Động thái trên xuất hiện trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại một triển lãm hàng không lớn tổ chức tại vùng ngoại ô thủ đô Moscow. Cuộc gặp được xem là minh chứng cho mối quan hệ đối tác đang được thắt chặt giữa hai lãnh đạo.
Hai bên đã tổ chức "các vòng tham vấn kỹ thuật" liên quan tới việc chung tay chế tạo một mẫu phi cơ chiến đấu và "các vòng đàm phán khởi đầu" về phát triển một mẫu chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ - giới truyền thông Nga dẫn lời một số quan chức thuộc Cơ quan Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật nước này cho hay. Cơ quan này báo cáo trực tiếp với ông Putin.
Hiện vẫn chưa có thêm chi tiết về vòng thảo luận này, tuy nhiên nó có thể làm dấy lên hồi chuông báo động ở Washington - nước mới đây phản đối kịch liệt việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Giới chức Mỹ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ để thu thập thông tin tình báo về chiến đấu cơ F-35 của họ. Trong động thái đáp trả, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất F-35 và không bán mẫu chiến đấu cơ tàng hình này cho Ankara.
Cùng lúc, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ kêu gọi Tổng thống Trump tăng đòn trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400.
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hiện đang phát triển mẫu chiến đấu cơ tàng hình riêng, có thể đi vào hoạt động trong năm 2025.
Tại Moscow, ông Erdogan và Putin cũng thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực "tác chiến điện tử" ngay trong thời điểm mà phương Tây đang hết sức cảnh giác trước các đòn tấn công mạng của Nga. Động thái gần đây cho thấy mối quan hệ Nga-Thổ đang ấm dần.
Trong một đoạn clip gây sốt trên mạng mới đây, ông Putin đã mua cho mình và ông Erdogan những chiếc kem (lãnh đạo Nga chọn kem chocolate, trong khi ông Erdogan chọn kem vani). Hai nhà lãnh đạo sau đó tới thị sát mẫu phi cơ chiến đấu mới nhất của Nga, Sukhoi Su-57, được công bố tại triển lãm hàng không Moscow - và ông Erdogan đã leo vào bên trong phòng lái. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nói đùa về việc mua Su-57, nhưng cũng chỉ dừng ở đó.
Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos thậm chí còn đề xuất gửi một phi hành gia Thổ Nhĩ Kỳ lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một số bất đồng liên quan tới vấn đề chiến sự ở Syria.
Nga - bên hậu thuẫn quân sự chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - hiện đang ủng hộ chiến dịch tấn công kéo dài nhiều tháng của Syria tại tỉnh miền Bắc Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tiến công này đã khiến nhiều binh sỹ đóng vai trò quan sát viên của Thổ Nhĩ Kỳ ở tình Idlib thiệt mạng và khiến hàng trăm nghìn người dân Syria bị mất nhà cửa đổ tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên quan ngại về một cuộc khủng hoảng di cư mới.
Hồi đầu tháng, một đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đánh bom ở Idlib, trong một vụ tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi một phần cho phía Nga.
Trong một buổi họp báo chung tổ chức hôm thứ Ba trong tuần, ông Erdogan và ông Putin đã tránh không đề cập tới lập trường khác biệt về tình trạng bạo lực ở tỉnh Idlib. Ông Erdogan đã gọi các vụ tấn công mà chính phủ Syria thực hiện là "không thể chấp nhận", thêm rằng chúng chỉ giúp "tăng cường sức mạnh cho các phần tử cực đoan". Trong khi ông Putin thừa nhận về tình trạng "bạo lực gia tăng" nhưng đổ lỗi cho "các phần tử cực đoan" đã tấn công nhằm vào các căn cứ của Nga và cộng đồng người dân Syria.
Việc ông Erdogan tăng cường tiếp xúc với phía Nga cũng chỉ ra mối quan hệ đang dần lạnh nhạt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ankara và Washington vẫn bất đồng sâu sắc kể từ khi Nhà Trắng bác đề nghị dẫn độ một giáo sỹ người Thổ mà chính quyền ông Erdogan cáo buộc là đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối việc Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd ở Syria - lực lượng mà phía Ankara cho là có liên hệ với PKK, một tổ chức khuấy động làn sóng ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Washington Post