vừa qua.
Ông Putin trong tuần này đã đưa ra những lời cảnh báo mới đối với phương Tây, thề sẽ đi "đến cùng" trong cuộc chiến với Ukraine. Tổng thống Nga nói thất bại ở Ukraine có nghĩa là "sự kết thúc của lịch sử 1.000 năm của nhà nước Nga", đồng thời đặt câu hỏi: "Không phải tốt hơn là nên đi đến cuối cùng sao?".
Ông Donald Trump cân nhắc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi nước này đàm phán với Nga
Tổng thống Zelensky sa thải chỉ huy quân sự cấp cao, dấy lên nhiều nghi vấn
Liên minh do Nga dẫn đầu sẵn sàng mở rộng để ứng phó với NATO
Theo Business Insider