Khoe sức mạnh với dân Hồng Kông
Theo các nguồn tin, 8 giờ sáng ngày 7/7, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc đã đi vào vùng biển Hồng Kông, trên tàu đậu vài máy bay chiến đấu J-15 và nhiều máy bay trực thăng. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông.
Trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, ngoài tàu sân bay, còn có tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152 Type 052C, tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên số hiệu 175 Type 052D, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài số hiệu 538 Type 054A cùng nhiều máy bay chiến đấu J-15 và máy bay trực thăng.
Trong đó, tàu khu trục Tế Nam thuộc Hạm đội Đông Hải, tàu khu trục Ngân Xuyên thuộc Hạm đội Nam Hải, tàu hộ vệ Yên Đài thuộc Hạm đội Bắc Hải. Hiện nay Type 052C/D là tàu khu trục tiên tiến nhất của Trung Quốc, được phổ biến gọi là tàu Aegis Trung Hoa.
Chỉ huy biên đội tàu sân bay lần này là Trung tướng Đinh Nghị, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Đinh Nghị là người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, xuất thân từ không quân hải quân, từng làm sư đoàn trưởng của một sư đoàn không quân hải quân thuộc Hạm đội Đông Hải, Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Bắc Hải, Tư lệnh không quân Hải quân.
Giữa năm 2013, Đinh Nghị được thăng chức Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, trở thành tướng cấp phó đại quân khu. Ngày 10/7/2014, Đinh Nghị được phong Trung tướng hải quân, hay còn gọi là Phó Đô đốc.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh thăm Hồng Kông trong thời gian 5 ngày, mở cửa cho người dân Hồng Kông tham quan trong các ngày 8 và 9/7/2017. Lực lượng quân đội Trung Quốc đóng tại Hồng Kông phát 2.000 vé cá nhân và 1.600 vé đoàn đặc biệt để tổ chức tham quan.
Ngoài ra, lực lượng này không công khai sắp xếp cho các nhà báo lên tàu hoặc tham dự bất cứ hoạt động nào nói trên. Khi tham quan, người dân cũng không được chụp ảnh.
Răn đe thế lực ly khai
Mặc dù lấy lý do đến chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông quay trở về Trung Quốc, nhưng dư luận cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh đến thăm Hồng Kông lần này chọn đúng ngày diễn ra sự kiện cầu Lư Câu, một sự kiện mở đầu cho Chiến tranh Trung - Nhật vào năm 1937, cho thấy Trung Quốc luôn nhớ kỹ “quốc nhục” bị Nhật Bản xâm lược.
Hơn nữa, biên đội tàu sân bay đến chúc mừng kỷ niệm ngày Hồng Kông quay trở về Trung Quốc lại đi qua eo biển Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan hiện nay do chính quyền Đảng Dân Tiến lãnh đạo, có chủ trương “Đài Loan độc lập”.
Tại Hồng Kông, có một bộ phận người dân cũng mong muốn Hồng Kông ly khai khỏi Trung Quốc, không muốn chính quyền Trung ương Trung Quốc can thiệp quá sâu vào công việc của khu vực này.
Chính vì vậy, chuyến thăm Hồng Kông lần này của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã phát đi nhiều tín hiệu quan trọng đối với các thế lực bên ngoài và các lực lượng đòi độc lập, ly khai ở Đài Loan và Hồng Kông.
Mặc dù khi đến Hồng Kông, hơn 700 binh sĩ trên tàu sân bay Liêu Ninh đã xếp thành thành dòng chữ “Xin chào Hồng Kông” thể hiện rất thiện chí, nhưng Trung Quốc điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông lần này, nhìn vào hành trình và thời điểm, thì rõ ràng đây là một hình thức phô trương sức mạnh quân sự, khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ Đài Loan và Hồng Kông.
Chỉ huy biên đội, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Trung tướng Đinh Nghị cho biết biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông “đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của chính phủ Trung Quốc đối với Đặc khu hành chính Hồng Kông”.
Khi chủ trì buổi lễ nhậm chức của tân chính quyền Hồng Kông vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo cứng rắn rằng sẽ không khoan nhượng đối với các thế lực đòi độc lập cho Hồng Kông. Báo chí nhà nước Trung Quốc cũng nhấn mạnh, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông để răn đe các thế lực đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan.
Nhà nghiên cứu Trần Lệ Quân, Viện nghiên cứu phát triển Quảng Châu - Hồng Kông - Ma Cao, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông sẽ răn đe có hiệu quả đối với các thế lực đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan cũng như đối với chủ nghĩa khủng bố.
Trong quá trình biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan, phía Đài Loan đã tiến hành cảnh giác cao độ. Máy bay chiến đấu Đài Loan đã cất cánh giám sát và tiến hành thao diễn liên hợp hải, không quân.
Đến nay, vẫn chưa rõ biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này có nhân tiện đến Biển Đông tiến hành huấn luyện hay không như vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 hay không. Phía Trung Quốc cũng không thông báo gì về việc này.
Máy bay B-1B Mỹ bay tự do trên Biển Đông
Trong khi đó, vào tối ngày 6/7/2017, Mỹ đã điều 1 máy bay ném bom chiến lược B-1B tiến hành huấn luyện liên hợp ban đêm với 2 máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trên bầu trời biển Hoa Đông. Sau đó B-1B đã bay qua Biển Đông, thực hiện hành động “tự do hàng không” trên Biển Đông. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã xác nhận việc này.
Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, tướng Ryan Simpson cho biết: “Huấn luyện tác chiến liên hợp với đồng minh Nhật Bản là khoa mục quan trọng của chúng tôi. Hành động lần này hoàn hảo cho thấy sự ăn ý của hợp tác giữa quân đội hai nước Mỹ - Nhật”.
Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ còn chỉ ra, hành động lần này là một bộ phận quan trọng của hành động tự bay trên Biển Đông, cho thấy quyết tâm và ý chí bảo vệ quyền đi lại tự do của Mỹ. Nhưng tuyên bố không cho biết máy bay B-1B lần này có mang theo đạn dược hay không, có đi vào vùng trời mà Trung Quốc đưa ra yêu sách vô lý hay không.
Cuối tháng 12/2016, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đi qua eo biển Miyako, vòng ra vùng biển phía đông Đài Loan, chạy xuyên qua eo biển Bashi, rồi đi vào Biển Đông, sau đó tiến hành huấn luyện. Đầu tháng 1/2017, biên đội tàu sân bay này đi qua eo biển Đài Loan, quay trở về cảng chính Thanh Đảo.
Theo báo chí Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế 24 máy bay chiến đấu J-15, 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-18J, 8 máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F và 4 máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn Z-9C.
Hiện nay, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cũng đã hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001. Nó đang được lắp ráp thiết bị và chờ đợi chạy thử trên biển. Trung Quốc có khả năng sẽ bố trí tàu Type 001 tại cảng chính ở Tam Á, đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông.