Khi tổng thống Mỹ muốn hóa thân Robin Hood

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden không ngại đề cập, và quyết tâm thực hiện tái phân phối của cải trong xã hội, đánh thuế người giàu để phục vụ tầng lớp trung lưu và người nghèo.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện quốc hội ngày 28/4, Tổng thống Biden cho thấy ông sẽ cố gắng để biến điều nói trên thành sự thật, dù phải đấu tranh với các nhà lập pháp ở quốc hội. Ông Biden đang lựa chọn con đường mà nhiều người tiền nhiệm không dám bước vào, theo Politico.

“Tôi sẽ không đặt thêm gánh nặng thuế lên vai tầng lớp trung lưu”, ông Biden cam kết. Ông thúc giục giới triệu phú “chi trả phần đóng góp của mình một cách công bằng”.

“Khi bạn nghe ai đó nói rằng họ không muốn tăng thuế lên 1% người giàu nhất, hãy hỏi lại rằng: Thay vào đó, họ sẽ tăng thuế lên ai? Họ sẽ giảm thuế cho ai?”, ông nói.

Đánh thuế người giàu, phục vụ người nghèo

Phát biểu của ông Biden là nỗ lực nhằm giới thiệu hàng loạt chính sách mới, bao gồm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, cho đến cải cách lực lượng cảnh sát, công lý cho người thiểu số, kiểm soát súng đạn và “chấm dứt cuộc chiến mệt mỏi chống nhập cư”, theo như ông miêu tả.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ "hồi sinh" tầng lớp trung lưu Mỹ. Ảnh: Politico.
Ông Biden từng tuyên bố sẽ "hồi sinh" tầng lớp trung lưu Mỹ. Ảnh: Politico.

Tổng thống Biden nhấn mạnh những thành tựu của bản thân, bao gồm chương trình tiêm vaccine diện rộng, Ông khẳng định 100 ngày vừa qua là "một trong những thành tựu lớn nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến”.

Sau đó, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng kế hoạch tăng thuế không ảnh hưởng tới những người có thu nhập thấp hơn 400.000 USD/năm.

“Các nền kinh tế vận hành từ trên xuống không bao giờ thành công. Đây là thời điểm để phát triển nền kinh tế từ những người có thu nhập thấp hoặc trung bình”, ông khẳng định.

Phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy một tư duy khác của đảng Dân chủ.

Hàng chục năm qua, đảng Cộng hòa tố cáo đảng Dân chủ lạm dụng việc đánh thuế để chi tiêu. Giờ đây, Tổng thống Biden, được hỗ trợ bởi đa số đảng viên đảng Dân chủ, hiện thực hóa những cáo buộc đó.

“Việc sử dụng đánh thuế và chi tiêu tiền thuế như một công cụ chính trị không phải là mới”. Matt Bennett, đồng sáng lập của nhóm chính trị trung tả Third Way nhận xét.

“Trong bối cảnh đại dịch, cũng như khủng hoảng về sắc tộc và kinh tế, tôi không nghĩ có nhiều quan ngại về việc tăng thuế đối với người giàu”, ông nói.

"Biden Hood"

Nhà Trắng công khai thừa nhận rằng chính sách này được thúc đẩy bởi thời điểm chín muồi.

Đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Ông Biden đã thành công trong việc giục quốc hội thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 lên người dân Mỹ. Đây là điều mà ít tổng thống Mỹ đạt được ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Sau thành công này, Tổng thống Biden muốn hiện thực hóa nhiều chính sách khác. Ông muốn mở rộng phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 3 và 4 tuổi, miễn phí 2 năm học ở các trường cao đẳng cộng đồng và gia tăng tiền trợ cấp với sinh viên gặp khó khăn.

Tổng thống Biden muốn chi tiêu nhiều hơn cho tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình từ tiền thuế. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Biden muốn chi tiêu nhiều hơn cho tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình từ tiền thuế.
Ảnh: Reuters.

Ông cũng muốn đảm bảo rằng các gia đình có thu nhập thấp và trung bình chỉ phải chi trả ít hơn 7% thu nhập cho chăm sóc con cái dưới 5 tuổi, cũng như tăng thời gian nghỉ có lương lên đến 12 tuần.

“Không ai phải lựa chọn giữa một bên là công việc và tiền lương, còn bên kia là chăm sóc bản thân và những người thân yêu - cha mẹ, vợ chồng hay con cái”, ông Biden khẳng định.

Bài phát biểu của ông Biden mang đậm dấu ấn cá nhân của ông. Đầu tiên, nó dài tới một tiếng 5 phút. Ông Biden dường như hiểu điều này. Ông kết bằng câu nói: “Cảm ơn sự kiên nhẫn của mọi người”.

Cả chủ đề của bài phát biểu, cũng như nhiều câu văn trong đó, đến từ những gì ông đã nói trong chiến dịch tranh cử hoặc sau khi đắc cử tổng thống.

Tuy vậy, khác với hình ảnh ông Biden đã tạo dựng trong thời gian làm thượng nghị sĩ hay phó tổng thống, bài phát biểu ngày 28/4 ít đề cập đến đồng thuận lưỡng đảng.

Phe Cộng hòa dường như đã nhận ra điều này.

“100 ngày thất bại: Tạm biệt sự thống nhất, xin chào cánh tả cấp tiến”, website của đảng Cộng hòa nói về 100 ngày đầu của Tổng thống Biden.

“BIDEN HOOD”, trang thông tin bảo thủ Drudge Report giật tít, hàm ý so sánh ông Biden với Robin Hood, anh hùng dân gian lấy của người giàu chia cho người nghèo.

Cái bóng của ông Trump

Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden mượn ý tưởng của cựu Tổng thống Donald Trump ít nhất 2 lần.

Đầu tiên, ông gọi những người Mỹ đang xem bài phát biểu từ nhà là những người “bị lãng quên”, cụm từ mà Tổng thống Trump thường sử dụng.

Tiếp theo, khi nói về biến đổi khí hậu, ông nói rằng các nhà máy điện gió có thể được xây dựng “ở Pittsburgh (thành phố lớn thứ hai ở bang Pennsylvania, Mỹ) thay vì Bắc Kinh”.

Ông Trump từng nói rằng ông được bầu để đại diện cho “người dân ở Pittsburgh chứ không phải Paris” khi từ chối ban hành những quy định chặt chẽ hơn về môi trường.

Nhà Trắng không làm rõ liệu hai cụm từ trên có hàm ý gì không.

Ông Trump có ảnh hưởng đến bài phát biểu của ông Biden, dù không được nhắc tên. Ảnh: New York Post.
Ông Trump có ảnh hưởng đến bài phát biểu của ông Biden, dù không được nhắc tên. Ảnh: New York Post.

Dù không được nêu tên trực tiếp, cựu Tổng thống Trump cũng "phủ bóng" lên bài phát biểu qua nhiều cách khác.

Tổng thống Biden dùng phần lớn thời gian để nói về đại dịch mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm, đặc biệt là cách đại dịch ảnh hưởng đến các gia đình, làm hàng triệu người thất nghiệp.

Khung cảnh xung quanh đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, cũng cho thấy sự rạn nứt mà cựu Tổng thống Trump để lại.

Chỉ 2 tuần trước khi ông Biden nhậm chức, hàng nghìn người, được cổ vũ bởi ông Trump, đã gây bạo loạn ở đây. Nhiều biện pháp tăng cường an ninh cho tòa nhà vẫn được áp dụng. Hậu quả về tâm lý của cuộc bạo loạn vẫn còn đó.

Giống như trong việc tăng thuế đánh lên người giàu để phục vụ tầng lớp trung lưu và người nghèo, Tổng thống Biden không né tránh khi nói về vấn đề này.

“Cuộc bạo loạn là mối đe dọa hiện hữu, là bài kiểm tra liệu nền dân chủ của chúng ta có thể tồn tại hay không”, ông tuyên bố. “Nó đã tồn tại. Nhưng cuộc chiến vẫn còn dài”.

Theo Zing