Xe tăng chiến đấu thế hệ tiếp theo của Nga - T-14 Armata từ lâu đã hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về khả năng tác chiến của Quân đội Nga. Sau khi ra mắt vào năm 2015, loại xe tăng này đã được Nga đưa vào sản xuất hàng loạt vào tháng 8 năm 2020, chậm hơn vài năm so với kế hoạch ban đầu. T-14 được coi là một trong những mẫu xe tăng nguy hiểm nhất trên thế giới, và nếu xét trên một số phương diện thì nó chính là chiếc xe tăng thế hệ thứ tư duy nhất trên thế giới. Một số tính năng đáng chú ý của xe tăng T-14 bao gồm tháp pháo điều khiển từ xa, khoang lái bọc thép bảo vệ tối đa tổ lái, hệ thống radar và camera 360 độ cho khả năng nhận biết tình huống cao và lớp giáp bảo vệ vượt xa bất kỳ loại xe tăng nào từng xuất hiện trên thế giới. Chưa dừng lại ở đó, T-14 còn được trang bị giáp phản ứng nổ Malachit mới nhất. Pháo 2A82-1M của T-14 có tốc độ bắn vô song và được chế tạo để triển khai đạn Vacuum-1 với khả năng xuyên phá các loại giáp xe tăng dày 1000mm. Hỏa lực lớn cộng với phạm vi giao tranh xa lên đến 12 km cho phép T-14 chiếm lợi thế trước các đối thủ phương Tây.
Xe tăng T-14 Armata của quân đội Nga (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Sức mạnh của T-14 là không phải bàn cãi, nhưng việc chậm trễ sản xuất cũng như việc Nga tập trung vào hiện đại hóa các loại xe tăng cũ hơn như T-72 và T-90 khiến nó không thể tham gia vào các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bỏ lỡ cơ hội để kiểm tra khả năng chiến đấu thực tế của loại xe tăng này. Tuy nhiên ngay cả khi T-14 đã sẵn sàng chiến đấu với số lượng lớn, thì dòng xe tăng này cũng sẽ không tạo ra những tác động đáng kể trong chiến dịch ở Ukraine vì một số lý do sau. Thứ nhất, Quân đội Nga đã hạn chế triển khai những loại khí tài có năng lực nhất của đất nước này. Thậm chí cả những dòng xe tăng hạng trung cũng không được Quân đội Nga điều đến Ukraine. Hiện tại Nga chỉ đang sử dụng chủ yếu dòng xe tăng T-72B3 cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, đây là dòng xe tăng cấp thấp và rẻ nhất của Quân đội Nga.
Xe tăng T-64 của quân đội Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Nếu T-14 có sẵn và được Quân đội Nga lựa chọn triển khai, nó cũng sẽ không đem lại quá nhiều sự khác biệt đáng kể so với dòng xe tăng T-90M mà Nga đang sử dụng tại Ukraine. Lý do là bởi Quân đội Ukraine thiếu các loại xe tăng chiến đấu hiện đại khiến họ phải phụ thuộc vào dòng xe tăng T-64 và T-72A lỗi thời được sản xuất từ những năm 1970. Hai loại xe tăng kể trên của Quân đội Ukraine không chỉ thiếu những cảm biến hiện đại, mà còn có lớp giáp cực mỏng manh và sử dụng loại đạn BM42 Mango lỗi thời. Các loại đạn từ thời Liên Xô chỉ có khả năng xuyên giáp 450mm ở cự ly 2000m. Những viên đạn này hoàn toàn không có khả năng xuyên thủng giáp của các loại xe tăng mà Nga đang sở hữu, ngay cả những dòng xe tăng cấp thấp như T-72B3. Vì vậy việc sử dụng xe tăng T-14 sẽ được coi là một việc làm 'quá mức cần thiết'.
Dòng xe tăng T-14 có khả năng băng qua những vùng lãnh thổ rộng lớn một cách nhanh chóng nhờ sức bền và tính cơ động cao, đồng thời có thể sống sót trước bộ binh Ukraine được trang bị tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ vốn được sử dụng như một loại vũ khí bất đối xứng. T-14 còn được trang bị một lớp giáp kiên cố, có thể chống lại tên lửa Javelin qua đó bảo vệ tính mạng của tổ lái. Chưa dừng lại ở đó T-14 còn có khả năng vô hiệu hóa lực lượng bộ binh tầm xa của đối thủ bằng các loại đạn chống bộ binh mới chuyên dụng, điều mà T-72B3 không làm được. Tuy nhiên, lực lượng Quân đội Ukraine chỉ sở hữu những dòng xe tăng lỗi thời và không đem đến quá nhiều sự nguy hiểm cho Nga, nên không có lý do gì để Quân đội Nga sử dụng 'quân át chủ bài' T-14 trong cuộc chiến này.
Theo Military Watch Magazine