Viện Quản lí Kinh tế Trung Ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện của NQ 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án thuộc USAID GIG cho biết, các công ty xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung có văn bản phản ánh mức thu phí kiểm dịch hiện nay không thu theo mẫu kiểm dịch mà thu theo lô.
"Họ cứ quy định 500 tấn là 1 lô kiểm dịch. Một tàu 40.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu được chia ra làm 80 lô. Với mức thu phí kiểm dịch 540.000 đồng/lô, phí kiểm dịch cho 1 tàu hàng là: 80 x 540.000 = 43.200.000 đồng”
Theo đó, ông Bình cho biết nói đến kiểm dịch, lâu nay vẫn tồn tại nhiều băn khoăn về cách thu phí kiểm dịch.
"Người thì thu theo mẫu, người thu theo trị giá, trọng lượng... để tính vào giá kiểm dịch nói chung. Tôi cho đây là một vấn đề không minh bạch"- ông Bình nhận xét
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương than: “Lại là vấn đề phí, phí và phí! Một lô hàng xuất khẩu mà thu phí 43 triệu đồng thì doanh nghiệp còn đâu lợi nhuận?”.
Giải thích rõ về hoạt động của NQ 19, ông Cung cho rằng NQ 19 đang chậm được triển khai và nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được quy định này.
Cụ thể, ông Cung cho biết, mục đích của việc thực hiện NQ 19 đó là tháo bỏ rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay có một tình trạng là có một số văn bản đang là rào cản đối với việc xuất khẩu của Việt Nam.
"Nhìn chung NQ 19 có nhiều điểm tích cực, qua 3 tháng thực hiện đã có một số thành công. Tuy nhiên, tôi thấy rằng một số văn bản của ta đang tự tạo rào cản xuất khẩu cho chính mình trong khi phía bên nhập khẩu không hề yêu cầu”, ông Cung nói.
Theo đó, thông thường để hạn chế nhập khẩu các nước sở tại thường xây dựng hàng rào kỹ thuật. Điều này bản chất là, bên nước nhập khẩu không yêu cầu thủ tục, quy trình kiểm tra, chất lượng như vậy nhưng bên mình lại tự đặt ra yêu cầu, kiểm địch, kiểm dịch, thủ tục, tiêu chuẩn, giấy tờ…xuất khẩu. Như vậy vô tình làm khó cho chính doanh nghiệp mình.
Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch khi xuất khẩu (Nhật Bản), nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật trong nước vẫn yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch thực vật tại Việt Nam theo quy định của Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2014.
Đối với mặt hàng thép, tỷ lệ lấy mẫu kiểm định lại quá cao, không theo sản lượng xuất khẩu mà theo lô sản xuất cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính những yêu cầu đó về mặt thủ tục, kiểm tra,…đó đã làm tăng chi phí, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, hạn chế xuất khẩu.
Ông Cung khẳng định, có những công ty xuất khẩu 1 lô hàng trả phí hơn 40 triệu đồng , quá lớn, nhiều khi lợi nhuận cũng chỉ được vậy. Thu phí làm giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhận xét về việc thực hiện của NQ 19 ông Cung nói: "Các Bộ có thực hiện nhưng vẫn rất chậm, phần lớn vấn đề hiện nay được quyết định qua thông tư, mà việc sửa đổi thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ. Có những công việc đáng lẽ chỉ làm 1-2 tháng mà kéo dài 1-2 năm. Tôi cho rằng nếu được chỉ đạo quyết liệt thì chỉ hoàn thành trong 1 quý là cùng. Điều lo ngại của tôi là thấy nó quá chậm”.
Trước đó, ngày 12/3/2015 , Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho biết: Trong một hội thảo mới đây, khi chúng tôi hỏi có doanh nghiệp nào đã từng đọc Nghị quyết 19 chưa, thì không một cánh tay nào giơ lên.
"Chúng tôi không ngạc nhiên khi địa phương còn lúng túng không biết thực hiện Nghị quyết 19 như thế nào.Nhiều chương trình cải cách trước đây nói nhiều mà không thực hiện được. Đó là điều rất nguy hiểm vì tất cả sẽ sinh tâm lý thờ ơ, bỏ mặc”, ông Tuấn nói.
Theo đó, thời điểm này là thuận lợi tốt để đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nếu cơ hội qua sẽ không thể thực hiện được.
Nói về thủ tục giấy tờ trong hải quan, ông Bình cho hay, theo khảo sát mới đây tại doanh nghiệp Toyota, thông thường 1 lô hàng cần hàng trăm tờ khai.
Ông Bình thẳng thắn: “Vấn đề ở chỗ kèm theo 100 tờ khai là 100 giấy nộp tiền. Hiện 100 giấy nộp tiền này, bản thân ngân hàng chưa giải quyết được vấn đề 1 lô hàng là 1 giấy nộp tiền, mà vẫn phải cần 100 giấy nộp tiền riêng rẽ”.
Theo NDH