MBB rao bán dự án do Sông Đà - Thăng Long và Sông Đà Nha Trang hợp tác đầu tư

VietTimes -- Với các động thái rao bán mới đây của MBB, các chủ đầu tư dự án Stellar Hotel & Residences dường như đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Một trong số đó là CTCP Sông Đà - Thăng Long, đơn vị đã hợp tác với CTCP Sông Đà Nha Trang (Sông Đà Nha Trang) để đầu tư dự án này.
Phối cảnh dự án Stellar Hotel & Residences tại TP. Nha Trang (Nguồn: Internet)
Phối cảnh dự án Stellar Hotel & Residences tại TP. Nha Trang (Nguồn: Internet)

“Hợp tác Đầu tư xây dựng công trình Stellar Hotel & Residences tại lô đất DLA10 – Dự án Khu đô thị Biển An Viên – TP. Nha Trang với Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang và triển khai thi công ngay đầu năm” - đó là thông tin được hé lộ trong một báo cáo vào năm 2015 của CTCP Sông Đà - Thăng Long (Mã CK: STL). Tại thời điểm đó, dự án Stellar Hotel & Residences được kỳ vọng sẽ góp phần giúp STL cải thiện được tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan.

Sau một thời gian, gần đây, dự án trên tiếp tục được đề cập nhưng là trong phần thông báo rao bán tài sản của một ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã CK: MBB) vừa công bố chào bán bất động sản là thửa đất số 01, tờ bản đồ số 271/2009/TB.ĐB, có diện tích 5.600m2, tại địa chỉ lô 1 – ô DLA10, KĐT biển An Viên (phường Vĩnh Tường, Thành phố Nha Trang). MBB cho biết khu đất trên thuộc dự án Stellar Hotel & Residences và là tài sản đảm bảo cho khoản vay ở ngân hàng này.

Ra mắt vào cuối tháng 3/2015, dự án này được giới thiệu có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, với thời gian dự kiến hoàn thành là 30 tháng. Dự án bao gồm 2 tòa tháp cao 26 tầng và được ví như “2 cánh buồm hướng ra biển lớn”. Trong đó, tòa tháp A1 có 264 căn hộ diện tích từ 45,1m2 đến 93,5 m2, tòa tháp A2 đạt tiêu chuẩn khách sạn 4 sao với phong cách hiện đại.

Tuy nhiên, với các động thái rao bán mới đây của MBB, các chủ đầu tư dự án dường như đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và STL là một trong số đó.

Năm 2015, tình hình tài chính không mấy khả quan của STL đã khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và từ chối đưa ra ý kiến.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, tổng công nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn với số tiền lên tới 3.896 tỷ đồng, đồng thời lỗ lũy kế của STL đã lên tới 2.394 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu của công ty bị âm với số tiền là 2.206 tỷ đồng (vốn điều lệ chỉ 150 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, báo cáo tài chính (BCTC) của STL cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2015, công ty này đã chi tới 360,44 tỷ đồng cho Dự án Khu đô thị Biển An Viên (Dự án An Viên), chiếm tới 45% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Bên cạnh đó, BCTC đã kiểm toán năm 2015 cho thấy STL đã thực hiện nhiều giao dịch với Sông Đà Nha Trang (do STL sở hữu 20% vốn điều lệ) liên quan tới dự án này. Đáng chú ý, STL cũng ghi nhận khoản phải thu khác có giá trị lên tới 50 tỷ đồng là tiền hợp tác mua cổ phần của Sông Đà Nha Trang. 

Ở chiều hướng ngược lại, Sông Đà Nha Trang cũng đã cho STL vay vốn với hạn mức cho vay tối đa là 300 tỷ đồng trong thời hạn 36 tháng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hợp đồng này được lập dựa trên biển bản làm việc ngày 5/1/2015 giữa Sông Đà Nha Trang và STL về việc chuyển toàn bộ dư nợ đã đối chiếu đến 31/12/2014 sang hợp đồng vay vốn số tiền hơn 135,17 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Các món vay phát sinh trong năm 2015 sẽ được xác nhận theo khế ước nhận nợ.

Với tình trạng tài chính khó khăn cùng việc bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính hợp nhất, đến ngày 22/6/2016, cổ phiếu STL đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào danh sách hạn chế giao dịch.

Kể từ đó, các thông tin về STL cũng trở nên khá hạn chế, giá cổ phiếu của công ty cũng trong tình trạng giảm giá kéo dài, xuống mức 1.400 đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 25/1/2019)./.