Mỹ thành lập nhóm công tác đặc biệt điều tra việc sản phẩm công nghệ Mỹ có trong UAV Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bất ngờ phát hiện các UAV tự sát Iran được quân đội Nga sử dụng để oanh kích ở Ukraine chứa đầy linh kiện Mỹ, Chính phủ Mỹ đã thành lập một nhóm đặc biệt để điều tra.
Một chiếc máy bay không người lái Shahed-136 bị rơi ở Ukraine còn gần như nguyên vẹn (Ảnh: Newtalk).
Một chiếc máy bay không người lái Shahed-136 bị rơi ở Ukraine còn gần như nguyên vẹn (Ảnh: Newtalk).

Cuộc chiến Ukraine-Nga bắt đầu từ 24/2/2022 đến nay đã kéo dài hơn 10 tháng, mới đây người ta phát hiện hầu hết linh kiện trong những chiếc máy bay không người lái của Iran mà quân đội Nga sử dụng để tấn công Ukraine đều là sản phẩm do các công ty Mỹ sản xuất, số còn lại là linh kiện của các quốc gia và khu vực khác trong đó có Đài Loan. Phát hiện này đã gây nên những bàn luận sôi nổi. Hiện nay Chính phủ Mỹ đã thành lập một tổ đặc biệt để tiến hành điều tra.

Theo cơ quan truyền thông Mỹ CNN ngày 4/1, trong nhiều năm qua Mỹ đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran, trong đó bao gồm việc hạn chế Iran tiếp cận công nghệ máy bay không người lái. Tuy nhiên khi “giải phẫu” một chiếc máy bay không người lái tự sát Shahed-136 của Iran được quân Nga sử dụng để tấn công Ukraine, người ta đã phát hiện ra rằng trong số 52 bộ phận linh kiện đã được tháo dỡ, có tới 40 bộ phận được sản xuất bởi 13 công ty Mỹ khác nhau và 12 bộ phận còn lại là của các doanh nghiệp của Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.

Máy bay không người lái Shahed-136 được quân Nga sử dụng để tấn công tự sát các mục tiêu của Ukraine (Ảnh: LTN).

Máy bay không người lái Shahed-136 được quân Nga sử dụng để tấn công tự sát các mục tiêu của Ukraine (Ảnh: LTN).

Trong số 13 công ty Mỹ bị nêu tên, 6 công ty nhấn mạnh với CNN rằng họ chưa bao giờ cung cấp linh kiện cho Iran để sản xuất các vũ khí như máy bay không người lái và đây là những sản phẩm do các nhà sản xuất thứ 3 cung cấp trái phép cho Iran. Các công ty bày tỏ kịch liệt phản đối hành vi này.

Về vấn đề này, Adrienne Watson, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (USNSC) đã ra tuyên bố cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ công ty nào trong số 13 công ty Mỹ nói trên đã vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và cố tình xuất khẩu công nghệ của họ để Iran sử dụng cho sản xuất các máy bay không người lái. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã thành lập một nhóm công tác liên ngành đặc biệt để điều tra vấn đề này, làm rõ bằng cách thức nào Iran đã lách được luật trừng phạt để có được các linh kiện do các công ty Mỹ sản xuất; đồng thời đánh giá các biện pháp tiếp theo cần được thực hiện trong tương lai để quản chế, kiểm soát việc xuất khẩu, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghệ nhạy cảm.

Được biết, nhóm công tác liên ngành này sẽ điều tra xem các công nghệ của Mỹ và phương Tây, từ chip bán dẫn, mô-đun hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) cho đến động cơ, đã bằng cách nào xuất hiện trên máy bay không người lái của Iran. Bước đầu, các chuyên gia cho rằng các quan chức Nga và Iran có thể dễ dàng thành lập các công ty vỏ bọc để trốn tránh các lệnh trừng phạt, nếu chính phủ Mỹ muốn tăng cường việc thực thi các lệnh trừng phạt thì cần đầu tư thêm nguồn lực và cử thêm người để có thể theo dõi, truy tìm nơi sản xuất các sản phẩm này cũng như các nhà cung cấp và nhà phân phối chúng.

Máy bay không người lái Shahed-131 bị rơi ở Ukraine (Ảnh: Newtalk).

Máy bay không người lái Shahed-131 bị rơi ở Ukraine (Ảnh: Newtalk).

Trước đây, sau khi quân đội Ukraine tháo dỡ một chiếc máy bay không người lái Shahed-131 bị rơi, cũng phát hiện bên trong máy bay sử dụng bộ xử lý tín hiệu số (DSP) có kí hiệu TMS320 F28335 do Công ty Mỹ Texas Instruments sản xuất. Máy bay không người lái Shahed-131 là phiên bản cũ hơn của chiếc Shahed-136, cả hai đều có phương thức hoạt động tương tự nhau, chúng gần như giống hệt nhau về các thành phần cơ bản (chủ yếu là thiết bị điện tử).