Lần đầu tiên thay van động mạch chủ qua da để cứu sống bệnh nhân khó thở, tăng huyết áp lâu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cứu sống bệnh nhân bị khó thở, tăng huyết áp lâu năm bằng kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da. 
Bác sĩ Viện Tim mạch thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân (Ảnh - BVCC)
Bác sĩ Viện Tim mạch thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp lâu năm vào viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở khi đi lại, sau đó khó thở tăng dần, cơn khó thở diễn biến nhanh.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù phổi cấp, chuyển sang khoa Hồi sức tim mạch. Các bác sĩ đã tiến hành siêu âm tim cho kết quả bệnh nhân bị hẹp rất khít kèm hở vừa, vôi hoá nặng van động mạch chủ. Vì thế, bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu giúp lợi tiểu, giãn mạch, kiểm soát huyết áp. Sau điều trị 5 ngày, tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, hết khó thở. Tuy nhiên, cơn khó thở vẫn tiếp tục tái diễn nhiều lần sau khi gắng sức.

Sau khi thực hiện kỹ thuật bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, khả năng gắng sức được cải thiện rõ rệt (Ảnh - BVCC)

Sau khi thực hiện kỹ thuật bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, khả năng gắng sức được cải thiện rõ rệt (Ảnh - BVCC)

Chính vì thế, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân phải thay van động mạch chủ. Do bệnh nhân cao tuổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi thay van bằng phương pháp mổ mở nên các bác sĩ đã giải thích, cùng gia đình thống nhất lựa chọn phương pháp thay van động mạch chủ qua da.

Sau khi hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật, dụng cụ, dưới sự hỗ trợ của GS.TS. Võ Thành Nhân – Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Vinmec Central Park TP. Hồ Chí Minh, TS. BS. Đặng Việt Đức cùng BS. Phạm Sơn Lâm ở Khoa Hồi sức tim mạch, Viện tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thay van động mạch chủ thành công cho bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

10 ngày sau can thiệp, sức khoẻ bệnh nhân ổn định, khả năng gắng sức được cải thiện, có thể sinh hoạt bình thường.

Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học về kỹ về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da tại Viện tim mạch của Bệnh viện (Ảnh - BVCC)
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học về kỹ về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da tại Viện tim mạch của Bệnh viện (Ảnh - BVCC)

Trước khi tiến hành can thiệp cho ca bệnh, vào đầu tháng 3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có buổi hội thảo khoa học về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da với sự tham dự của Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Nguyên Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện - cùng các bác sĩ của Viện tim mạch. Tại buổi hội thảo này, các bác sĩ đã cùng trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để có thể thực hiện kỹ thuật một cách tốt nhất, đảm bảo mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.

Việc thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da tại Viện tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chuyên môn, khẳng định vị thế của Bệnh viện nói chung và chuyên ngành Tim mạch của bệnh viện nói riêng.

Hẹp khít van động mạch chủ là một bệnh lý van tim tiến triển mạn tính, ban đầu dung nạp tốt, không có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên khi triệu chứng xuất hiện như đau ngực, ngất, khó thở… thì tình trạng suy tim sẽ tiến triển rất nhanh, bệnh đáp ứng kém với điều trị nội khoa, thay van động mạch chủ là chỉ định bắt buộc.

Hiện, có 2 phuơng pháp thay van là mổ mở và thay van động mạch chủ qua da hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua ống thông (Transcatheter aortic valve implantation – TAVI). Mổ mở là biện pháp điều trị phổ biến, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bệnh nhân cao tuổi, khả năng hồi sức sau mổ khó khăn.

Thay van động mạch chủ qua da là phương pháp mới, ít xâm lấn, an toàn hơn, nhưng chi phí cao, kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi dụng cụ trang thiết bị hiện đại, phối hợp nhiều chuyên khoa tim mạch khác nhau, như can thiệp, phẫu thuật, nhịp học, nội khoa, hồi sức. Đến nay vẫn chưa có nhiều bệnh viện tại Việt Nam có thể triển khai kỹ thuật này.