Đặc biệt, quyền lợi của người nông dân trồng mía - đối tượng mà Hiệp hội Mía đường VN luôn đưa ra làm tấm "lá chắn" cho các yêu sách của mình nhiều năm qua - vẫn khốn khó và bấp bênh nhất.
Nông dân trồng mía khổ nhất
Giá mía thấp, giá đường cao, đó là nghịch lý tồn tại hàng thập niên qua tại VN. Nghịch lý này dẫn đến hậu quả là cuộc sống của hàng vạn người dân trồng mía luôn bấp bênh và khốn khó trong khi người dân, doanh nghiệp chế biến thực phẩm lại phải mua đường với giá cao.
Chuyện không cho nhập đường tôi nói thẳng, đó chỉ là ý kiến của một nhóm độc quyền nào đó mà thôi. Bảo hộ người trồng mía là không có, mà nói đúng ra chính sách đang bảo hộ những người tham gia vào ngành mía đường TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) |
||
ĐBSCL cũng rơi vào tình trạng tương tự do giá thu mua mía giảm mạnh. Chẳng nói đâu xa, chỉ cách đây hơn 1 tháng tại Gia Lai, nơi được coi như “vựa mía” của cả nước, hàng ngàn hộ dân đã phải chấp nhận cay đắng, bán mía... lấy đường từ nhà máy đường Bình Định vì nhà máy lấy lý do không có tiền trả. Điều đáng nói là sau đó, chính nhà máy này lại mua lại đường đã trả cho nông dân với giá thấp. Trước đó, nhà máy cũng thường xuyên chậm trễ, chây ì trả tiền mua mía cho nông dân khiến họ phải kéo tới trụ sở đòi nợ.
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) khẳng định, nông dân trồng mía thuộc về nhóm khổ nhất. Mang tiếng là ngành được bảo hộ cao nhất, dài nhất nhưng bản thân cây mía lại không hề được hưởng chính sách này. Đơn cử, cây lúa đến mùa thu hoạch, giá thấp còn được nhà nước mua tạm trữ nhưng cây mía thì không, dù giá giảm đến bao nhiêu. Cây lúa đến lúc thu hoạch nếu giá chưa cao người nông dân có thể trữ vài tháng nhưng mía không thu hoạch ngay là trổ cờ, chỗ thì nước lũ về, nơi thì phải trả đất cho chủ... nên không thể chần chừ. Đây chính là lý do mía luôn rơi vào tình trạng bị ép giá và người trồng mía không thể thoát được tình trạng thua lỗ, nghèo khổ.
Nghịch lý là trong khi giá mía thấp thì giá đường trên thị trường lại rất cao. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, giá đường của VN luôn cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá đường thế giới. Cụ thể hơn, một chuyên gia trong ngành đường tính toán, nguyên liệu trong giá thành đường tại VN vào khoảng 12.000 đồng/kg, đứng ở hàng cao nhất thế giới, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường còn cao hơn, người dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức tiêu thụ năm 2014 khoảng 1,3 triệu tấn đường, người tiêu dùng nội địa bỗng dưng phải trả thêm cho khoản chênh lệch giá này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát có sử dụng nguyên liệu đường cũng kêu trời khi giá mua đường trong nước cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản phẩm của họ khó cạnh tranh với đối thủ ngoại ngay tại sân nhà.
Không thể lấy người trồng mía là “con tin”
Người nông dân, người tiêu dùng thiệt thòi nhưng thất bại lớn nhất của chính sách bảo hộ là một ngành mía đường lạc hậu, năng suất thấp, giống kém... VN hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của chúng ta chỉ cao hơn Pakistan và Indonesia, đạt 64,7 tấn/ha, còn thấp hơn nhiều nước như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha)... Năng suất đường của VN niên vụ 2013 - 2014 chỉ đạt 5,47 tấn/ha trong khi của Philippines là 5,77 tấn/ha; Trung Quốc 7,62 tấn/ha; Thái Lan 8,07 tấn/ha; Úc 11,8 tấn/ha…
Nói về vấn đề này, TS Dương Văn Ni không giấu nổi sự ngao ngán khi thốt lên: “Ở VN trồng 1 ha mía tốn 100 ngày công, trong khi tại Thái Lan 5 ha chỉ cần 1 - 2 công nhân. Đó là hậu quả của chính sách bảo hộ”. Chuyện ngăn cản nhập đường để “bảo vệ người trồng mía”, theo TS Ni, người trồng mía cũng ăn đường, cũng phải mua đường với giá cao. Vậy thì bảo hộ ai? Rõ ràng là bảo hộ quyền lợi của những người tham gia “câu chuyện mía đường” chứ nông dân không được lợi gì. “Chuyện không cho nhập đường tôi nói thẳng, đó chỉ là ý kiến của một nhóm độc quyền nào đó mà thôi. Bảo hộ người trồng mía là không có, mà nói đúng ra chính sách đang bảo hộ những người tham gia vào ngành mía đường”, TS Ni nói.
Trước câu hỏi có nên cho nhập đường lúc này hay không, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng phải cho nhập khẩu để ngành mía đường trong nước có sức ép đổi mới. Trong trường hợp họ vẫn chây ì, vẫn thụ động thì cũng cần thiết phải có một cuộc đào thải. Sẽ có những doanh nghiệp mạnh mua lại những doanh nghiệp yếu kém để đầu tư bài bản. Ngành mía đường khi ấy sẽ được tái cơ cấu lại theo hướng tốt hơn chứ không phải cho nhập đường là doanh nghiệp chết, người nông dân trồng mía thất nghiệp như Hiệp hội Mía đường VN vẫn thường đưa ra để gây áp lực lâu nay. “Ngành mía đường trong nước cho đến lúc này đã rất bất lợi so với các nước trong khu vực. Liệu từ nay cho đến khi chúng ta phải thực hiện cam kết với Cộng đồng chung ASEAN, họ có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không? Tôi khẳng định là bất khả thi. Vì vậy, nên từng bước tháo bảo hộ ra, hãy cho nhập đường để tạo sức ép đổi mới”, ông Doanh nói.
Phản đối mạnh mẽ việc kéo dài bảo hộ, “nước đến chân” mà vẫn trông chờ vào chính sách bảo hộ của Hiệp hội Mía đường VN, một chuyên gia kinh tế cho rằng hiệp hội cũng như các doanh nghiệp mía đường đang lấy người trồng mía là “con tin” cho các yêu sách của mình. “Không chỉ hết lần này tới lần khác phản đối việc nhập khẩu đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào vào VN, lâu nay các công ty đường trong nước luôn mong và tìm mọi cách để nhà nước hạn chế nhập khẩu đường vì chỉ có như vậy họ mới bán được giá cao, hưởng lợi lớn. Thậm chí, không ít thời điểm, họ còn kiến nghị giãn, hoãn nhập đường theo hạn ngạch mà VN cam kết để bảo vệ quyền lợi của mình. Đã đến lúc nói không với các yêu sách này”, vị này nói.
Bảo hộ thì không thể phát triển
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng nói thẳng nghịch lý và các tồn tại của ngành mía đường là do chính sách bảo hộ. Vì bảo hộ nên các doanh nghiệp ngành này mới thụ động. Vì vậy, phải từng bước cho nhập đường để tạo sức ép, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để cạnh tranh. "Bảo hộ sẽ không bao giờ phát triển được, đó là một thực tế không cần phải bàn cãi", TS Lịch kết luận.
Trách nhiệm của Hiệp hội mía đường ở đâu ?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để tình trạng yếu kém của ngành mía đường hiện nay có trách nhiệm rất lớn của hiệp hội. “Tôi có cảm giác là Hiệp hội Mía đường VN vẫn luôn kê cao gối ngủ. Họ yên tâm rằng cứ đưa người nông dân trồng mía là đảm bảo cho yêu sách của mình. Hãy hỏi thẳng họ về trách nhiệm khi để thực trạng ngành mía đường như hiện nay sau bao nhiêu năm bảo hộ”, ông Doanh bức xúc.
Theo Thanh Niên