Ông Klaus Muller: Đức sẽ không thể sống sót qua mùa Đông nếu thiếu khí đốt của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch của cơ quan năng lượng quốc gia cảnh báo rằng Đức sẽ không có đủ nguồn khí đốt dự trữ cho mùa Đông sắp tới.
Ảnh minh họa: AFP
Ảnh minh họa: AFP

Lượng khí đốt dự trữ của Đức không đủ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng vào mùa Đông tới nếu như không mua thêm khí đốt của Nga, quan chức hàng đầu phụ trách mạng lưới điện và khí đốt của Đức nói với các hãng truyền thông.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức, xuất bản hôm 17/7, ông Klaus Muller cảnh báo rằng, mặc dù “lượng khí đốt dự trữ đã đầy 65%,” và “khá hơn so với những tuần trước đó” nhưng vẫn không đủ để “vượt qua mùa Đông mà không có khí đốt của Nga.”

Chủ tịch của Cơ quan Mạng lưới năng lượng Liên bang Đức thêm rằng, giờ nước này phải phụ thuộc vào công tác bảo trì đường ống dẫn Nord Stream 1, dự kiến kết thúc vào ngày 21/7.

Khi được hỏi còn bao lâu thì giá năng lượng tiêu dùng ở Đức tăng lên, trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt, ông Muller trả lời rằng chưa có quyết định nào được đưa ra. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra sự đảm bảo, nhấn mạnh rằng “chưa có đợt tăng giá lớn nào trong tuần này, ngay cả khi Nord Stream 1 đang tạm ngừng hoạt động.” Vị quan chức cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy “các thị trường đã thích nghi với việc mất nguồn cung từ Nga.”

Ông Muller khẳng định rằng người dân Đức “không nên hoảng loạn,” đảm bảo rằng “các hộ gia đình có ít lý do để lo lắng,” và họ sẽ được cung cấp khí đốt lâu hơn nhiều so với các ngành công nghiệp.

Thêm nữa, theo vị quan chức, “không có viễn cảnh nào mà trong đó chúng ta hoàn toàn cạn kiệt khí đốt.” Ông nói rằng ngay cả khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, các nước khác như Na Uy, Hà Lan và Bỉ vẫn sẽ bán nhiên liệu hóa thạch cho Đức. Trong tương lai, lượng khí hóa lỏng của Đức cũng sẽ tạo nên sự khác biệt.

Ông Muller nói rằng nếu việc phân bổ khí đốt xảy ra, cơ quan của ông sẽ cân nhắc mức độ tổn hại đối với nền kinh tế và các chuỗi cung ứng nếu như nguồn cung cho các doanh nghiệp hay nhà máy công nghiệp bị cắt. Ngay cả khi xảy ra tình trạng thiếu khí đốt, nó sẽ chỉ ảnh hưởng tới một số phần của nước Đức, ông nói.

Ông dự báo rằng Đức sẽ phải trải qua 2 mùa Đông khó khăn trước mắt, do rủi ro thiếu khí đốt, nhưng đến mùa Hè năm 2024, nước này sẽ không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh, đạt mức cao lịch sử là hơn 3.600 USD/mét khối vào đầu tháng 3.

Mặc dù Ukraine và một số nước Đông Âu khác, như Ba Lan, đã kêu gọi EU cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, nhưng Brussels đến nay vẫn chưa thực thi biện pháp nào như vậy do các nước thành viên chưa đồng lòng.

Giới chức chính phủ và đại diện các ngành công nghiệp Đức đã liên tục cảnh báo rằng ngừng mua khí đốt của Nga sẽ là đòn chí mạng đối với nền kinh tế nước này.

Cuối tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck đã kích hoạt giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn. Động thái xuất hiện giữa lúc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 với lý do thiếu một turbine, bị mắc kẹt ở Canada do các lệnh trừng phạt.

Trong hôm đầu tuần này, Nga bắt đầu công tác bảo trì đường ống, có nghĩa rằng không có khí đốt được phân phối tới Đức.

Cũng trong tuần này, Berlin đã yêu cầu Ottawa tạm tha cho trang thiết bị mà Moscow đã chỉ ra để làm lý do giảm nguồn cung. Canada đã chấp nhận đề nghị của phía Đức, và sẽ chuyển turbine tới Đức, sau đó chuyển tới Nga, điều này cho phép Ottawa tránh được việc vi phạm các lệnh trừng phạt.

Theo RT