Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist (Nhà kinh tế học) của Anh được đăng tải ngày 7 tháng 11: do thiếu sự phối hợp giữa châu Âu với Mỹ và hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ở trong tình trạng “chết não”. Ông đồng thời cảnh báo các nước châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ các đồng minh được nữa.
NATO đã ở trong trậng thái “chết não”
Trước tình hình quốc tế hiện nay, ông Emmanuel Macron lo lắng về những thách thức không thể tưởng tượng được mà các nước châu Âu và NATO phải đối mặt. Đầu tiên, ông tin rằng vì Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, châu Âu đã lần đầu tiên phải kết giao với một tổng thống Mỹ có quan điểm khác về kế hoạch của châu Âu.
Khi châu Âu đối mặt với một tình huống quốc tế khác so với trước đây, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ “đang dần dần chuyển sang độc đoán”, thì sự bất đồng này đã trở nên rất rõ ràng và gay gắt.
Khi trả lời phỏng vấn The Ecconomist, ông Emmanuel Macron cho rằng NATO hiện đã chết não
|
Ngoài ra, việc Anh rút khỏi EU (Brexit) và sự bất ổn chính trị châu Âu đang làm suy yếu châu Âu từ bên trong.
Ông Emmanuel Macron cho rằng những thách thức này là “không thể tưởng tượng được 5 vào năm trước”. Ông cảnh báo, nếu các nước châu Âu không nhanh chóng “thức tỉnh”, sẽ có những rủi ro lớn.
Ông Emmanuel Macron nói: NATO hiện đang phải trải qua trạng thái “chết não”, Washington đang “vứt bỏ các đồng minh”; việc quân đội Mỹ rút khỏi vùng Đông Bắc Syria, bỏ lại các đồng minh người Kurd đã chứng minh điều này.
Vào tháng 10 năm 2019, sau khi biết tin Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được Hiệp định ngừng bắn tạm thời về vấn đề Bắc Syria, Emmanuel Macron đã phê phán Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn bỏ qua quyền được biết tình hình của các nước đồng minh Đức, Pháp, Anh và nhấn mạnh rằng liên minh NATO hiện tại đã xảy ra vấn đề lớn, đồng thời có một trách nhiệm không thể chối cãi đối với sự hỗn loạn hiện tại ở miền Bắc Syria.
Dân chúng ở miền Bắc Syria ném đá vào xe chở quân đội Mỹ khi họ rút đi
|
Khi được hỏi liệu ông có tin vào hiệu lực của Điều thứ Năm (Article Five) “Điều ước phòng thủ chung” của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, hay không? Emmanuel Macron trả lời: “Tôi không biết, Điều thứ Năm còn có ý nghĩa gì vào ngày mai?”. Điều này quy định bất cứ sự tấn công nào chống lại một quốc gia thành viên NATO đều bị coi là tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên khác.
Châu Âu cần khôi phục đối thoại với Nga
Đồng thời, ông Emmanuel Macron cho rằng châu Âu đang đứng trên “bờ vực thẳm”, trừ khi nó bắt đầu hành xử như một cường quốc địa chính trị, nếu không “sẽ không còn kiểm soát được vận mệnh của chính mình nữa”. Vì vậy, châu Âu nên giành lại “chủ quyền quân sự” và tiếp tục duy trì đối thoại với Moscow.
Ông Macron đã và đang thúc đẩy EU và các nước phương Tây thay đổi vai trò của mình trên thế giới để thích ứng với tình hình toàn cầu mới. Hồi tháng 8 năm 2019, ông tuyên bố “quyền bá chủ của phương Tây” đã kết thúc và sẽ là một sai lầm nếu định cố gắng cô lập Nga.
Về vấn đề quan hệ với Nga, ông Emmanuel Macron cũng nói rằng việc châu Âu trục xuất Nga là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Điều này khiến Nga tăng cường liên minh với Trung Quốc và khôi phục ảnh hưởng của Nga ở Syria, Libya và châu Phi. Ông hy vọng châu Âu sẽ xem xét lại về mối quan hệ với Nga, nếu không, châu Âu sẽ trở thành sân khấu của ván bài chiến lược Mỹ - Nga, “sẽ không bao giờ ổn định và sẽ mãi mãi không an toàn”.
Ông Emmanuel Macron kêu gọi EU xem xét lại quan hệ và khôi phục việc đàm phán với Nga
|
Pháp sẽ đóng vai trò “người cân bằng” trong các vấn đề quốc tế
Ông Emmanuel Macron cũng nói rằng Pháp sẽ đóng vai trò là “người cân bằng” giữa Nga và các đối thủ cạnh tranh, giữa Mỹ và Iran, giữa “các nước giàu” và “các nước nghèo”.
Tuyên bố của ông Emmanuel Macron được đưa ra một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Ông đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 11. Khi gặp ông Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, trước những thay đổi lớn chưa từng có trên thế giới hiện nay, Trung Quốc và Pháp, với tư cách là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đại diện của các nền văn minh Đông - Tây, nên tăng cường tiếp xúc chiến lược, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và thể hiện vai trò của các nước lớn.
Ông Emmanuel Macron nói, Pháp và Trung Quốc có lập trường tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế trọng đại. Trong tình hình quốc tế hiện nay, Pháp và Trung Quốc là hai nước lớn có trách nhiệm đặc biệt quan trọng. Việc Pháp tăng cường đối thoại và hợp tác với Trung Quốc có vai trò gương mẫu quan trọng. Ông cũng nói, trong thế giới bất ổn hiện nay, việc EU tăng cường hợp tác với Trung Quốc là vô cùng quan trọng và Pháp sẽ thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc phát triển sâu rộng.
Ông Emmanuel Macron phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ Hai (Thượng Hải, 5/11/2019)
|
Khi tham dự Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ Hai tại Thượng Hải hôm 5/11, ông Emmanuel Macron cũng chỉ trích Hoa Kỳ vì tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông nói: “Trước vấn đề mất cân bằng trong phát triển hiện nay, lẽ nào chúng ta chỉ có thể dùng đến chủ nghĩa đơn phương, sử dụng vũ khí thuế quan và luật rừng? Tôi không nghĩ như vậy! Đó không phải là sự lựa chọn của Pháp và cũng không phải là sự lựa chọn của châu Âu”.
Theo Đa Chiều, Guancha