Phát biểu tại một cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tổ chức tại tại Brussels (Bỉ) trong hôm thứ Tư vừa qua, ông Pompeo nói rằng “khối đồng minh của chúng ta cần phải giải quyết mối đe dọa hiện hữu và có khả năng kéo dài đến từ chính quyền Trung Quốc”, thêm rằng các nước NATO không thể phớt lờ “sự khác biệt căn bản” giữa họ và Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra luận điểm trên trong lúc ông mô tả về cái mà ông gọi là chiến thắng của NATO trong Chiến tranh Lạnh vì “mục tiêu tự do và dân chủ”.
“30 năm sau, chúng ta một lần nữa đối mặt với mối đe dọa mới, và một lần nữa chúng ta cần cùng nhau đối diện với nó. Nga, Trung Quốc, Iran – những hệ thống giá trị của họ đơn giản là quá khác biệt với chúng ta”.
Giới phóng viên tại Brussels trong khi đó tỏ ra quan tâm hơn tới các vấn đề liên quan tới luận tội Tổng thống Mỹ, nên không ai hỏi thêm về vấn đề Trung Quốc mà ông Pompeo đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ sau đó lại đề cập tới Trung Quốc một lần nữa, khi được hỏi về các đề xuất cải tổ NATO của Pháp và Đức; trong đó ông nói rằng “khối đồng minh chủ chốt” này cần phải cấu trúc hợp lý để đạt được các mục tiêu liên tục thay đổi, và nhấn mạnh rằng “mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc” không phải thứ mà NATO từng nghĩ trước đây.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng NATO đã “chết não” và đặt dấu chấm hỏi về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh châu Âu. Lãnh đạo Pháp còn kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tự phát triển “chủ quyền quân sự” của riêng họ.
NATO hiện nay cũng đang phải đau đầu đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên có quân đội đứng thứ hai trong khối, nhưng lại lợi dụng khối để theo đuổi các chính sách và lợi ích riêng mà đôi lúc xung đột với Mỹ, như việc triển khai chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria, hay mua S-400 của Nga.
NATO đã liên tục thay đổi sứ mệnh của họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989 để tìm kiếm lý do tồn tại cho khối, từ các cuộc “can thiệp nhân đạo” ở các nước Balkan cho tới chiến dịch chống khủng bố thời kỳ hậu sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ. Khối này cũng ra sức mở rộng, mà mới đây nhất đã kết nạp thêm nước Cộng hòa Montenegro năm 2017, và có thể sớm thêm cả Bắc Macedonia.
Theo RT
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu