Mạo danh để lừa người dùng
Có lần, chúng tôi đang họp cùng ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế - thì ông Phong nhận được điện thoại mời ... mua thuốc giảm cân bà Dung ở Chương Mỹ, Hà Nội. Nữ nhân viên tư vấn thuốc giảm cân của bà Dung như “thần dược” và giảm được 15kg chỉ trong vài ngày.
Khi ông Phong hỏi lại là cơ sở bà Dung có được cấp giấy phép không, thì cô nhân viên khẳng định đã được Cục trưởng Cục ATTP là ông Nguyễn Thanh Phong cấp phép.
Cục trưởng ATTP liền bảo thuốc giảm cân bà Dung bị thu hồi giấy phép lưu hành rồi, cô nhân viên vẫn trả lời “sản phẩm bên em có giấy phép đầy đủ nên vẫn bán bình thường”. Lúc này, ông Phong mới nói với nhân viên tư vấn rằng cô đang nói chuyện với chính Cục trưởng ATTP và Cục không hề cấp phép cho sản phẩm giảm cân bà Dung, thì cô nhân viên lập tức tắt máy.
Thực tế, theo ông Phong, năm 2017, Cục ATTP đã cấp phép cho sản phẩm giảm cân bà Dung của một công ty ở Đống Đa, Hà Nội, nhưng tháng 6/2018, công ty này đã thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn sản phẩm này, nên Cục ATTP đã thu hồi giấy phép.
Thuốc giảm cân bà Dung đã ngừng sản xuất vĩnh viễn, nhưng vẫn thấy rao bán trên mạng, là giả mạo |
“Do đó, sản phẩm giảm cân bà Dung hiện đang bán trên thị trường là giả” -ông Phong khẳng định.
Thế nhưng, tối 8/12/2022, tôi mở một trang quảng cáo về thuốc giảm cân bà Dung, vẫn thấy liên tục người mua “nổ đơn”.
Đó chỉ là một ví dụ về quảng cáo lừa dối người tiêu dùng trên mạng. Còn có trường hợp trưng lên cả giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm giả mạo, để lừa người dùng. Mới đây, Cục ATTP đã đăng cảnh báo về điều này khi phát hiện ra Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4288/2020/ĐKSP ngày 15/05/2022 cho sản phẩm viên xương khớp Mộc Y Lâm là giả mạo.
Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm viên xương khớp Mộc Y Lâm là giả mạo |
Cục ATTP khẳng định không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm của Hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ: Phòng 202, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Hàng loạt sản phẩm quảng cáo "nổ"
Trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trang thương mại điện tử, mạng xã hội, việc quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sai sự thật không hề hiếm.
Mới đây, các sản phẩm Đại tràng Bảo Long, Thanh phế Bảo Long, Bảo Long Vixoa, Trà lợi sữa Bảo Long (của Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long) NZ-Prostate Max và NZ-Hair… vừa bị Cục ATTP xử lý, vì quảng cáo gây hiều nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Hàng loạt sản phẩm của Công ty Đông Nam Dược Bảo Long quảng cáo sai sự thật bị Cục ATTP khuyến cáo người dân không sử dụng |
Cục ATTP cũng vừa xử lý vụ quảng cáo sản phẩm Centrum 50+ Dietary Supplement Product, Centrum Dietary Supplement Product có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm này là của Công ty TNHH Glaxosmithkline Hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam (235 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM).
Trước đó, Cục ATTP cũng đã xử lý Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường (36, Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì quảng cáo sản phẩm Hoạt huyết Hoàng Hường không đúng với công dụng thực, là có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Một điển hình đã bị Cục ATTP xử lý trong năm 2022 là Công ty TNHH thương mại HAND Việt Nam (số 252, đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với mức phạt 110 triệu đồng, do vi phạm pháp luật trong quảng cáo sản phẩm Dạ Dày Tâm Vị. Nội dung quảng cáo sản phẩm này không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, đặc biệt còn cố tình gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Cục ATTP đã buộc Công ty này phải tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm và cải chính thông tin.
Không chỉ thế, đơn vị này còn dàn dựng clip giả mạo bác sỹ quân y để quảng cáo sản phẩm Dạ Dày Tâm Vị, nhằm lừa dối người tiêu dùng. Vì thế, Cục ATTP đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp quảng cáo gian dối, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Google, Facebook, YouTube... Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Riêng trong năm 2020 và 2021, Cục ATTP đã phạt hành chính khoảng 4 tỉ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP - thời gian gần đây, các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo chí đã giảm hẳn, do sự quản lý kịp thời của Cục ATTP, nhưng những diễn biến trên mạng xã hội vẫn phức tạp.
Chối bỏ trách nhiệm
Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà Cục ATTP gặp phải trong việc ngăn chặn quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sai sự thật là khi phát hiện quảng cáo vi phạm, lừa dối người tiêu dùng, Cục ATTP mời đơn vị có sản phẩm đến làm việc, thì họ đều chối bỏ rằng việc quảng cáo vi phạm không phải do họ thực hiện.
Dù rằng, ai cũng thừa hiểu, không ai hơi đâu mà đi quảng cáo không công và quảng cáo gian dối cho sản phẩm không phải của họ.
Điển hình như sản phẩm Đế Linh Đan quảng cáo trên các website: https://www.delinhdan.com, https://sanphamvang.baomoi24h.world như thuốc chữa bệnh và sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân vv…là vi phạm pháp luật. Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Gia Phạm công bố sản phẩm và Công ty TNHH DPMP 688 phân phối sản phẩm. Nhưng khi Cục ATTP xác minh, thì cả 2 công ty trên đều khẳng định không thực hiện quảng cáo sản phẩm Đế Linh Đan vi phạm trên 2 website trên.
Trước đó, đã có hàng loạt sản phẩm vi phạm pháp luật trong quảng cáo, khi quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh, nội dung quảng cáo không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ công bố vv... như sản phẩm Beauty Slim Plus trên website Hocvienquanyvietnam.vn; sản phẩm Dưỡng Tâm An Mạch Q10 New trên Shopee.vn; sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí trên các website: vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn; viên xương khớp Kingphar New; siro Halucan Kids; Vina Tảo; Egorex Omega 3.6.9... mà khi Cục ATTP xác minh thì đều không thừa nhận đã quảng cáo sản phẩm có vi phạm trên các trang mạng đã được phát hiện.
Trước tình hình phức tạp trong quảng cáo thực phẩm chức năng, tại cuộc họp vào tháng 7/2022 về vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận, để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí, trước hết là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, chú trọng rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, chịu trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung chuyên môn đã được cơ quan y tế xác nhận và góp phần định hướng ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe, không phát hành các sản phẩm quảng cáo gây phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng để chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; trong đó khẩn trương rà soát, quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo, bảo đảm việc xác nhận đúng luật, đúng nội dung chuyên môn để các cơ quan liên quan thực hiện.