Trung Quốc khó chịu vì Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan
Tại cuộc hội thảo “Triển vọng và thách thức của quan hệ Trung-Mỹ” do Trung tâm nghiên cứu Trung - Mỹ của Mỹ tổ chức ở Thủ đô Washington, Mỹ hồi tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích khác nhau ở Đài Loan. Có một số lợi ích không tương thích, xử lý không hề dễ dàng và luôn luôn không thể xử lý tốt.
Những vấn đề cần giải quyết như vừa làm cho quan hệ Mỹ - Đài trở nên mật thiết, vừa tiếp tục duy trì chính sách “một Trung Quốc”; thực hiện cân bằng giữa việc tăng cường an ninh cho Đài Loan với giữ ổn định quan hệ hai bờ, không để tình hình trở nên gay go hơn.
Theo các nhà nghiên cứu này, hiện nay quan hệ hai bờ (Trung - Đài) đang bế tắc, Trung Quốc cho rằng thái độ của bà Thái Anh Văn là “né tránh” (đồng thuận 9.2) và “có vấn đề”. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để giữ được ổn định tình hình quan hệ hai bờ.
Bà Thái Anh văn có thể làm một số việc, bao gồm cho biết “Đài Loan độc lập” không nằm trong chương trình nghị sự của bà. Trong khi đó, hiện nay chưa có thời cơ chín muồi để sửa đổi chủ trương “Đài Loan độc lập” trong cương lĩnh của Đảng Dân Tiến, Đài Loan.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải cho rằng sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ không hề thuận lợi. Ông nhấn mạnh phải coi trọng những khó khăn và thách thức của quan hệ hai nước, ngăn chặn bất cứ rủi ro nào làm cho quan hệ Trung - Mỹ “chệch khỏi quỹ đạo”.
Thôi Thiên Khải khẳng định nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ, không được thách thức trong bất cứ tình huống nào. Trung Quốc kiên quyết phản đối các động thái như Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tăng cường quan hệ chính thức với Đài Loan hay muốn khôi phục quan hệ quân sự Mỹ - Đài… Trong những vấn đề này không có chỗ cho mặc cả.
Mỹ hỗ trợ chiến lược hướng Nam mới của Đài Loan
Theo báo chí Mỹ ngày 10/8, Đài Loan đang tìm cách thúc đẩy chính sách hướng Nam mới, coi đây là một chiến lược lâu dài để phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế thương mại, chính trị và ngoại giao của Đài Loan. Chiến lược này được bà Thái Anh Văn đưa ra không lâu sau khi lên nắm quyền ở Đài Loan vào tháng 5/2016.
Với chiến lược này, Đài Loan muốn tìm cách phát triển quan hệ với các nước Nam Á và Đông Nam Á về kinh tế thương mại, nhân văn để thúc đẩy Đài Loan phát triển bền vững về kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Khi tham dự Đối thoại an ninh châu Á - Thái Bình Dương ngày 8/8, nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn nhấn mạnh chính sách hướng Nam mới hướng tới tương lai lâu dài. Bà nói: “Chính sách này không phải khuyến khích tương tác kinh tế thương mại và đầu tư trong ngắn hạn, mà là nhìn vào nhu cầu lâu dài tương lai, bất kể là đào tạo nhân tài hay trao đổi kinh tế thương mại, từ đó tiến hành đầu tư một cách sáng suốt và thích hợp”.
Đài Loan và các nước đối tác trong chiến lược này không có quan hệ ngoại giao chính thức. Vì vậy, Mỹ đang hỗ trợ Đài Loan khắc phục trở ngại về ngoại giao, khơi thông các kênh tương tác.
Bà Tiết Mỹ Du, vụ trưởng vụ Bắc Mỹ thuộc cơ quan Ngoại giao Đài Loan ngày 10/8 cho biết trong khuôn khổ hợp tác toàn cầu và huấn luyện Mỹ - Đài, Mỹ đang hỗ trợ Đài Loan tăng cường tương tác với các nước đối tác trong chiến lược hướng Nam mới.
Chẳng hạn, trong khuôn khổ này, ngày 5/7/2017, Chính phủ Mỹ và Đài Loan đã lần đầu tiên cùng tổ chức thảo luận cứu trợ nhân đạo và hoạt động đào tạo, huấn luyện, có sự tham gia của các nước đối tác như Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Bà Tiết Mỹ Du còn cho biết trong vài tháng tới, Đài Loan và Mỹ sẽ còn cùng tổ chức các cuộc hội thảo về các vấn đề như quyền lợi của phụ nữ.
Bà Tiết Mỹ Du cho rằng chiến lược hướng Nam mới của Đài Loan phù hợp với lợi ích của Mỹ. Chính phủ Mỹ vui mừng giúp đỡ Đài Loan thúc đẩy chính sách này. Mỹ theo đuổi các lợi ích mang tính toàn cầu và có các tính toán toàn cầu. Bất cứ những nỗ lực gì có lợi thì Mỹ đều hoan nghênh.
Brian Harding, người từng là chủ nhiệm các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ Tổng thống Barack Obama cho rằng chính quyền bà Thái Anh Văn của Đài Loan thúc đẩy chính sách hướng Nam mới là một quyết định sáng suốt, Đài Loan có cơ hội dựa vào sức mạnh mềm của mình để khắc phục sức ép của Bắc Kinh đối với các nước Đông Nam Á, mở rộng không gian chính trị và ngoại giao của Đài Loan.
Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc “thu hồi” Đài Loan?
Ngày 11/8, Trung tâm nghiên cứu Đài Loan toàn cầu (GTI) Mỹ tổ chức một cuộc tọa đàm, trong đó có sự tham dự của giáo sư Robert Sutter đến từ Đại học George Washington Mỹ; chủ nhiệm Lisa Heller của Phòng ngoại giao công cộng, Cục Đông Á, Bộ Ngoại giao Mỹ…
Giáo sư Robert Sutter bày tỏ ủng hộ quan điểm “đánh con bài Đài Loan”, cho rằng “nếu Trung Quốc thống nhất Đài Loan, Đài Loan cần đến Mỹ giúp đỡ khi bị tấn công”. Theo Robert Sutter, nếu Đài Loan đứng về phía Mỹ sẽ có lợi cho Mỹ, bởi vì vị trí địa lý của Đài Loan rất quan trọng.
Robert Sutter còn cho rằng thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc có xu hướng cứng rắn lên. Hiện nay, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan có 3 quan điểm khác nhau:
Một là chủ trương Mỹ cần tách rời chính sách đối với Trung Quốc và đối với Đài Loan, không cần thiết phải lo ngại phản ứng của Trung Quốc khi cải thiện quan hệ Đài - Mỹ.
Hai là một số người Mỹ bắt đầu tính toán cách thức bảo vệ lợi ích của Mỹ, khái niệm chuỗi đảo thứ nhất được đề cập lại, trong đó Đài Loan là một mắt xích của chuỗi đảo này.
Ba là Mỹ chắc chắn sẽ đưa ra rất nhiều vấn đề khi đàm phán với Trung Quốc để Trung Quốc phải trả giá, Đài Loan có thể được Mỹ sử dụng như một con bài có ích.
Giáo sư Robert Sutter trước đây cũng từng có những phát biểu “chống Trung Quốc”. Vào năm 2014, Robert Sutter có bài viết cho rằng “Mỹ cần bán 66 máy bay chiến đấu F-16C/D cho Đài Loan, không những làm cho kế hoạch phòng thủ của Trung Quốc phức tạp hơn, mà còn có thể khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan”.
Ngoài ra, gần đây, Mỹ không ngừng can dự vào vấn đề Đài Loan như quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, quyết định cho tàu chiến Mỹ và Đài Loan thăm nhau, Luật du lịch Đài Loan… Những động thái này đi ngược lại nguyên tắc “một Trung Quốc”, gây bất mãn lớn cho Trung Quốc.