Hậu kiểm thay cho tiền kiểm
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định sửa đổi) với 18 nội dung sửa đổi, trong đó có đề xuất tiếp tục gia hạn giấy phép trang thiết bị y tế đã hết hiệu lực, nhằm thông quan ngay các lô hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu.
Các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương cũng hy vọng với đề xuất của Bộ Y tế, khi được gia hạn, các lô vật tư, thiết bị y tế đã nhập khẩu từ đầu năm sẽ được thông quan ngay đầu tuần, sẽ tháo gỡ trước mắt tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế ở các BV.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để thiết kế, đưa vào dự thảo Nghị định phương án hậu kiểm thay thế cho phương thức tiền kiểm, thẩm định trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành; chế định doanh nghiệp về trách nhiệm báo cáo, giải trình, công khai; làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Ảnh: VGP/Đình Nam) |
"Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 2/2023", Phó Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ sửa đổi Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế công lập để giải quyết các vướng mắc liên quan đến cách xác định giá gói thầu, phân nhóm trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã bỏ quy định yêu cầu giá gói thầu năm sau phải thấp hơn năm trước.
Lãnh đạo một số BV cho rằng quy định này đã tháo gỡ phần nào những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về các nội dung sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT về đấu thầu thuốc trong bệnh viện công lập.
Các bộ liên quan đề xuất phương án tháo gỡ
Ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, BV, Phó Thủ tướng cho rằng chủ trương đấu thầu tập trung là hết sức cần thiết. Danh mục đấu thầu thuốc tập trung cần xác định theo tiêu chí sử dụng ở mọi BV, sử dụng phổ biến, tỉ trọng thuốc sử dụng lớn so với các thuốc khác, còn những loại biệt dược chỉ sử dụng tại một số đơn vị thì thực hiện đấu thầu chuyên ngành, phù hợp với thực tế của từng đơn vị.
Trước phản ánh của các bệnh viện về khó khăn trong thực hiện đấu thầu một số hoá chất, vật tư tiêu hao chỉ có 1 nhà cung cấp do theo quy định phải có báo giá của 3 nhà cung cấp để làm căn cứ xác định giá đấu thầu, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hoá chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi các văn bản pháp luật liên quan được ban hành, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với máy móc, trang thiết bị xã hội hoá trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hoá chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc thực hiện xét nghiệm; …
"Những vấn đề cá biệt, có tính chuyên môn cao thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm quy định, hướng dẫn khả thi để thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trách nhiệm, thẩm quyền của mình", Phó Thủ tướng nói; đồng thời yêu cầu các bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi các thông tư, nghị định thuộc lĩnh vực quản lý để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, "trong tình huống cấp cứu thì phải rất kịp thời" bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập.
Điểm lại nội dung cuộc làm việc với Bộ Y tế ngày 9/2, Phó Thủ tướng nêu rõ những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành y tế đã được nhận diện, làm rõ nguyên nhân, vướng mắc về thể chế để tháo gỡ, khơi thông; đồng thời đưa ra danh mục cụ thể các văn bản, điều khoản cần sửa đổi, kèm theo thời hạn hoàn thành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực y tế đang rất nóng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng sự tham gia hiệu quả, thực chất của các bộ, ngành để tháo gỡ, thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
"Dù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhưng lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ ủng hộ Bộ Y tế, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ sở khám chữa bệnh", Phó Thủ tướng nói và lưu ý: "Y tế là lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt; chủ động tham gia trực trực tiếp vào xây dựng các quy định có liên quan đến lĩnh vực y tế cả các bộ, ngành khác".
Phó Thủ tướng tin tưởng, với nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ ngành, sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề của ngành y tế sẽ sớm được giải quyết căn cơ, sớm nhất.
"Các bộ, ngành phải nhận thức được tinh thần, trách nhiệm cùng với Bộ Y tế giải quyết những điểm nghẽn, bức xúc liên quan đến bảo đảm thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế. Đây không phải là việc của riêng ngành y tế, mà rất sát sườn với từng người dân", Phó Thủ tướng nói.
(Tổng hợp theo Cổng thông tin Chính phủ)