Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 21/8 cho biết Berlin chưa cung cấp cho Moscow bất kỳ thông tin thực tế nào về các cuộc tấn công đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) vào năm 2022.
Các đường ống chạy dưới biển Baltic được sử dụng để vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức và các khu vực khác ở Tây Âu. Chúng bị hư hại vào tháng 9/2022 do một loạt vụ nổ gần đảo Bornholm của Đan Mạch.
Nga đã cáo buộc Mỹ dàn dựng vụ tấn công, trong khi một số phương tiện truyền thông ở phương Tây đổ lỗi cho một “nhóm thân Ukraine”.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Đức từ chối chia sẻ chính thức thông tin về cuộc điều tra, đồng thời cho rằng việc Đức để rò rỉ thông tin cho giới truyền thông làm dấy lên “sự ngờ vực rằng tất cả những điều này được dàn dựng” để làm chệch hướng điều tra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer hôm đầu tuần này trả lời rằng Berlin đã “trao đổi thông tin” với Moscow. Phát biểu hôm 21/8, bà Zakharova cáo buộc ông Fischer nói dối.
“Những gì ông Fischer nói hoàn toàn không phù hợp với thực tế”, bà Zakharova nói với các phóng viên. “Nói một cách đơn giản, đó là một lời nói dối. Trong gần 2 năm, phía Đức đã trả lời mọi câu hỏi từ chính quyền Nga liên quan đến việc phá hủy Dòng chảy phương Bắc chỉ bằng những thủ tục trống rỗng, không có thông tin thực tế”.
Tuyên bố của ông Fischer “chỉ củng cố thêm sự nghi ngờ của chúng tôi về ý định 'làm nổ tung' cuộc điều tra đang được tiến hành hoàn toàn bí mật của Berlin, bằng cách không cho phép xác định những kẻ chủ mưu thực sự của cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng xuyên châu Âu”, bà Zakharova nói thêm.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Đức cũng đang truy lùng các cơ quan truyền thông đang thực sự cố gắng khám phá chuyện gì đã xảy ra, điều này “cho thấy Berlin có điều gì đó muốn che giấu và không quan tâm đến việc tiến hành một cuộc điều tra thực sự và công khai sự thật”.
Dòng chảy phương Bắc ban đầu được xây dựng sau tranh chấp vận chuyển khí đốt năm 2009 giữa Kiev và Moscow, cho phép Gazprom cung cấp cho Tây Âu mà không phụ thuộc vào Ukraine và Ba Lan. Đường ống thứ hai được hoàn thành vào cuối năm 2021, bất chấp sự chậm trễ do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Truyền thông phương Tây chỉ bắt đầu đưa tin về “những kẻ phá hoại Ukraine” đứng đằng sau vụ nổ sau khi nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh đổ lỗi cho Washington. Trích dẫn các nguồn tin trong cộng đồng tình báo, ông Hersh lập luận rằng các thợ lặn CIA làm việc với Hải quân Na Uy đã đặt bom kích hoạt từ xa trên cả hai đường ống, tận dụng cuộc tập trận của NATO trong khu vực để che đậy.
Trong khi đó, Ukraine vẫn khẳng định rằng Nga đã cho nổ tung các đường ống dẫn dầu của mình, điều mà Moscow cho là lố bịch.