Ngay từ bây giờ cần nới lỏng việc đi lại với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, ngay từ bây giờ cần nới lỏng việc đi lại với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra giấy đi đường (Ảnh - Minh Thuý)
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra giấy đi đường (Ảnh - Minh Thuý)

Cần nới lỏng việc đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine

Trao đổi với PV VietTimes về hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19, nguy cơ lây nhiễm đối với những người tiêm 1 mũi và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, sáng nay, ngày 3/9, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội – cho biết: “Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 theo đúng lộ trình mà nhà sản xuất quy định thì sẽ đạt được hiệu quả bảo vệ từ 70-90% tuỳ theo loại vaccine. Tuy nhiên, hiện nay các loại vaccine chủ yếu để phòng ngừa các chủng virus cũ, còn đối với chủng Delta thì các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine đã giảm đi nhưng vẫn đạt được mức độ 70-80%. Nếu người dân mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine thì hiệu quả bảo vệ chỉ đạt được khoảng 30-40%. Vì thế, về cơ bản người dân phải tiêm đủ 2 mũi vaccine để phòng bệnh COVID-19”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, khi người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ thấp hơn. Giá trị thực sự của vaccine phòng COVID-19 là không chỉ bảo vệ người được tiêm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm, mà còn giúp những người đã tiêm vaccine nếu mắc bệnh thì có triệu chứng nhẹ hơn, tỉ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm, giảm tỉ lệ tử vong.

Do vaccine không thể bảo vệ cơ thể được 100% trước COVID-19, nên khi đã tiêm đủ 2 mũi phòng COVID-19, người dân vẫn phải thực hiện tốt 5K, không tụ tập, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 để không mắc bệnh và lây bệnh cho người khác theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Trong hoàn cảnh phải sống chung với dịch COVID-19, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cần được nới lỏng việc đi lại để làm việc, lao động, tham gia sản xuất, giúp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. “Ngay từ bây giờ, nên xem xét cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 được đi lại như trong trạng thái bình thường mới. Mục tiêu cuối cùng của việc tiêm vaccine cũng là để sớm đạt được trạng thái bình thường mới. Tất nhiên những người này vẫn phải nghiêm ngặt quy định 5K” – PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ để phòng, chống dịch, người dân “ai ở đâu ở yên đấy”, không được đi lại từ vùng này sang vùng khác. “Trong điều kiện này, tôi cho rằng cần sớm nới lỏng việc đi lại cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, để họ tham gia được nhiều hơn vào việc thực hiện tốt mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra. Tiêm vaccine mà vẫn phải ngồi nhà thì rất lãng phí” – ông Hùng nói.

Tăng cường phòng, chống dịch triệt để sau đợt giãn cách thứ 3

Thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Việc xây dựng phương án kiểm soát dịch triệt để ở vùng đỏ, bảo đảm vùng xanh có thể sản xuất, kinh doanh của thành phố sau đợt giãn cách thứ 3 hoàn toàn phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.

Hiện, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Điển hình là ở phường Văn Chương, phường Văn Miếu (quận Đống Đa), Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai)..., nhất là ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), tỷ lệ người nhiễm tương đối cao. Những ngày gần đây, tại những "điểm nóng" này vẫn liên tục phát hiện những ca dương tính mới.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh - SYT)

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh - SYT)

Theo bà Hà, những điểm nóng trên đều có đặc điểm chung là mật độ dân cư cao, địa bàn "hình xương cá", các ngõ ngách đều có sự liên thông với nhau, thậm chí, có nhiều hộ gia đình còn sử dụng chung nhà vệ sinh,... nên nguy cơ bùng phát dịch lớn. Chưa kể, ý thức người dân không phải tất cả đều tốt. Nếu chưa lường hết được sự nguy hiểm của chủng vi rút Delta, người dân vẫn giao tiếp, vẫn gặp gỡ, dịch có thể lan ra rất nhanh.

Chính vì thế, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, tại những vùng nguy cơ cao, khu vực phong tỏa và khu vực cách ly, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2 đến 3 ngày/lần. Còn tại những khu vực vùng nguy cơ, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu từ 5 đến 7 ngày/lần. Ở những khu vực khác, chính quyền địa phương có nhiệm vụ đánh giá nơi có nguy cơ trên địa bàn để đưa ra đề xuất triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ phân bổ vaccine phòng COVID-19 đến các quận, huyện, thị xã để tiêm cho người dân. Khi tiếp nhận vaccine, các địa phương phải tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, không giới hạn số lượng người đến tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng. Các điểm tiêm cần cố gắng kéo dài thời gian tiêm chủng trong ngày để nhiều người được tiếp cận vaccine một cách sớm nhất, bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - BYT)

Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - BYT)

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đã có những thay đổi so với những giai đoạn trước. Cụ thể, vaccine sẽ được phân bổ và tập trung tiêm cho 5 nhóm đối tượng gồm: Người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian để tiêm mũi 2; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu; người trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại "vùng đỏ"; công nhân tại khu công nghiệp; người tham gia chống dịch. Đặc biệt, ở những vùng nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly sẽ được phân bổ vaccine nhiều hơn để bảo đảm điều kiện cho người dân ở những nơi này được tiếp cận với vắc xin một cách sớm nhất.

Hơn nữa, thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 3 đối tượng: Người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi và phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần.