Tờ The Journalist Đài Loan ngày 2/8 cho hay sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, đã đối mặt với khó khăn chưa từng có. Ngành đóng tàu Đài Loan hoàn toàn không có công nghệ lõi chế tạo tàu ngầm.
Đài Loan còn tồn tại lỗ hổng về rất nhiều dữ liệu kinh nghiệm thực tế trong việc tích hợp các bộ phận như thép tấm, vũ khí, động cơ then chốt và các hệ thống. Những vấn đề này không thể giải quyết chỉ dựa trên lắp ráp các linh kiện. Tàu ngầm phải lặn được và nổi lên, nếu không sẽ trở thành “quan tài” trên biển.
Đài Loan gặp khó trong xin viện trợ
Trước đây, Hải quân Đài Loan rất tích cực nỗ lực, Mỹ tuy nắm chắc công nghệ, nhưng nhiều năm qua Hội nghị công thương Mỹ - Đài không hề tiến hành đối thoại về dự án tàu ngầm.
Dưới sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn, Công ty TNHH cổ phần đóng tàu quốc tế Đài Loan hầu như có thể trúng thầu nhờ vẽ được bản đồ thiết kế tàu ngầm.
Tuy nhiên 4 tháng qua đi, Công ty TNHH cổ phần đóng tàu quốc tế Đài Loan và Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn vẫn chưa có được công nghệ then chốt, không thể triển khai công tác đóng tàu.
Vì vậy, nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn đành phải tìm kiếm viện trợ từ bên ngoài, Nhật Bản trở thành niềm hy vọng cuối cùng của Đài Loan. Năm 2016, Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy bán tàu ngầm lớp Soryu cho Australia, nhưng đã bị thua bởi Pháp.
Tàu ngầm lớp Soryu do Công nghiệp nặng Mitsubishi và Công nghiệp nặng Kawasaki thiết kế, chế tạo; là loại tàu ngầm mà nhà cầm quyền Thái Anh Văn muốn sở hữu.
Do Mỹ không còn sản xuất tàu ngầm diesel, cộng với tàu ngầm là vũ khí mang tính chiến lược, Mỹ hầu như không thể bán tàu ngầm cho Đài Loan, tránh để Trung Quốc hiểu nhầm.
Trong khi đó, Pháp đã mất đi lòng tin vào thị trường vũ khí Đài Loan do vụ bê bối trước đây. Đức, Thụy Điển chịu sức ép của Trung Quốc, không sẵn sàng từ bỏ thị trường ô tô và công nghiệp nặng khổng lồ của Trung Quốc.
Nhật Bản sẽ không “vì nhỏ mất lớn”?
Từ lâu, quan hệ Trung - Nhật đã tồn tại những vấn đề mang tính kết cấu. Nhật Bản thậm chí rất lo ngại trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc về chính trị và kinh tế.
Trong khi đó, Hiến pháp hòa bình trói buộc sự phát triển của Nhật Bản, càng làm cho Nhật Bản tìm cách trở thành một “quốc gia bình thường” để có thể ứng phó với sự “bành trướng và mối đe dọa” từ Trung Quốc.
Đài Loan sẽ không thể trực tiếp mua được tàu ngầm từ Nhật Bản, nhưng các kỹ sư của Công nghiệp nặng Mitsubishi và Kawasaki có thể lấy tư cách cá nhân để đến Đài Loan, chuyển giao công nghệ then chốt cho Công ty TNHH cổ phần đóng tàu quốc tế Đài Loan và Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn. Công tác tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan như vậy sẽ còn có hy vọng.
Hơn nữa, bản thân Đài Loan là cứ điểm chiến lược quan trọng của Nhật Bản. Sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe càng tràn đầy hy vọng trong việc xây dựng quan hệ đồng minh “chuẩn” với Đài Loan.
Tuy nhiên, trong vấn đề thức ăn nhiễm phóng xạ hạt nhân, nhà cầm quyền Đài Loan đã gây phiền lòng cho Nhật Bản. Điều quan trọng hơn là tỷ lệ hài lòng của người dân và hiệu suất cầm quyền thấp của bà Thái Anh Văn làm cho Nhật Bản bắt đầu nghi ngờ Đài Loan phải chăng sẽ lại có sự thay đổi chính quyền vào năm 2020 hoặc năm 2024.
Điều lo ngại nhất của Nhật Bản là công nghệ tàu ngầm Nhật Bản chuyển giao cho Đài Loan có thể sẽ rơi vào tay Trung Quốc, từ đó giúp Trung Quốc tìm hiểu được điểm yếu của tàu ngầm Nhật Bản. Nhật Bản chắc chắn sẽ không vì cái lợi trước mắt (chi phí cố vấn hoặc các chi phí khác) mà để mất đi cơ hội tranh đoạt vị thế bá chủ khu vực với Trung Quốc ở Đông Á trong tương lai.
Do Nhật Bản bắt đầu giữ thái độ tiêu cực, bà Thái Anh Văn cảm thấy bầu không khí đã không phù hợp, vì vậy cấp bách cử 3 phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Đài Loan đích thân đến Nhật Bản để thuyết phục, mong muốn Nhật Bản tiến hành chuyển giao công nghệ.
Trong đó, phó tổng thư ký Trần Văn Chính chính là nhà thiết kế nội địa hóa tàu ngầm của Đài Loan thời kỳ Đảng Dân Tiến còn là đảng đối lập. Phó tổng thư ký Trần Tuấn Lân chính là người phụ trách tình báo và chính trị, người đủ khả năng đóng vai trò đại diện cho lập trường và thái độ của bà Thái Anh Văn; còn phó tổng thư ký Thái Minh Ngạn là người hiểu rõ hệ thống an ninh Mỹ - Nhật và chiến lược châu Á - Thái Bình Dương.
Ba quan chức này cùng nhận lệnh của bà Thái Anh Văn lên đường sang Nhật Bản để cố gắng xoay chuyển tình thế, hy vọng nhà cầm quyền Nhật Bản hồi tâm chuyển ý, ít nhất có thể xuất hiện dáng dấp kỹ sư tàu ngầm trong 3 năm tới ở Đài Loan. Cuối cùng, Nhật Bản có giúp đỡ hay không thì còn chưa rõ.
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 2/8 khẳng định, thông tin mà tờ The Journalist cho rằng có 3 phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Đài Loan đến Nhật Bản nhờ giúp đỡ chế tạo tàu ngầm là không đúng. Điều này nói rõ như vậy để tránh hiểu nhầm trong dư luận.
Ngoài ra, theo một nguồn tin từ chính đảng nắm rõ Hội đồng An ninh Đài Loan, 3 phó tổng thư ký này được phân công chức trách khác nhau, nên không có chuyện 3 người này cùng đến Nhật Bản.