Các nhà khoa học ở Anh bắt đầu thử nghiệm hai loại vắc xin COVID-19 khác nhau trên cùng một người, với hy vọng tìm ra phương pháp mới để chống lại đại dịch COVID-19. Được biết, các nhà khoa học tại Đại học Oxford sẽ tiến hành nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng sự kết hợp giữa vắc xin AstraZeneca /Oxford và vắc xin Pfizer/ BioNTech sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ tương đương hoặc tốt hơn so với việc sử dụng hai liều vắc xin của cùng một hãng.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết, kết quả của thí nghiệm này có thể cung cấp cho thế giới rất nhiều kiến thức bổ ích. Giáo sư Matthew Snape, Phó giáo sư tại Oxford Vaccine Group, người phụ trách nghiên cứu vắc xin, cho biết: "Dù thành công hay thất bại, thử nghiệm này ít nhất cũng cung cấp cho chúng ta thêm manh mối để tăng cường khả năng bảo vệ".
Nếu các vắc xin được coi là có thể thay thế cho nhau, thì việc cung cấp vắc xin có thể linh hoạt hơn. Ví dụ, nếu ai đó được yêu cầu tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer, nhưng có vấn đề với nguồn cung cấp vắc-xin, họ có thể được tiêm một liều vắc-xin của hãng khác để thay thế. Điều này cũng giúp cho chính phủ của các quốc gia có thể phản ứng nhanh chóng nếu việc dự trữ các loại vắc xin bị gián đoạn.
Nghiên cứu cũng sẽ xác định xem liệu sự kết hợp nhất định của hai loại vắc xin khác nhau có gây ra ít tác dụng phụ hơn hay không. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng hy vọng rằng sự kết hợp khác nhau của các loại vắc xin có thể mang lại hiệu quả chống lại virus tốt hơn. Theo Tiến sĩ Peter Inglis, nguyên Chủ tịch Ủy ban Y tế Công cộng của Hiệp hội Y khoa Anh, việc kết hợp hai loại vắc xin khác nhau ít nhất phải có hiệu quả tương đương với việc sử dụng một loại vắc xin đơn lẻ.
Hiện tại, chương trình thử nghiệm của Đại học Oxford bắt đầu tuyển các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vào tháng 2 và sau đó cung cấp kết quả sớm nhất vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Gần đây, AstraZeneca cũng đã công bố một cuộc thử nghiệm kết hợp vắc-xin của họ với Sputnik V của Nga.
Theo Business Insider