Ngân hàng nào bán nợ cho VAMC nhiều nhất?

Các ngân hàng thương mại đang rốt ráo lên kế hoạch bán nợ cho VAMC để kịp thời hạn của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Cụ thể, 30/6/2015 phải bán được tối thiểu là 75% số lượng chỉ tiêu được giao và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%.
Ngân hàng nào bán nợ cho VAMC nhiều nhất?

Năm 2014, BIDV bán nợ cho VAMC nhiều nhất 

Theo số liệu được công bố tại Đại hội đồng cổ đông và báo cáo tài chính mà BizLIVE thống kê được, trong năm 2014, BIDV là ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhiều nhất với con số 6.600 tỷ đồng.

Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong báo cáo thường niên năm 2014 của SCB, ngân hàng đã trích lập dự phòng trái phiếu VAMC là 1.225 tỷ đồng. Như vậy ước tính SCB đã bán khoảng 6.125 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, SCB công bố tính đến thời điểm cuối năm 2014 tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC là 11.409 tỷ đồng. Theo kế hoạch, SCB sẽ phải trích lập dự phòng 20%/năm cho phần trái phiếu đặc biệt VAMC. SCB dự kiến thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản trái phiếu VAMC trong 10 năm để giảm áp lực tài chính thay vì 5 năm.

Trong năm qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã bán cho VAMC 2.506 tỷ đồng nợ xấu trong khi kế hoạch đề ra là 2.500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng trích lập dự phòng lên tới 1.201 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã bán 1.232,5 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt trong năm 2014. 

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) cho biết trong năm qua Sacombank đã thu hồi nợ gần 354 tỷ đồng, chuyển đổi trái phiếu VAMC 4.349 tỷ đồng (dư nợ gốc là 4.984 tỷ đồng). 

Ngoài ra, trong năm 2014, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã bán 1.043 tỷ đồng cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt ở mức 970 tỷ đồng.

Hết nợ để bán 

Với kết quả xử lý nợ xấu năm 2014, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết năm 2015 ngân hàng không còn nợ xấu để bán cho VAMC. Dự kiến, trong năm 2015 ABBank sẽ tất toán trước hạn trái phiếu cho VAMC.

Theo ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, hiện nay Techcombank đã bán khoảng 3.400 tỷ đồng cho VAMC. Cũng theo ông Hùng Anh, nợ xấu của Techcombank hiện cũng không còn nhiều nếu bán thì cũng chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài việc đẩy nợ cho VAMC, một “phép thần” khác mà các ngân hàng đang làm để hạ dần tỷ lệ nợ xấu là đẩy mạnh tín dụng.
Ngoài việc đẩy nợ cho VAMC, một “phép thần” khác mà các ngân hàng đang làm để hạ dần tỷ lệ nợ xấu là đẩy mạnh tín dụng.

Năm 2015, ngân hàng nào bán nợ nhiều nhất?

BIDV sẽ bán tiếp tục khoảng 8.000 tỷ đồng sau khi đã bán 6.600 tỷ đồng trong năm qua. Theo số liệu được công bố tại Đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay, tính đến thời điểm này BIDV vẫn là ngân hàng đăng ký bán nợ nhiều nhất cho VAMC.

Vietcombank dự kiến sẽ bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý II/2015.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, tùy theo diễn biến thị trường, sau khi áp dụng thông tư 02 và thông tư 09, con số bán nợ có thể thay đổi, nhưng chắc chắn là thấp nhất trong số 4 ngân hàng nhà nước.

Trong khi đó, dự kiến trong năm 2015, VIB sẽ tiếp tục bán cho VAMC 1.800 tỷ đồng, trong đó mục tiêu dư nợ cần phải bán cho VAMC trong 6 tháng đầu năm là 1.450 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, ACB vẫn đăng ký bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nợ trong năm 2015 cho VAMC. ACB đặt mục tiêu xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu và sẽ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Đối với VietinBank, giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC 4.500 tỷ đồng trong năm 2014 và ngân hàng đang có kế hoạch tiếp tục xem xét bán nợ cho VAMC trong năm 2015.

Được biết, theo văn bản gửi các tổ chức tín dụng ngày 11/3/2015, mỗi ngân hàng thương mại sẽ phải bán cho VAMC số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN.

Cùng đó, NHNN xác định mốc hẹn đến 30/6/2015 các thành viên phải bán được tối thiểu là 75% số lượng “chỉ tiêu được giao” nói trên, và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%. Các khoản nợ xấu được xử lý bằng thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp...được trừ vào số nợ ấn định bán cho VAMC.

Chính vì vậy mà các ngân hàng đang rốt ráo lên kế hoạch bán nợ cho VAMC.

Kể từ khi thành lập cho đến cuối năm 2014, VAMC đã mua nợ xấu từ 39 TCTD với tổng giá trị nợ gốc đạt 121.000 tỷ đồng và đã thu hồi được trên 4.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD Việt Nam đến cuối năm 2014 chỉ còn 3,25%. Trong năm 2015, VAMC đề ra mục tiêu sẽ mua 70.000-80.000 tỷ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt, và phương án này đã được NHNN thông qua.

Theo Bizlive