Lá chắn tên lửa Mỹ “bó tay” trước Nga, Trung Quốc?

VietTimes -- Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John C. Rood cho biết: “Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được nghiên cứu chế tạo và triển khai trước đã không thể tiêu diệt được kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc hoặc Nga”.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John C. Rood. Ảnh: Defense.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John C. Rood. Ảnh: Defense.

Tờ Sputnik Nga dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John C. Rood ngày 7/3 tái khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không thể chống lại lực lượng chiến lược của Trung Quốc và Nga. Đây là câu trả lời của ông John C. Rood đối với câu hỏi của thành viên Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ về khả năng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ chống lại vũ khí mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu loại vũ khí mới độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong thông điệp liên bang, ông Putin cho biết  Nga đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo vũ khí chiến lược đặc biệt có quỹ đạo bay khác với tên lửa đạn đạo và không thể bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong thời gian ông Putin nói về thông điệp liên bang, trên màn hình lớn đã phát đi những hình ảnh về các hoạt động như bắn thử tên lửa RS-26 Avangard mang đầu đạn chao lượn siêu thanh, bắn mô phỏng tên lửa động cơ hạt nhân, bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng thế hệ mới Sarmat.

Tổng thống Nga khi đó cho biết Mỹ có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ trên biển cho 5 tàu tuần dương và 30 tàu khu trục ở khu vực lân cận biên giới của Nga. Do đó, Nga bắt đầu nghiên cứu chế tạo vũ khí chiến lược “phi đạn đạo” mà hệ thống phòng thủ tên lửa không thể đánh chặn.

Trong những vũ khí mới của Nga có tên lửa hành trình động cơ hạt nhân, tầm bắn không hạn chế, có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa. Một sát thủ khác là tàu lặn không người lái có tốc độ gấp đôi tàu ngầm. Ngoài ra, ông Putin cho hay Nga có vũ khí siêu thanh và đang tiến hành nghiên cứu phát triển vũ khí laser.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Sun.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Sun.

Theo đánh giá của ông Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva Nga, tất cả những vũ khí này sẽ biến những đầu tư của Mỹ trong nghiên cứu phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trở thành "hư ảo", tức không có tác dụng gì. Chúng có thể khiến cho những đồng tiền mà Mỹ chi cho nghiên cứu phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân hầu như không còn ý nghĩa gì.

Mỹ hiện có 11 tàu sân bay loại này. Những chi phí của Mỹ cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển (hệ thống Aegis) cũng đã như "đá lia trên mặt nước". Bất kể trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân hay vũ khí ngăn chặn chiến lược phi hạt nhân, đang hình thành sự tương phản về lực lượng chiến lược hoàn toàn mới.

Viktor Murakhovsky không ngờ là Tổng thống Nga lại công khai giới thiệu những hệ thống vũ khí mới nhất như vậy. Những vũ khí này có thể làm thay đổi căn bản sức mạnh quân sự của Nga. Điều này có tác dụng làm cho đối phương không còn "ảo tưởng".

Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến hệ thống tên lửa siêu thanh RS-26 Avangard, tên lửa hàng không siêu thanh Kinzhal, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat, tàu lặn không người lái tốc độ cao, vũ khí laser và tên lửa hành trình lắp động cơ hạt nhân.

Trong khi đó, tại kỳ họp Lưỡng hội, theo công bố mới nhất, Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm 2018 với 1.106,951 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,1%, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41.

Tên lửa hành không siêu thanh Kinzhal Nga.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal Nga.

Trung Quốc cũng tích cực nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Đáng chú ý, ngày 5/2/2018, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công phòng thủ tên lửa đoạn giữa mặt đất. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc công khai thông tin liên quan trong 8 năm qua.

Việc Trung Quốc công bố thông tin thử thành công này thực chất là do những vụ thử như vậy khó giữ kín được hoàn toàn, ngoài ra còn nhằm thể hiện “cơ bắp”, phản ứng lại những bước đi gây sức ép của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Theo tiết lộ của hàng không vũ trụ Trung Quốc, Trung Quốc đã có thể đánh chặn tên lửa xuyên lục địa có tốc độ gấp 27 lần âm thanh, trong khi đó hệ thống phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ chỉ có thể đánh chặn cao nhất tên lửa có tốc độ gấp 24 lần âm thanh.