Các nghiên cứu, phản biện chính sách của Giáo sư David Dapice thường xuyên được các nhà lãnh đạo Việt Nam tham khảo (Ảnh: Đại học Fulbright)
Các nghiên cứu, phản biện chính sách của Giáo sư David Dapice thường xuyên được các nhà lãnh đạo Việt Nam tham khảo (Ảnh: Đại học Fulbright)

E-magazine Khi kinh tế gia Harvard điều trần phản đối “dán nhãn” Việt Nam thao túng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kinh tế gia Harvard, chuyên gia có 30 năm nghiên cứu về Việt Nam, trả lời VietTimes về việc ông phản đối Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.

Trong buổi điều trần trực tuyến công khai ngày 29/12 của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) với tên gọi “Điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ” theo Điều luật 301, có một cái tên gây chú ý.

Ông là Giáo sư David Dapice đến từ Trường Kennedy, Đại học Harvard, một chuyên gia kinh tế có tiếng với hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam.

Bằng những lập luận và bằng chứng số liệu xác đáng, Giáo sư Dapice chứng minh việc “dán nhãn” Việt Nam thao túng tiền tệ là cáo buộc không thoả đáng và đề xuất đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất là đòn kinh tế đánh vào đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. "Thật vô lý nếu trừng phạt Việt Nam", ông bày tỏ.

GS. Dapice đã dành cho VietTimes một cuộc phỏng vấn sau phiên điều trần.

Thật vô lý nếu trừng phạt Việt Nam!

Phóng viên: Trong danh sách 22 người tham gia buổi điều trần ngày 29/12, chỉ có ông là đại diện của giới học giả Mỹ. Vì sao ông quyết định tham gia sự kiện này?

Vào tháng Mười một năm 2020, East Asia Forum (Diễn đàn Đông Á) đặt tôi viết một bài ngắn về vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Bài viết được xuất bản và một số báo Mỹ đăng lại. Khi USTR yêu cầu gửi góp ý bằng văn bản về vấn đề Việt Nam thao túng tiền tệ, tôi đã gửi bài báo này đi nhưng sau đó có nghiên cứu sâu hơn, so sánh mức tăng/giảm của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN và Ấn Độ.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng, khác với hầu hết các quốc gia khác, kể từ năm 2010 đến nay, mức độ giảm giá đồng tiền của Việt Nam thực chất là thấp hơn so với phần lạm phát “tăng thêm” (cao hơn so với Mỹ).

Việt Nam cũng có tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu thấp – trong khi đáng lẽ ra tỷ lệ này phải cao nếu đồng tiền bị định giá thấp hơn thực tế (tức là “thao túng tiền tệ” theo cáo buộc của phía Mỹ - NV).

Nghiên cứu này được các đồng nghiệp của tôi ở Đại học Fulbright chia sẻ với phía Việt Nam và sau đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông qua các đồng nghiệp của tôi, có đề nghị tôi tham gia phiên điều trần – điều mà thực ra tôi đã cân nhắc từ trước. Do đó, tôi đăng kí tham gia và có 5 phút phát biểu.

Giáo sư David Dapice trong một bữa tối với Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, cố viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên trong đoàn tham quan khảo sát về kinh tế thị trường ở Đông Á năm 1991. (Ảnh: ST)

Giáo sư David Dapice trong một bữa tối với Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, cố viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên trong đoàn tham quan khảo sát về kinh tế thị trường ở Đông Á năm 1991. (Ảnh: ST)

Hy vọng của tôi là lý lẽ xác đáng sẽ chiếm ưu thế và sẽ có thảo luận thực sự. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng Mỹ đáng lẽ ra nên gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một tổ chức có các cơ chế để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền tệ.

Nếu Quốc hội mới không đồng ý tham gia TPP, một Hiệp định Tự do Thương mại giữa Mỹ và Việt Nam có thể làm được điều này. Hiệp định đó có thể tiếp bước TPP nên không cần phải đàm phán mới quá nhiều.

Ở Mỹ không có nhiều học giả theo dõi sát vấn đề thương mại và tiền tệ của Việt Nam. Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama, đã viết một bài báo chỉ trích toàn bộ ý tưởng về thao túng tiền tệ và đề cập đến Việt Nam như một minh chứng tiêu biểu về những sai lầm của khái niệm này.

Tôi đồng ý với ông ấy nhưng ít nhất bây giờ thì chúng ta buộc phải làm việc với cơ chế hiện hành.

- Giáo sư nhiều lần khẳng định cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam là không thoả đáng và Mỹ áp thuế lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là sai lầm. Ông đã làm rõ những điều này trong phiên điều trần như thế nào?

Bài phát biểu dài 5 phút của tôi ở USTR tập trung vào những luận điểm chính nhằm chứng minh không có bằng chứng khách quan nào cho thấy Việt Nam định giá thấp tiền tệ, dù theo bất cứ tính toán bình thường nào.

Nguyên nhân chính đằng sau việc điều tra này là thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng giữa Việt Nam và Mỹ, một biến số quan tâm đặc biệt đối với chính quyền Nhà Trắng hiện nay. Nhưng cũng phải thấy Việt Nam đang có thặng dư thương mại với hầu hết các nước khác.

Câu hỏi mà mọi nhà kinh tế như tôi sẽ hỏi là: “Tại sao mức thặng dư này lại tăng lên?”.

Điều đầu tiên mà tôi làm là nhìn vào cái chúng ta gọi là tỉ giá hối đoái thực tế. Tỷ giá hối đoái thực tế là tỷ giá hối đoái danh nghĩa trừ đi lạm phát.

Việt Nam có mức lạm phát cao hơn nhiều so với Mỹ. Nếu điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo lạm phát thì chúng ta sẽ thấy tỷ giá hối đoái thực tế, kể từ năm 2016 và từ trước đó nữa, luôn ổn định và không thay đổi.

Biểu đồ cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế (sau khi trừ đi lạm phát) hầu như không đổi.

Biểu đồ cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế (sau khi trừ đi lạm phát) hầu như không đổi.

Do vậy, những nguyên nhân đằng sau sự gia tăng thặng dư thương mại Việt – Mỹ nằm ở phía khác.

Lý do hàng đầu dẫn đến thặng dư thương mại song phương gia tăng giữa Việt Nam và Mỹ, mà tôi nghĩ ai cũng biết, chính là việc Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy sản xuất của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore đã chuyển dịch sang Việt Nam.

Năm 2019, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ là 345 tỉ USD, đến năm 2020 giảm 30 tỉ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng khoảng 15 tỉ USD, hay bằng ½ phần giảm của Trung Quốc. Chính sách thuế quan của Mỹ đã làm thay đổi những cân nhắc kinh tế về nơi sản xuất kéo theo dòng FDI, chứ không phải do thao túng tiền tệ.

Giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu đang tăng về số lượng của Việt Nam, ngay cả những hàng hoá như điện thoại di động thông minh, là khá thấp, chỉ ở một con số. Việt Nam thực ra chỉ là nơi lắp ráp các linh kiện được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới.

Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam tháng 11/2017. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam tháng 11/2017. (Ảnh: AFP)

Do đó, nếu các ông (USTR) đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam thì thực chất các ông không chỉ trừng phạt Việt Nam mà còn đang trừng phạt các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Những nước này đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào Việt Nam, ở một quốc gia đã không hề thay đổi giá trị thực của tỷ giá hối đoái.

Do vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đang cố gắng gây tổn hại tới ai? Phải chăng chúng ta đang cố gắng làm tổn hại chính người tiêu dùng Mỹ? Phải chăng chúng ta đang cố gắng làm tổn hại tới các đồng minh của chúng ta ở châu Á?

- Phải chăng chúng ta đang cố gắng gây tổn hại cho Việt Nam, trong khi họ thực chất không làm gì đáng kể với đồng tiền của họ?

Ngoài ra, tôi cũng nhấn mạnh rằng: Nếu một quốc gia thực sự phá giá hay định giá thấp đồng tiền thì một trong những chỉ dấu đầu tiên mà chúng ta thấy là tỷ lệ dự trữ ngoại hối tăng so với nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là quốc gia đó đang tích luỹ ngoại hối một cách không công bằng.

Thế nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu thấp nhất, nếu so sánh với bất kỳ nền kinh tế lớn nào ở ASEAN hay Ấn Độ chẳng hạn, càng không nói đến Trung Quốc.

Rõ ràng, không hề có một chỉ dấu khách quan nào cho thấy việc định giá thấp đồng tiền cả. Những gì đã xảy ra là nền kinh tế thực chất đã thay đổi do sự dịch chuyển của dòng vốn FDI.

Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 rất thành công, nhờ đó duy trì được xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Internet)

Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 rất thành công, nhờ đó duy trì được xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Internet)

Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập TPP (không có Mỹ), đạt thỏa thuận thương mại quan trọng với EU, và là một phần của RCEP cùng với các nền kinh tế lớn của ASEAN và Đông Á (kể cả Australia và New Zealand). Những hiệp định này hạ thấp rào cản thương mại cho tất cả đối tác liên quan, trừ Mỹ. Nhà xuất khẩu Mỹ phải chịu thuế cao vì Mỹ không chịu gia nhập TPP hay đàm phán các hiệp định thay thế.

Một điều quan trọng đã xảy ra trong năm nay là thâm hụt tài khoá của Mỹ đã tăng mạnh, như chúng ta biết, lên tới 3 nghìn tỉ USD. Điều này rõ ràng đã tác động lên tổng cầu và hệ quả là chúng ta nhập khẩu nhiều hơn. Thâm hụt hàng hóa 2020 sẽ gần mức 1 nghìn tỉ USD, hay gấp đôi mức thâm hụt năm 2016.

Việt Nam không phải là nguyên nhân hay có ảnh hưởng đáng kể lên những chọn lựa chính sách hay kết cục này.

Điều cuối cùng là, Việt Nam đến nay vẫn kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19, với số ca nhiễm là 1494 và tử vong 35 ca trong năm 2020 (dân số là gần 100 triệu). Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn diễn ra và xuất khẩu được duy trì trong khi nhiều nước khác đang gặp khó khăn.

Thật vô lý nếu trừng phạt Việt Nam khi tuyên bố nước này trở lại bình thường vì những lý do khác, chứ không phải nhờ tác động của hệ thống y tế công hiệu quả.

Dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

-Ông có đề cập đến tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu, một chỉ dấu quan trọng mà Bộ Tài chính lấy làm căn cứ để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. Ông có thể nói rõ hơn?

Đây cũng là câu hỏi mà đại diện của USTR và Bộ Tài chính đặt ra cho tôi trong phiên điều trần. Sự thực là cách đây 5 năm, Việt Nam xuất phát điểm với tỷ lệ dự trữ ngoại hối rất thấp và cho đến giờ tích luỹ được dự trữ ngoại hối tương đương với chừng 4 tháng nhập khẩu. Tôi tin rằng đó là điều mà tất cả các nước đều làm nếu có thể.

Một thực tế quan trọng khác là mỗi tháng Việt Nam tiếp nhận 1 đến 2 tỉ USD FDI. Trong khi đó, các nhà đầu tư FDI chủ yếu sử dụng Việt Nam làm nơi lắp ráp hàng hoá, như điện thoại thông minh, nơi giá trị gia tăng của lao động Việt Nam chỉ chiếm 5%, còn các linh kiện được nhập từ khắp nơi trên thế giới.

Do đó, nhập khẩu vào Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh chóng. Tốc động tăng trưởng chóng mặt của nhập khẩu sẽ cản trở khả năng tích luỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mặc dù chúng ta thấy nó đang tăng lên.

Và một lần nữa, hiện tượng này không nhất quán với tỷ giá hối đoái được định giá thấp, mà theo lẽ thường sẽ phải làm sụt giảm nhập khẩu. Nói cách khác, đây là những hiện tượng điển hình của một nền kinh tế được hưởng lợi từ chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc.

Việc áp thuế này hoàn toàn không thoả đáng và rõ ràng là sẽ tổn hại đến Việt Nam (Ảnh: Shutterstock)

Việc áp thuế này hoàn toàn không thoả đáng và rõ ràng là sẽ tổn hại đến Việt Nam (Ảnh: Shutterstock)

Việt Nam cần phải tích luỹ giá trị gia tăng cao hơn

- Ngày 7/1 là hạn chót để USTR lấy ý kiến về cuộc điều tra này. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump có thể áp thuế trừng phạt lên Việt Nam trước ngày 20/1. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?

Không ai biết Tổng thống Trump sẽ làm gì trong vài tuần tới, nhưng ông ấy khá ám ảnh với cán cân thương mại song phương – một biến số mà rất ít nhà kinh tế cho là quan trọng.

Ở cấp độ thấp hơn, tôi không nghĩ rằng USTR sẽ áp thuế trừng phạt lên tất cả hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nhưng hai bên sẽ ngồi đàm phán thêm với nhau – một hệ quả dễ nhận thấy, trong bối cảnh chính việc đánh thuế lên hàng hoá Trung Quốc của Tổng thống Trump đã thu hút rất nhiều FDI vào Việt Nam.

Do giá trị gia tăng thấp, nên thực chất không chỉ Việt Nam mà phần lớn các nước Đông Á sẽ là nạn nhân của đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào hàng xuất khẩu của Việt Nam – hầu hết giá trị của một chiếc điện thoại Samsung nằm ở các linh kiện sản xuất ở châu Á.

- Trong trường hợp chính quyền Mỹ vẫn áp thuế trừng phạt lên hàng hoá của Việt Nam thì điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Việt – Mỹ và nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước phục hồi sau đại dịch?

Tôi hy vọng rằng nếu chính quyền ông Trump áp thuế trừng phạt lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì quyết định này cũng sẽ bị rút lại nhanh chóng dưới thời chính quyền ông Biden.

Việc áp thuế này hoàn toàn không thoả đáng và rõ ràng là sẽ tổn hại đến Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu và do vậy chịu tác động đáng kể bởi bất kỳ một mức tăng thuế nào.

Quan trọng hơn, quyết định này sẽ tổn hại đến quan hệ Việt – Mỹ và quan hệ của Mỹ với các nước châu Á. Bởi như tôi vừa phân tích, việc đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất là đòn kinh tế đánh lên đồng minh của chúng ta ở châu Á khi làm triệt tiêu hàng chục tỉ USD FDI mà họ đầu tư vào Việt Nam, cũng giống như áp thuế lên hàng trung gian của họ.

- Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để giảm thiểu những nguy cơ tương tự trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang dâng cao ở Mỹ?

Việt Nam đã rất chủ động và tích cực bảo vệ mình trước những cú sốc chính sách bằng việc tham gia TPP (không có Mỹ), RCEP và các thoả thuận tự do thương mại với EU và Anh. Một lần nữa, tôi cho rằng hoặc Mỹ nên tham gia TPP hoặc Việt Nam nên vận động đàm phán một Hiệp định Tự do Thương mại với Mỹ.

Nhờ vậy, Mỹ sẽ khó lòng áp các mức thuế tuỳ tiện hay dựng các hàng rào phi thuế quan khác đối với Việt Nam.

(Tuy nhiên, như Australia đã chỉ ra, các nghĩa vụ của Trung Quốc trong các hiệp ước thương mại cũng không ngăn được nước này cấm nhập khẩu than hay rượu vang của Australia).

Mối đe doạ lâu dài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam – ngay cả trong thập kỉ này – là một số hoạt động sản xuất sẽ bị lấy lại và do rô-bốt thực hiện, vốn đang ngày càng rẻ hơn và hiệu quả hơn.

Việt Nam cần phải tích luỹ giá trị gia tăng cao hơn và nâng cấp năng lực kỹ thuật của các doanh nghiệp nội địa, nhưng đó lại là một chủ đề khác.

Giáo sư David Dapice lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1990 trong vai trò một chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Phát triển Quốc tế Harvard.

Cùng với ông Thomas Vallely (Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard), ông Dapice đã tổ chức hai chuyến tham quan, khảo sát cho các Bộ trưởng phụ trách kinh tế và nhiều quan chức cấp cao khác của Việt Nam đến các nền kinh tế Đông Á đang tăng trưởng bùng nổ để học hỏi về kinh tế thị trường.

Trong đoàn khảo sát này có cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Chuyến đi cũng khởi đầu cho hành trình hơn 30 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam của Giáo sư David Dapice.

Các nghiên cứu của ông thường xuyên được các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tham khảo./.