Cơn khát khí đốt của châu Âu: Nga dấn thêm "đòn hiểm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga vừa tuyên bố sẽ giảm lượng cung khí đốt cho châu Âu, tung ra thêm chiêu bài chiến lược nhằm vào phương Tây và làm dấy lên quan ngại về khả năng nhiều công ty phải đóng cửa.
Gazprom tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu thêm 20% (Ảnh: Reuters)
Gazprom tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu thêm 20% (Ảnh: Reuters)

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho hay lượng khí đốt mà họ xuất khẩu thông qua đường ống Nord Stream tới Đức sẽ giảm khoảng 1/5 công suất, đổ lỗi do các vấn đề liên quan tới lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra nhiều vấn đề với turbine.

Việc giảm khí đốt thông qua đường ống này – từ 40% công suất ở hiện tại xuống còn có 20% - dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 27/7.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 12% trong hôm đầu tuần lên 179 euro, tương đương 183 USD, mỗi megawatt-giờ. Đó là mức tăng gấp đôi tính đến thời điểm này trong năm trong khi nhiều chuyên gia phân tích dự báo giá khí đốt sẽ còn tiếp tục tăng khi mùa Đông tới gần, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát ở nhiều nước, tác động đến các thị trường tài chính trong khu vực.

"Vũ khí khóa" khí đốt

Giới chức và các nhà phân tích châu Âu nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "vũ khí hóa" khí đốt, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và làm suy yếu lòng quyết tâm của phương Tây trong việc viện trợ cho Ukraine.

Bằng cách giảm lượng cung khí đốt, họ nói, Moscow đang khiến châu Âu chìm trong tâm trạng hoang mang, đồng thời tạo cho Nga vị thế lớn hơn trong vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu.

“Nga đang chơi một trò chơi chiến lược,” Simone Tagliapietra, chuyên gia phân tích đến từ hãng Brugel có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định. “Giảm lượng cung vốn đã thấp tốt hơn là cắt giảm hoàn toàn, bởi nó giúp họ thao túng thị trường và tối ưu tác động về địa chính trị.”

Giới chức chính phủ và các công ty của châu Âu nói rằng Moscow đang sử dụng chiêu bài turbine để giảm nguồn cung khí đốt, điều mà Berlin gọi là một đòn tấn công kinh tế. Đường ống Nord Stream có một hệ thống tinh vi với ít nhất 1 turbine sẵn có để thay thế vào bất cứ thời điểm nào, theo tờ Wall Street Journal. Bộ Kinh tế Đức trong hôm đầu tuần nói rằng không có nguyên nhân kỹ thuật cho việc giảm lượng khí đốt của Nga.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, đã bác bỏ những cáo buộc rằng Gazprom thao túng nguồn cung khí đốt để giành lấy lợi thế chính trị. “Nga là một nhà cung cấp khí đốt có trách nhiệm,” ông nói trước báo giới, trước khi Gazprom đưa ra tuyên bố cắt giảm nguồn cung, theo hãng Interfax.

Nguy cơ suy thoái

Kế hoạch giảm nguồn cung sẽ càng khiến châu Âu gặp khó trong việc lấp đầy các cơ sở dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông năm nay. Không có đủ khí đốt trong những tháng mà nhu cầu sử dụng tăng cao, chính phủ nhiều nước châu Âu có nguy cơ phải thực thi kế hoạch phân phối khí đốt theo nhu cầu, và nền kinh tế vốn dễ vỡ của khu vực này có thể bị suy thoái.

Cơ quan quản lý năng lượng của Đức trước đó đánh giá rằng, nước này khó có thể đạt được các mục tiêu dự trữ khí đốt khi mà Nord Stream chỉ hoạt động với 40% công suất. Giờ công suất còn giảm xuống 20%.

Berlin đã sẵn có kế hoạch phân phối khí đốt cho người tiêu dùng, bệnh viện và các cơ sở thiết yếu khác trong trường hợp thiếu nguồn cung khí đốt. Đối với nhiều công ty thuộc các lĩnh vực phụ thuộc vào khí đốt, như ngành công nghiệp hóa học, kế hoạch phân phối chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng của họ, gây tình trạng mất việc làm và có thể tác động tới các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tuần này, Viện IFO của Đức, chuyên nghiên cứu về kinh tế, nói rằng mối đe dọa từ cắt giảm nguồn cung khí đốt cùng với giá năng lượng tăng sẽ tạo tác động tới các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. “Đức đang đứng trước ngưỡng suy thoái,” viện này cho hay.

Tháng trước, Gazprom đã giảm nguồn cung khí xuống còn 40% công suất của Nord Stream, đổ lỗi do một turbine bị mắc kẹt ở Canada do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sau đó, đầu tháng này, Gazprom tạm ngừng hoạt động của đường ống dẫn để bảo trì thường niên. Tuần trước, đường ống này khởi động trở lại, nhưng ông Putin cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt buộc Gazprom phải giảm lượng cung thêm lần nữa.

Giữa những vấn đề về nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Nord Stream, tuần trước, EU đã vạch ra một số kế hoạch để cắt giảm nhu cầu khí đốt 15%. Chương trình này sẽ bắt đầu bằng việc giảm nhu cầu tự nguyện bằng cách chuyển sang sử dụng các loại năng lượng khác, đóng cửa nhà máy hay giảm bớt sử dụng năng lượng ở các tòa nhà văn phòng, tòa nhà công. Tuy nhiên, kế hoạch cũng vấp phải sự phản đối của một số nước ở Nam Âu, như Ba Lan và một số nước khác.

Động thái của Nga “sẽ làm tăng thêm sức ép đối với các Bộ trưởng năng lượng của EU, buộc họ phải đưa ra một thỏa thuận,” ông Tagliapietra nói. “Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức.”

Trong khi nhiều nước châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga thông qua Đức, việc giảm công suất của đường ống Nord Stream sẽ gây tác động tức thì đối với toàn lục địa.

Chính phủ các nước trên khắp châu Âu đang cố gắng đảm bảo nguồn cung khí đốt từ các bên khác, trong đó có Na Uy, Algeria, Mỹ và Qatar, thường là dưới dạng khí hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu biển. Đức cũng đang xây dựng một số cảng nhập LNG trên bờ biển của họ để nhận các chuyến hàng này.

Viễn cảnh tồi tệ nhất đối với châu Âu là Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt thông qua cả đường ống Nord Stream lẫn các đường ống khác. Châu Âu vốn đã gặp khó khăn lớn trong việc thay thế nguồn năng lượng của Nga, bởi 40% nhu cầu khí đốt của họ chỉ có thể được đáp ứng nhờ năng lượng xuất khẩu của Nga.

Kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Moscow đã cho ngừng đường ống Yamal-châu Âu – đi qua Belarus và Ba Lan, tới Đức – bằng cách áp lệnh trừng phạt đối với chủ sở hữu của nhánh đường ống đi qua Ba Lan.

Kết quả là: Trong nửa đầu tháng 7, châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua các đường ống dẫn ít hơn tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty dữ liệu ICIS. Một lượng nhỏ năng lượng của Nga cũng được chuyển tới châu Âu dưới dạng LNG.

Trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, Hungary – nước dựa dẫm nặng nề vào khí đốt của Nga – sẽ chứng kiến sản lượng kinh tế của họ giảm tới 6,5%, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Italy sẽ giảm tới 5,7% trong khi Áo và Đức giảm gần 3%.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal