Các quan chức trong chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch hỗ trợ cho việc sơ tán Tổng thống Volodymyr Zelensky khỏi thủ đô Kiev và đang thảo luận về những địa điểm an toàn, nơi mà ông vẫn có thể đại diện cho chính phủ Ukraine trong lúc lưu vong, tờ The Washington Post đưa tin.
Tờ báo này dẫn nguồn tin từ một “quan chức cấp cao của Mỹ” cho hay, các đại diện chính phủ Mỹ “trong những ngày gần đây đã nói chuyện với ông Zelensky về hàng loạt các vấn đề an ninh, bao gồm những địa điểm an toàn nhất dành cho ông để đảm bảo hoạt động của chính phủ Ukraine.”
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã đưa ra những bình luận tương tự, nói rằng chính phủ Mỹ đang cố gắng giúp cho ông Zelensky “nhận thức” về “mối đe dọa đối với cá nhân ông” và “đã sẵn sàng hỗ trợ ông bằng mọi cách.”
Một quan chức giấu tên của Ukraine cũng nói với tờ The Washington Post rằng đội ngũ an ninh riêng của ông Zelensky đã chuẩn bị và sẵn sàng sơ tán ông tới một địa điểm an toàn, tuy nhiên ông Zelensky đã từ chối rời khỏi thủ đô của Ukraine trong lúc xung đột với Nga tiếp diễn.
Trong hôm 25/2, sau khi Nhà Trắng nói rằng họ “đang làm việc để cung cấp” cho ông Zelensky “nhiều sự hỗ trợ”, Tổng thống Ukraine đã công bố một đoạn video cho thấy ông và các cố vấn vẫn đang trên đường phố Kiev.
“Tất cả chúng tôi đều ở đây, các binh sĩ của chúng tôi ở đây…chúng tôi đang bảo vệ sự độc lập” – ông nói, dường như muốn xác nhận rằng ông sẽ không rời khỏi thành phố.
Nhiều tiếng nổ đã được ghi nhận ở khu vực Tây Bắc thủ đô Kiev trong hôm 26/2 giữa lúc “chiến dịch đặc biệt” của Nga đã bước vào ngày thứ ba.
Xung đột đã bùng phát sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hành động quân sự nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Moscow nói rằng chiến dịch này là biện pháp cần thiết để bảo vệ Lugansk và Donetsk ở Donbass, sau khi 2 nước cộng hòa tự xưng này chính thức đề nghị Nga hỗ trợ quân sự trước “sự hung hăng của Ukraine”.
Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang lên kế hoạch sử dụng vũ lực đối với 2 nước tự xưng, đồng thời cáo buộc Moscow tấn công “vô cớ”. Phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và EU, cùng với NATO đều lên án hành động quân sự của Nga, áp lệnh trừng phạt với nền kinh tế và nhiều nhân vật cấp cao của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nằm trong số 2 cá nhân bị nhắm làm mục tiêu trong làn sóng trừng phạt mới được EU, Mỹ và Canada đưa ra.