Làm gì để Việt Nam có 10 tỷ phú đô la năm 2030?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn đến năm 2030.

Làm gì để Việt Nam có 10 tỷ phú đô la năm 2030?

Bên cạnh đó, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay Việt Nam đang có những tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Thaco, Hòa Phát, FPT, TH, Viettel.

Ông nói: “Việt Nam cần phải có các tập đoàn lớn để thiết lập được các trụ cột để tạo môi trường và hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khác trong nước tham gia vào đó”, ông Thiên nói và giải thích thêm là các tập đoàn lớn mới định hình được một cấu trúc phát triển, tạo các chuỗi sản xuất để các doanh nghiệp khác cùng cộng sinh, phát triển.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác nhìn nhận, những mục tiêu phát triển doanh nghiệp như trên khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh một số doanh nghiệp thân hữu được phanh phui, một số doanh nhân liên quan vướng vòng lao lý như SCB, Vạn Thịnh Phát, Việt Á, AIC, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An…

Nói với Viettimes, một doanh nhân cho biết: “Việc xử lý các doanh nghiệp thân hữu đó là để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác phát triển. Nhiều doanh nghiệp không có thực lực nhưng vẫn có hợp đồng vì có quan hệ thân hữu. Như vậy thì các doanh nghiệp khác không thể lớn lên được”.

Ty phu.png
Việt Nam có các tập đoàn lớn mới định hình được cấu trúc phát triển

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh hiện tại đang gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt trong tâm lý và sức khỏe doanh nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.

Báo cáo PCI năm 2023 cho biết, mức độ lạc quan của doanh nghiệp hiện nay ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.

Con số 27% nêu trên còn thấp hơn cả mức đáy trước đây trong năm 2012-2013, khi đó nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Hay nói cách khác, đa số doanh nghiệp được hỏi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh, theo VCCI.

Dữ liệu khảo sát 2023 từ báo cáo PCI còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp lên tới 16,2%. Con số này cao đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, trong bốn tháng đầu năm nay số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp năm vừa qua là tiếp cận tín dụng. Khó khăn thứ hai là tìm kiếm khách hàng. Tiếp đến là biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch. Ngoài ra, những biến động về chính sách pháp luật cũng là một khó khăn cần lưu ý.

Bên cạnh đó, báo cáo PCI lại đánh giá những doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan tương đối cao.

Cụ thể, 38,2% doanh nghiệp quy mô từ 50-200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh là 39,5%.

Những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất đều là các tỉnh phía Bắc, bao gồm Bắc Giang (48,5%), Hòa Bình (43,4%), Bắc Ninh (41,4%), Vĩnh Phúc (41%) và Phú Thọ (39,9%).

Để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục lớn mạnh, để đạt được mục tiêu Việt Nam có nhiều tỷ phú, Tiến sỹ Thiên cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển vì khu vực này không lớn lên được. Trong nhiều năm qua, khu vực này chỉ chiếm chưa đến 10% GDP, kém xa so với khu vực FDI (22%), DNNN (27%), và nhất là khu vực hộ kinh tế gia đình (33%).

7 nhiệm vụ trọng tâm

Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp cần:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước;

Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến;

Ba là, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới;

Bốn là, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;

Năm là, tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức;

Sáu là, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp;

Bẩy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.