Năm 2015, ngân hàng rầm rộ mở rộng mạng lưới

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 8 Ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới hoạt động với tổng số 30 chi nhánh, phòng giao dịch.
Năm 2015, ngân hàng rầm rộ mở rộng mạng lưới

Chưa đầy 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho 8 ngân hàng thương mại được thành lập 11 chi nhánh và 19 phòng giao dịch trên phạm vi cả nước. Trong đó, bao gồm cả thành lập mới và trên cơ sở nâng cấp từ phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm lên chi nhánh.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được chấp thuận thành lập 11 phòng giao dịch, đứng đầu danh sách.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng 2 lần xin NHNN mở rộng mạng lưới hoạt động. Theo đó, Thống đốc NHNN đã chấp thuận đề nghị của VPBank về việc thành lập 1 chi nhánh tại tỉnh Lâm Đồng, 3 phòng giao dịch tại tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng và thành phố Nam Định.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng khác được chấp thuận mở rộng mạng lưới. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) thành lập 3 chi nhánh trên cơ sở nâng cấp 3 phòng giao dịch tại Hà Nội. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) được chấp thuận đề nghị thành lập 5 phòng giao dịch trên cơ sở chuyển đổi 5 quỹ tiết kiệm tại Hà Nội, Lào Cai và Bình Thuận.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được thành lập 2 chi nhánh tại Quảng Ngãi và Cà Mau. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) được mở thêm 3 chi nhánh tại Hà Tĩnh, TP.HCM và Hà Nội.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BVB) được chấp thuận thành lập 1 chi nhánh tại tỉnh Khánh Hòa. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) mở thêm 1 chi nhánh tại Quảng Ngãi.

Ngân hàng nào có mạng lưới lớn nhất Việt Nam?

Theo số liệu mới nhất mà BizLIVE thống kê được, hiện Agribank đang có số lượng chi nhánh, phòng giao dịch khổng lồ tới trên 2.300 điểm trải rộng khắp cả nước, tiếp đến là Vietinbank với 1.152 điểm.

BIDV đang là ngân hàng có tổng số chi nhánh và phòng giao dịch lớn thứ ba trong phạm vi cả nước với 127 chi nhánh và 584 phòng giao dịch và 16 quỹ tiết kiệm.

Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cho biết các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh thị trường bán lẻ. Theo ông, để trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng, độ phủ mạng lưới hoạt động là điều quan trọng nhất để tiếp cận với khách hàng.  Việc mở rộng chi nhánh, điểm giao dịch để tiếp cận gần hơn với khách hàng là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều ngân hàng. 

Ngay từ đầu năm nay, với thông tin hàng loạt ngân hàng được chấp thuận "lan rộng" mạng lưới thực sự là một tín hiệu mừng. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi thực hiện kế hoạch mở rộng kênh phân phối trong thời gian tới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của dân cư, doanh nghiệp trên khắp các địa phương.

 

Đáng mừng vì trước đó, theo Thông tư 21 được ban hành tháng 10/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại có hiệu lực, việc mở mới chi nhánh sẽ ngày càng siết chặt hơn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ, vốn thấp. Cụ thể, mỗi nhà băng chỉ được mở tối đa 10 chi nhánh trong nội thành Hà Nội, TP. HCM.  

 

   Để được mở thêm chi nhánh, ngân hàng thương mại phải kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề. Ngoài ra, nợ xấu của năm trước liền kề không được vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo Thống đốc quyết định. Tỷ lệ vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh là 300 tỷ đồng.

Việc hàng loạt quyết định từ phía NHNN chấp thuận thành lập chi nhánh và phòng giao dịch trong thời gian gần đây cho thấy, mạng lưới ngân hàng không còn quá tập trung vào các thành phố lớn, đô thị mà trải rộng thị trường tại các địa bàn ngoại thành, nông thôn, hạn chế tình trạng nơi thừa nơi thiếu dịch vụ ngân hàng.

Theo Stockbiz