Máy bán hàng thông minh không dùng tiền mặt "bùng nổ" ở Trung Quốc và Thái Lan

VietTimes – Những cỗ máy bán hàng tự động thông minh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực, và có thể trở thành một thị trường tiềm năng trong tương lai.

1648100586719@2x.jpg
Ảnh quảng cáo một máy bán hàng thông minh Tao Bin của Forth Corp. (Ảnh: Thai Enquirer)

Máy bán hàng tự động không dùng tiền mặt lên ngôi

Thị trường máy bán hàng thông minh đang bùng nổ ở Đông Nam Á và Trung Quốc, nhờ sự phổ biến của thanh toán di động, thói quen mua sắm không cần đến cửa hàng của người tiêu dùng và chi phí lao động gia tăng.

Những chiếc máy bán hàng Tao Bin, nhận đơn thông qua bảng điều khiển cảm ứng và chấp nhận thanh toán bằng di động, đang “gây sốt” ở Thái Lan. Tính đến cuối tháng 5, khoảng 6.000 máy đã được lắp đặt tại các trạm xe lửa và toà nhà chung cư trên khắp nước này, bán được 200.000 đồ uống mỗi ngày.

Sự phổ biến của các máy bán hàng tự động này có được là nhờ chủng loại đồ uống đa dạng và giá cả phải chăng. Một cỗ máy có thể bán tới 170 loại đồ uống khác nhau, mức giá dao động từ 15 – 65 baht (10.000 – 44.000 đồng), chưa bằng một nửa giá mức giá trong một quán cà phê thông thường ở Thái Lan.

“Tôi chưa từng thấy một máy bán hàng tự động có nhiều chủng loại đồ uống đến vậy”, một người đàn ông Mỹ ở độ tuổi 30 nói, sau khi sử dụng máy này lần đầu tiên.

Nhà sản xuất thiết bị điện tử Forth Corp. của Thái Lan, bên vận hành các máy bán hàng Tao Bin, có kế hoạch tách mảng kinh doanh máy bán hàng tự động và thực hiện IPO ngay trong năm tới. Forth đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh này ra nước ngoài, bao gồm Australia và Indonesia, và có thể sớm bắt đầu ở Malaysia.

Ở Trung Quốc, số lượng máy bán hàng thông minh chấp nhận các hình thanh toán qua di động như Alipay của Ant Group hay WeChat Pay – thậm chí là qua nhận diện khuôn mặt – đang ngày càng tăng, chủ yếu được lắp đặt ở các trạm xe lửa.

Công ty Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology đã cho ra mắt một máy bán hàng mà bên trong có cả một robot chuẩn bị đồ uống đằng sau một cửa sổ. Máy bán hàng này đã được lắp đặt ở khoảng 30 thành phố của Trung Quốc, và xuất khẩu sang 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Malaysia.

c34c37fa946931336dd28c025bcec4a7.jpg
Máy bán hàng thông minh của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology (Ảnh: Getty)

Thị trường béo bở

Trong giai đoạn 5 năm tính đến năm 2022, các máy bán hàng thông minh đã thúc đẩy tổng doanh số bán máy bán hàng tự động tăng 70% ở Malaysia, 40% ở Trung Quốc và khoảng 10% ở Singapore và Thái Lan, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

Thị trường này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bán đồ uống. Hãng SmartRx có trụ sở tại Singapore đã giới thiệu một máy bán thuốc tự động vào tháng 3 năm nay. Qua máy này, bệnh nhân có thể giao tiếp với bác sĩ từ xa và nhận được đơn thuốc của mình.

Những cỗ máy tự động bán các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng như vitamin cũng đã xuất hiện ở Malaysia. YesHealth, công ty vận hành những cỗ máy này, đã lắp đặt hơn 30 máy kể từ tháng 3/2022. “Chúng tôi có kế hoạch lắp đặt thêm máy ở hơn 100 địa điểm trên khắp Malaysia trong tương lai gần”, công ty này cho hay.

Một yếu tố giúp cho máy bán hàng tự động thông minh trở nên phổ biến ở châu Á chính là tỷ lệ thanh toán bằng di động khá cao. Theo Fidelity National Information Services, một công ty nghiên cứu của Mỹ, 44% số lượng thanh toán tại cửa hàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện bằng di động, vượt qua cả Bắc Mỹ và châu Âu.

Tại các nước phát triển, nơi mà các máy bán hàng truyền thống chủ yếu chấp nhận tiền mặt, tỷ lệ sử dụng máy đang trên đà giảm. Trong giai đoạn 2017-2022, thị trường máy bán tự động đã giảm 14% ở Nhật Bản và 17% ở Mỹ, trong khi Đức và Pháp cũng chứng kiến đà giảm.

Một nhân tố khác chính là mức độ an toàn khá cao ở châu Á nên ít người lo lắng về việc những cỗ máy bán hàng tự động bị đập phá hay trộm cắp. Chỉ số Luật pháp và Trật tự của Gallup – đo mức độ an toàn theo nhận thức của người dân – của khu vực Đông Á là 94, và ở Đông Nam Á là 86, cao hơn châu Âu và Mỹ.

Những đợt tăng lương và thiếu hụt lao động gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của máy bán hàng tự động thông minh. Những cỗ máy này không phát sinh chi phí lao động, cần ít không gian nên có giá thuê rẻ, và dễ dàng vận hành 24 giờ mỗi ngày. Ở những nước như Trung Quốc và Thái Lan, với tỷ lệ sinh đẻ giảm và dân số đang già hoá, nhu cầu tự động hoá là khá cao.

CP All, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan, sắp cho ra mắt những máy bán hàng tự động chuyên bán đồ ăn vặt và những hộp cơm trưa làm sẵn cho hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven nhằm tăng hiệu quả trong bối cảnh chi phí thuê lao động tăng.

Vốn nổi tiếng là một cường quốc về máy bán hàng tự động, Nhật Bản lại có sự hiện diện khá hạn chế ở phần còn lại của châu Á, khi mà rất nhiều máy bán tự động được sản xuất ở trong nước hoặc ở Trung Quốc.

Fuji Electric, nhà sản xuất nắm giữ khoảng 70% thị trường máy bán nước tự động tại Nhật Bản, hiện đang tập trung vào phát triển các mẫu máy tương thích với thanh toán di động để phục vụ thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh ngành bán lẻ đang tiếp tục tìm kiếm các mô hình bán hàng tiên tiến, ngành công nghiệp máy bán hàng tự động thông minh ở châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới./.

Theo Nikkei Asia