Nga quyết định ngừng vận hành tuyến dẫn khí Nord Stream-1, đẩy châu Âu vào thế khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 2/9, sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ hạn chế giá khí đốt của Nga, Gazprom đã thông báo ngừng hoàn toàn tuyến Nord Stream-1 với lý do lỗi kỹ thuật và không đề cập đến khi nào sẽ khôi phục.  
Ngày 2/9, Nga thông báo sẽ đình chỉ hoạt động của tuyến đường ống Nord Stream-1 dẫn khí đốt, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng của châu Âu (Ảnh: Reuters).
Ngày 2/9, Nga thông báo sẽ đình chỉ hoạt động của tuyến đường ống Nord Stream-1 dẫn khí đốt, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng của châu Âu (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Usura von der Leyen đã tham dự cuộc họp của các nhà lập pháp bảo thủ tại thị trấn Murnau của Đức. Bên lề cuộc họp, bà nói với giới truyền thông rằng bà tin rằng hiện đã đến lúc đặt ra trần cho giá khí đốt của Nga.

Von der Leyen cho biết thị trường điện đã bị phá hoại nghiêm trọng do "sự thao túng" của ông Putin, không thể tiếp tục hoạt động bình thường, vì vậy bà cho rằng khả năng giá khí đốt của Nga ở châu Âu có thể được nâng lên. Bà nói thêm: “Cũng có cơ sở pháp lý ở cấp độ châu Âu để tạm thời xóa bỏ lợi nhuận như một biện pháp khẩn cấp trong thời kỳ khủng hoảng”.

Von der Leyen cũng cho biết trong vài tháng qua, Ủy ban châu Âu đã nỗ lực "chống lại Putin" ở cấp độ châu lục. Bà tiết lộ rằng các nước EU đã đạt được thỏa thuận về một kho khí đốt tự nhiên chung, và mức tồn kho hiện tại đã đạt mức trung bình 80%, sớm hơn hai tháng so với dự kiến.

Reuters đưa tin về thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu của Nga.

Reuters đưa tin về thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu của Nga.

Đòn đáp trả kịp thời và kiên quyết của Nga

Ngay đêm hôm đó, Gazprom đã cùng lúc đưa ra một thông báo trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thông báo họ có thể ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu vô thời hạn với lý do lỗi kỹ thuật của Nord Stream-1 và không đề cập đến khi nào sẽ khôi phục vận hành. Châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt thiếu khí đốt.

Gazprom cho biết trong thông báo rằng trong quá trình bảo dưỡng định kỳ tổ máy nén khí Trent 60 (tổ máy bơm khí số 24) tại trạm bơm Portovaya, người ta nhận thấy rằng tuabin đã có hiện tượng rò rỉ dầu.

Theo thông báo, Cục giám sát kỹ thuật liên bang Nga (Roscosmos) đã đưa ra cảnh báo với Gazprom rằng các lỗi và hư hỏng được phát hiện không đảm bảo các tuabin khí hoạt động an toàn mà không xảy ra tai nạn và cần phải thực hiện ngay các biện pháp thích hợp để đình chỉ hoạt động tiếp của tuabin Trent 60...

Gazprom nhấn mạnh việc vận chuyển khí đốt của đường ống Nord Stream-1 đã bị "ngừng hoàn toàn" cho đến khi sự cố được loại bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo CNN, Siemens cho biết trong một tuyên bố rằng những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến vận hành của các tuabin, các nhân viên kỹ thuật có thể xử lý tại chỗ.

Công ty này cũng viết: "Đây là một quy trình thường xuyên trong công tác bảo trì. Trước đây, những rò rỉ kiểu này không dẫn đến việc đường ống phải ngừng vận hành."

Bà Usura von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (Ảnh: Getty).

Bà Usura von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (Ảnh: Getty).

Trước phát biểu của bà von der Leyen, ông Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cũng đăng cảnh báo trên Telegram cùng ngày rằng nếu Liên minh châu Âu đặt ra mức trần đối với giá khí đốt của Nga, "châu Âu sẽ không có khí đốt của Nga để dùng trực tiếp."

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream -1 được hoàn thành vào năm 2011. Nó bắt đầu từ Nga ở phía đông và dẫn đến Đức qua đáy Biển Baltic, hiện là "huyết mạch lớn" truyền tải khí đốt của Nga đến châu Âu. Năm ngoái, Nord Stream -1 chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu từ Nga. Một tuabin của Nord Stream -1 trước đó đã được Siemens gửi đến Canada để bảo trì. Kể từ tháng 6, Nga đã bắt đầu giảm khối lượng truyền tải khí đốt của Nord Stream -1, với lý do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga tiến hành bảo dưỡng định kỳ và không thể hoàn thành việc kiểm định, lắp ráp các bộ phận.

Trước khi bị cắt, Nord Stream -1 đã được lên kế hoạch bảo trì ba ngày, ban đầu dự kiến ​​sẽ nối lại thông khí vào đầu ngày 3/9, và đường ống vốn đã định duy trì ở mức 20% lượng khí cung ứng.

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức kỷ lục kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, gây tổn hại cho các ngành công nghiệp châu Âu và thậm chí cả các hộ gia đình và làm tăng giá điện. Sau khi tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước, giá khí đốt ở châu Âu đã trượt dốc trong những ngày gần đây, giảm 1/3 xuống còn 209 euro/MWh, nhưng con số này vẫn cao gấp khoảng 10 lần so với giá trung bình của thập kỷ trước. Các quốc gia trên khắp châu Âu đang nháo nhào tìm nguồn cung cấp thay thế để lấp đầy dự trữ khí đốt mùa đông.

Ông Janis Kluge, một chuyên gia về Nga tại Viện các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế của Đức, cho biết Nga đang "siết chặt các đinh vít với Liên minh châu Âu" và châu Âu buộc phải "nâng mức cao hơn" trong nỗ lực tiết kiệm khí đốt".

Thông báo ngừng hoạt động tuyến Nord Stream của Nga.

Thông báo ngừng hoạt động tuyến Nord Stream của Nga.

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức tuyên bố rằng Đức đã nhận thấy sự "không đáng tin cậy" của Nga với tư cách là nhà cung cấp và hiện đã chuẩn bị kỹ hơn nhiều so với cách đây vài tháng. Ban đầu, Đức dự kiến ​​đạt mục tiêu 85% dự trữ khí đốt vào ngày 1/10, nhưng bây giờ mục tiêu đó có thể được chuyển sang những ngày đầu tiên trong tháng 9.

Tin cho biết, các bộ trưởng năng lượng của các nước EU sẽ họp vào ngày 9/9 để thảo luận cách đối phó với sự gia tăng giá năng lượng; vào ngày 14/9, bà von der Leyen sẽ nêu ý tưởng của Ủy ban châu Âu về các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nước (G7) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/9 để thỏa thuận về việc đặt trần giá dầu của Nga. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp thông báo rằng giới hạn giá sẽ được áp dụng đối với dầu của Nga. Các bộ trưởng tài chính G7 cũng đề xuất thành lập một "liên minh quốc tế rộng rãi" sẽ cấm cung cấp các dịch vụ liên quan cho việc vận chuyển dầu của Nga khi giá dầu cao hơn giá mà "liên minh" đã thỏa thuận.

Tuyên bố không đề cập đến cơ chế chi tiết của giới hạn giá, nhưng đặt ra hai mục tiêu rất rõ ràng, đó là hạn chế đà tăng của giá dầu toàn cầu, giảm áp lực lạm phát, hạn chế doanh thu bán dầu của Nga, từ đó tác động đến nền kinh tế Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết giới hạn giá dầu của Nga là một trong những công cụ mạnh mẽ để chống lạm phát và kế hoạch này sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính của Nga và cản trở "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Báo chí nước ngoài đưa tin, để đạt được các mục tiêu liên quan, G7 sẽ xây dựng một cơ chế mới xoay quanh giá dầu và các sản phẩm dầu mỏ, nếu giá bằng hoặc thấp hơn mức mục tiêu, một số nước sẽ được phép mua dầu của Nga; nếu giá vượt quá giới hạn tối đa đã thương lượng sẽ cấm cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm hoặc tài chính cho các tàu chở dầu của Nga. Có ý kiến phân tích cho rằng mục tiêu của G7 là hạn chế thu nhập của Nga, nhưng cũng là để Nga có lợi nhuận và duy trì sản xuất một lượng dầu nhất định.

Cùng ngày, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov cho rằng việc áp đặt các hạn chế về giá đối với dầu của Nga là một quyết định vô lý vì lợi ích của Hoa Kỳ, điều này sẽ dẫn đến bất ổn nghiêm trọng trên thị trường dầu mỏ. Ông nói rằng Phó Thủ tướng Nga Novak hôm 1/9 đã nói rõ rằng những quốc gia liên quan đến giới hạn giá sẽ không được trở thành đối tượng xuất khẩu dầu của Nga. Thay vào đó, Nga sẽ xuất khẩu sang các nước hoạt động theo các điều kiện thị trường. "Số quốc gia như vậy nhiều hơn số quốc gia liên quan đến giới hạn giá."

Phó Thủ tướng Nga Novak cho biết Nga sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những nước ủng hộ giới hạn giá đối với dầu của Nga và Nga từ chối cung cấp dầu trong các điều kiện phi thị trường; động thái của G7 sẽ không chỉ dẫn đến tình trạng thị trường năng lượng hỗn loạn đe dọa toàn bộ thị trường dầu mỏ, và cũng có thể dẫn đến thảm họa an ninh năng lượng toàn cầu, mà người tiêu dùng ở châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phải trả giá.

Các tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu (Nguồn: The Guardian)

Các tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu

(Nguồn: The Guardian)

Hậu quả của việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga

Bình luận về động thái của Nga, Đài Aljazeera nhận định: Châu Âu sắp trải qua mùa đông khó khăn nhất kể từ Thế chiến II khi Gazprom đã thông báo đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream-1 sau khi liên tiếp tuyên bố giảm dần lượng khí đốt của Nga xuống còn 40% rồi 20% công suất.

Sự chú ý hiện nay đều tập trung vào các quốc gia châu Âu và trữ lượng khí đốt của họ. Vấn đề là: liệu trữ lượng hiện có của châu Âu có đủ để tồn tại trong mùa đông khó khăn này, hay sẽ phải đối phó với cái gọi là "thảm họa khí đốt"? Đó là một thuật ngữ được tạp chí The Economist của Anh sử dụng để diễn đạt những gì người châu Âu sẽ trải qua trong những tháng tới.

Các nước châu Âu đang phải vật lộn với giá khí đốt tăng vọt, thể hiện qua sự gia tăng chung trong hóa đơn năng lượng ở các nước châu Âu, điều này có thể buộc hàng triệu người châu Âu phải lựa chọn giữa thực phẩm hoặc sưởi ấm. Mặt khác, một số quốc gia châu Âu đang thiếu hụt lượng khí đốt tự nhiên tồn kho, điều này sẽ buộc họ phải thực hiện những biện pháp khó khăn để hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng.

Quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho các nước châu Âu đã đẩy giá khí đốt lên 3.100 USD/nghìn mét khối vào tháng 8 năm nay, tăng 610% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá khí đốt tăng sẽ khiến nhiều nhà máy điện phải tuyên bố ngừng hoạt động do không có khả năng trang trải chi phí sản xuất, đặc biệt khi giá điện trên toàn châu Âu đã tăng 300% vào năm 2022, cao gấp 10 lần so với 5 năm trước.

Theo số liệu do tổ chức Hành động Năng lượng Quốc gia của Vương quốc Anh cung cấp, số hộ gia đình ở Vương quốc Anh sẽ được phân loại là nghèo về năng lượng (chi tiêu 10% thu nhập hộ gia đình cho các hóa đơn năng lượng) sẽ tăng từ 4,5 triệu lên 8,5 triệu, và một số thành phố châu Âu cũng sẽ bị cắt điện từ 1 đến 3 giờ mỗi ngày.

Tác động tới nền kinh tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế các nước Đông Âu sẽ bị ảnh hưởng lớn do mất nguồn cung khí đốt của Nga - GDP của các nước này sẽ giảm 6%.

Quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu - IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ giảm 2,6% vào năm 2022 và giảm tiếp 2% vào năm 2023.

Các nước châu Âu đang chạy đua với thời gian để tìm ra các giải pháp thay thế lâu dài cho khí đốt của Nga, ví dụ như Đức, đang xây dựng ba kho chứa LNG nổi và bắt đầu quay trở lại với năng lượng hạt nhân. Nhưng tạp chí Mỹ Time dự đoán rằng các giải pháp này vẫn cần có thời gian, trong đó các thiết bị đầu cuối LNG nổi phải mất 6 tháng để lưu trữ, còn xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới phải cần gần 10 năm.