Nga tuyên bố không cung cấp khí đốt "miễn phí" cho EU, G7 bác yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hôm đầu tuần, Nga tuyên bố sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí cho châu Âu, trong lúc họ đang đề ra những biện pháp để nhận khoản thanh toán bằng đồng Rúp.
Nga, EU bất đồng sau khi Moscow yêu cầu khách hàng ở châu Âu trả tiền khí đốt bằng đồng Rúp (Ảnh: Reuters)
Nga, EU bất đồng sau khi Moscow yêu cầu khách hàng ở châu Âu trả tiền khí đốt bằng đồng Rúp (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo của EU hôm thứ Sáu tuần trước, không có sự đồng thuận nào đạt được liên quan tới yêu cầu mà Nga đưa ra rằng các quốc gia “không thân thiện” cần thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp chứ không phải đồng Euro. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu tăng cường đòn trừng phạt nhằm vào Nga.

Nhiều quan ngại về an ninh nguồn cung năng lượng đã dấy lên sau khi Nga đưa ra đề xuất này, trong đó nhiều công ty và các nước ở EU đang ra sức làm rõ thông tin về sự thay đổi này.

Ngân hàng trung ương Nga, chính phủ và tập đoàn Gazprom – cung ứng 40% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu – được giao trách nhiệm đưa ra các đề xuất để nhận các khoản thanh toán bằng đồng Rúp. Đề xuất sẽ được gửi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 31/3.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí nữa, điều này rất rõ ràng” – phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố - “Theo tình trạng hiện tại của chúng tôi, điều đó là không thể và không phù hợp khi phải làm từ thiện (cho các khách hàng châu Âu).”

Trong một cuộc phỏng vấn được đài PBS của Mỹ phát trong hôm đầu tuần này, khi được hỏi rằng liệu Nga có cắt nguồn cung với những bên không trả tiền hay không, ông Peskov nói: “Không thanh toán thì không có khí đốt.”

Nhưng ông nói thêm rằng Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về cách phản ứng trong trường hợp các nước châu Âu từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng đến từ các nước thuộc nhóm G7 đã bác bỏ yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp của Nga; Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói sau khi họp cùng các đối tác.

“Tất cả Bộ trưởng G7 đều nhất trí rằng đây là hành động đơn phương và vi phạm các hợp đồng hiện tại” – ông Habeck nói với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Năng lượng các nước G7.

Các Bộ trưởng của G7 “một lần nữa nhấn mạnh rằng các hợp đồng đã được thỏa thuận là hợp lệ và các công ty cần phải tôn trọng chúng…thanh toán bằng đồng Rúp là không thể chấp nhận được, chúng tôi kêu gọi các công ty có liên quan không chấp nhận yêu cầu của ông Putin”, ông nói.

An ninh năng lượng

Giá khí đốt bán buôn ở Hà Lan và Anh đã tăng 20% trong hôm đầu tuần do quan ngại về nguồn cung của Nga.

EU đang muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga khoảng 2/3 trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang EU đạt khoảng 155 tỉ mét khối trong năm ngoái.

Thứ Sáu tuần trước, Mỹ cho hay họ sẽ làm việc để cung cấp 15 tỉ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay. Các nhà máy LNG của Mỹ hiện đang hoạt động toàn công suất, và giới phân tích cho rằng lượng khí mà Mỹ sẽ cung cấp cho châu Âu sẽ lấy từ chính lượng khí mà Mỹ xuất khẩu, tức sẽ phải cắt giảm lượng xuất khẩu sang các nước khác.

Nhà lập pháp Nga Ivan Abramov nói rằng, việc G7 từ chối thanh toán bằng đồng Rúp sẽ dẫn tới việc nguồn cung bị ngừng, theo hãng thông tấn RIA.

Trong khi đó, ông Habeck gọi Nga là “một nguồn cung năng lượng không đáng tin cậy”. Khi được hỏi về hậu quả khi Nga ngừng cung cấp khí đốt, ông nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho mọi viễn cảnh.”

Tuy nhiên, EU sẽ gặp khó khăn khi muốn thay thế toàn bộ lượng khí đốt của Nga chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, theo giới chuyên gia.

Khí đốt của Nga được chuyển tới châu Âu theo 3 đường ống chính vẫn hoạt động ổn định trong hôm đầu tuần này, trong đó đường ống Yamal-châu Âu tiếp tục chuyển khí đốt từ Đức sang Ba Lan, theo dữ liệu của cơ quan quản lý.

Tập đoàn Gazprom của Nga nói rằng họ vẫn tiếp tục cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu thông qua Ukraine, đúng với đề nghị của các khách hàng châu Âu.

Theo Reuters