Đặc phái viên Nga tại EU Vladimir Chizhov (Ảnh: EPA). |
"Tôi nghĩ rằng việc từ bỏ nguồn năng lượng của Nga ở một mức độ nào đó sẽ là hành động tự sát đối với các nước Liên minh châu Âu (EU), còn đối với các chính trị gia, đó sẽ là hành động tự sát chính trị", Đặc phái viên Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết hôm 29/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố các nước "không thân thiện" với Nga sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, bắt đầu từ 31/3. Động thái này của Nga là một phần trong nỗ lực gây sức ép đối với phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.
Việc Nga quyết định chỉ nhận thanh toán bằng rúp đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" được cho là chủ yếu tác động đến châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng cũng thừa nhận điều này không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.
"Việc Tổng thống Nga công bố phương thức thanh toán mới cho nguồn cung cấp khí đốt khiến họ bất ngờ và bị sốc, đồng thời khiến các chính trị gia và các công ty năng lượng bối rối, bởi vì bây giờ họ phải đối mặt với một vấn đề thực tế là tìm đồng rúp ở đâu. Tôi nghĩ rằng cơ chế thanh toán mới sẽ được làm rõ trong những ngày tới. Cơ chế này sẽ được công khai và họ sẽ có cơ hội giải quyết mọi việc", đặc phái viên Nga nói thêm.
Trước đó, Nga đã công bố danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Moscow coi là "không thân thiện" do áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Danh sách này gồm Mỹ, Canada, các nước EU, Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan.
Tổng thống Putin nói rằng, những tuần qua, một số quốc gia phương Tây đã đưa ra các quyết định bất hợp pháp về cái gọi là "đóng băng tài sản" của Nga và điều này đã vạch ra một ranh giới về mức độ tin cậy của các tiền tệ của họ. Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, trong điều kiện đó, việc Nga cung cấp khí đốt và các hàng hóa khác cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bằng USD, Euro hay một số tiền tệ khác là vô nghĩa.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/3 thông báo sẽ đưa ra những hạn chế mới về thị thực đối với công dân của các quốc gia không thân thiện, bao gồm Mỹ, Anh và EU.
"Một dự thảo sắc lệnh của tổng thống đang được xây dựng về các biện pháp liên quan tới thị thực để đáp trả các hành động "không thân thiện" của một số quốc gia nước ngoài", Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
"Đạo luật này sẽ đưa ra một số hạn chế đối với việc nhập cảnh vào Nga", ông Lavrov nói thêm.
Nga phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điện Kremlin mới đây thừa nhận, Nga đang trải qua một "cú sốc" kinh tế do các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây.
Theo Dantri.com