Thông tin này được CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) trong báo cáo quan điểm đầu tư định kỳ tháng 10/2022 công bố mới đây.
Theo đó, tăng trưởng huy động 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 4,04% trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm 2021 ở mức 5,29%.
EVS cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên lần lượt 1%/năm và 6%/năm là phù hợp.
Đáng chú ý, đi sâu vào cơ cấu biến động lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD), EVS nhận thấy khu vực tổ chức kinh tế có xu hướng rút ròng tiền gửi ra khỏi hệ thống. Trong khi đó, lượng huy động ròng khu vực dân cư trong các tháng 7 và 8/2022 chỉ ở mức 17.500 tỉ đồng.
Cùng với đó, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, mặt bằng bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đã lên tới 7,24%/năm. Trong khi đó, ở nhóm các NHTM lớn và ngân hàng có vốn nhà nước, mặt bằng lãi suất cũng đã lên tới 6,4 – 6,5%/năm.
EVS dự báo, chi phí vốn huy động của các ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới trong khi lãi suất cho vay phải duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến biên lãi ròng (NIM) của hệ thống có khả năng suy giảm, gây áp lực lên kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng trong các quý tiếp theo.
'Dư địa' cho vay ở các nhà băng còn bao nhiêu?
Với việc duy trì hạn mức tín dụng ở mức 14% cho năm 2022, EVS ước tính, hệ thống ngân hàng sẽ còn khoảng hơn 613.000 tỉ đồng cho tín dụng trong quý 4/2022 – tăng 16,42% so với mức 527.000 tỉ đồng cùng kỳ năm 2021.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 29/10, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lưu ý tăng trưởng tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm. Đây là diễn biến rất khác so với các năm trước.
Tuy nhiên, huy động vốn lại tăng trưởng chậm và mới chỉ bằng 1/3 tăng trưởng tín dụng.
Điều này đặt ra những thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, đồng thời gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế./.