Kỳ tích: Bác sĩ chiến đấu với tử thần cứu sống bé sơ sinh 11 ngày tuổi tim đập nhanh gấp 9 lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cứu sống bé sơ sinh mới 11 ngày tuổi bị chứng rối loạn nhịp tim hiếm gặp khiến tim đập nhanh gấp 9 lần. 
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi ngay trong đêm (Ảnh - BVCC)
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi ngay trong đêm (Ảnh - BVCC)

Hội chẩn khẩn cấp để giữ sự sống cho bé

Mặc dù mới chỉ 11 ngày tuổi nhưng bé đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chẩn đoán tim có cơn nhịp nhanh, tần số 295 lần/phút, da tái, thở nhanh, bỏ bú và thể trạng mệt mỏi. Để cứu sống bé, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã liên hệ với các bác sĩ chuyên Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương để tiến hành hội chẩn khẩn cấp.

Tại buổi hội chẩn, sau khi cân nhắc nhằm đảm bảo phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhi, được sự đồng thuận của Ban Giám đốc, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ từ hai đầu cầu Vĩnh Phúc - Hà Nội đã quyết định chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương bằng xe cấp cứu.

Xe cấp cứu đã vận chuyển bé an toàn đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Trung tâm tim mạch, bé được các bác sĩ chẩn đoán có cơn tim nhanh kịch phát trên thất. Trong 7 tiếng đồng hồ từ khi nhập viện, mặc dù các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng thuốc kiểm soát cơn tim nhanh nhưng tình trạng bệnh của bé không khả quan. Bé liên tục tái phát cơn tim nhanh đến 9 lần, rối loạn huyết động, mức độ suy tim tăng cao.

TS.BS. Lê Hồng Quang - Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết: Khi vào bệnh viện, việc điều trị nội khoa không có hiệu quả đối với bé. Vì thế, ngay trong đêm, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em đã hội chẩn khẩn cấp để đưa ra quyết định sử dụng phương pháp triệt đốt tim nhanh bằng năng lượng sóng tần số radio cứu tính mạng bệnh nhi do có rối loạn huyết động và mức độ suy tim tăng lên.

Sau đó, toàn bộ ekip can thiệp bao gồm bác sĩ can thiệp rối loạn nhịp, bác sĩ hồi sức tim mạch nội khoa, bác sĩ gây mê tim mạch, lãnh đạo trung tâm đã được huy động để can thiệp cho bệnh nhi.

Sau gần 1 giờ đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ đã triệt bỏ đường dẫn truyền bất thường gây ra cơn nhịp nhanh trên thất cho bé. Sau phẫu phuật, bé được chuyển về phòng hồi sức thở máy điều trị tại Khoa Điều trị tích cực tim mạch nội khoa, Trung tâm tim mạch trẻ em. Bé được cai máy thở và bỏ máy thở hoàn toàn sau 1 ngày thở máy.

Căn bệnh hiếm gặp để lại di chứng lâu dài

Theo TS.BS. Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương - nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp hay gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, chứng rối loạn nhịp tim ở trường hợp của bé sơ sinh 11 ngày tuổi trên thì chỉ 4/1.000 trẻ mới gặp. Cơn nhịp tim nhanh kịch phát có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài.

TS.BS. Nguyễn Thanh Hải cho hay: Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ thường xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Do đó, trong nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi cơn tim nhanh kéo dài, trẻ sẽ bị suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn. Tình trạng này có thể gây gây giãn, suy giảm chức năng thất trái nặng, thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.

Để điều trị rối loạn nhịp tim nhanh, các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương – đã sử dụng phương pháp can thiệp điều trị với tên gọi triệt đốt tim nhanh bằng năng lượng sóng tần số radio.

Đối với trẻ lớn đây được coi là phương pháp lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi, phương pháp này tiềm ẩn những nguy cơ tai biến trong quá trình làm thủ thuật cao hơn do trái tim, hệ tuần hoàn tim và mạch máu của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chưa trưởng thành. Chính vì vậy, để thực hiện được phương pháp này an toàn đòi hỏi nhiều yếu tố như: đội ngũ y bác sĩ làm can thiệp cần có nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ đáp ứng với yêu cầu chuyên môn khi có tình huống bất thường xảy ra.

Theo thống kê của Trung tâm tim mạch trẻ em, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn trường hợp trẻ mắc chứng rối loạn nhịp với tỉ lệ thành công cao từ 90-95%. Đặc biệt, ca bệnh nhỏ tuổi nhất từng được điều trị một bé sơ sinh mới chỉ 4 ngày tuổi.