>> Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn
>> Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ
>> Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John
Một trong những Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, đương nhiệm là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã kể lại câu chuyện của cá nhân ông với những sinh viên rất trẻ của trường ĐH Fulbright tại TP. HCM vào tháng 9/2018, khi lễ khai giảng khóa cử nhân đầu tiên được mở.
“Tôi giải thích với cha tôi rằng: Cha ơi, chúng ta là kẻ thù trong quá khứ nhưng con không nghĩ chúng ta sẽ là kẻ thù trong tương lai. Con muốn biết lý do tại sao họ rất thành công trong phát triển kinh tế và công nghệ khoa học và chúng ta có thể hợp tác với họ vào một ngày nào đó.
Cách tốt nhất để hợp tác là ở đó, như những người bạn và là đối tác của nhau. Con sẽ không quên nhiệm vụ quốc gia của mình. Một ngày sau, cha tôi nói: Được rồi, con hãy đến Mỹ và cho cha biết con học được những gì.
Sau đó, tôi đến Mỹ để học và tôi không bao giờ hối hận về điều đó”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể lại.
Kiến tạo tương lai từ hợp tác giáo dục
Nếu như POW/MIA giải quyết câu chuyện hậu quả của cuộc chiến, nhằm thực sự “khép lại quá khứ” chiến tranh đau buồn thì các sáng kiến hợp tác giáo dục ngay từ đầu những năm 90 như chương trình Học bổng Fulbright và Trường Fulbright đã góp phần kiến tạo tương lai khi giúp đào tạo những thế hệ lãnh đạo và cán bộ quản lý cho Việt Nam trong suốt thời kỳ Đổi mới.
Các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều từng theo học những chương trình này.
Người đứng sau những sáng kiến hợp tác giáo dục quan trọng này là ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, cựu binh thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam thường gọi ông bằng cái tên thân mật “Tommy”, còn báo chí gọi ông là “ông bầu Fulbright”.
Từ phải sáng trái: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Thomas Vallely, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Thượng nghị sĩ John Kerry và Đại sứ Nguyễn Vũ Tú chụp ảnh tại Đại học Harvard năm 1995. Nhóm cán bộ ngoại giao trẻ khi ấy được ông Vallely tuyển chọn và đưa sang học Trường Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, theo Chương trình học bổng Fulbright (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)
|
“Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi chỉ biết cầu nguyện để mau chóng được trở về nhà. Lần thứ hai đến Việt Nam, kể từ đó, tôi dường như chưa thực sự quay về Mỹ”. Ông Vallely nói về chuyến thăm đã đánh thức những mối quan tâm sâu hơn của ông đối với mảnh đất nơi ông đã từng cầm súng một thời trai trẻ, đã từng xem những người bạn của ông sau này từng có lúc là… kẻ thù.
Năm 1985, Vallely khi đó là hạ nghị sĩ bang Massachusetts có mặt trong đoàn cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam vào đúng dịp kỉ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh. Thượng nghị sĩ John Kerry, người bạn thân thiết với Vallely khi đó bận nên không thể thu xếp tham gia chuyến đi này.
“Tôi được gặp cố thứ trưởng ngoại giao Lê Mai và tôi rất ấn tượng. Tôi quan tâm đến Việt Nam” – ông kể.
Khi Đại học Harvard mời Vallely về làm việc, ông từ chối chức vụ được đề nghị khi đó nhưng nói rằng mình sẽ nhận lời nếu có bất cứ chương trình nào liên quan đến Việt Nam.
Kết quả, là Chương trình Việt Nam (Vietnam Program) được thành lập ở Đại học Harvard từ năm 1986.
Đó là chương trình nghiên cứu sớm nhất về Việt Nam hiện đại ngay từ giai đoạn Việt Nam đổi mới trong các trường đại học hàng đầu ở Mỹ thời bấy giờ.
“Chương trình Việt Nam” đã đóng vai trò như một chất xúc tác, nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách với mục tiêu kép là thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như giúp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.
Thomas Vallely làm Giám đốc Chương trình Việt Nam suốt từ đó đến nay.
Nhóm cố vấn Harvard giữa lòng Hà Nội
Đầu năm 1989, Thomas Vallely trở lại Việt Nam lần thứ hai. Đi cùng ông có Giáo sư Dwight Perkins, lúc đó là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard. Việt Nam thời bấy giờ mới bắt đầu tiến trình Đổi mới và đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Ấn tượng của nhóm Harvard về Hà Nội thuở ấy là “các kệ hàng trống trơn, khách sạn hầu như không hoạt động và các con đường toàn người đi xe đạp, hãn hữu lắm có vài chiếc xe Jeeps chạy qua”, Vallely nhớ lại.
Giáo sư Dwight Perkins, Giáo sư David Dapice trong một buổi ăn tối với Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, cố viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Đức Thúy, thành viên trong đoàn tham quan khảo sát về kinh tế thị trường ở Đông Á năm 1991 (về sau ông Lê Đức Thúy sang trường Quản lý Hành chính Nhà nước Kennedy Harvard học Thạc sĩ Hành chính Công và là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 nhiệm kì). (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)
|
Những vết thương chiến tranh với Mỹ đã cản trở bất kỳ khả năng hợp tác nào, trong khi “hầu như có rất ít người hiểu biết về kinh tế học để chúng tôi có thể nói chuyện được” – Giáo sư Perkins kể.
Giáo sư Perkins ấn tượng mãi với chia sẻ của ông Nguyễn Cơ Thạch, khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ tương đương với Phó Thủ tướng).
Ông Thạch kể ông đã phải dịch sang tiếng Việt cuốn “Kinh tế học” của Paul Samuelson để giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu về các khái niệm cơ bản của kinh tế thị trường - bất kỳ điều gì để tìm ra con đường thoát khỏi hiện trạng đổ nát hoang tàn thời hậu chiến.
Nhờ sự ủng hộ và thu xếp của ông Nguyễn Cơ Thạch, nhóm học giả Harvard đươc tạo điều kiện nghiên cứu bất kỳ vấn đề kinh tế quan trọng nào (nông nghiệp và công nghiệp là hai trọng tâm nghiên cứu ban đầu) và chỉ cần báo cáo kết quả nghiên cứu lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Thomas Vallely và Giáo sư Dwight Perkins, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard thảo luận với ông Nguyễn Cơ Thạch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong chuyến thăm của đoàn giáo sư Harvard năm 1989. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người tạo điều kiện để nhóm học giả Harvard tiến hành các nghiên cứu về Việt Nam mà kết quả là cuốn "Theo dấu rồng bay" nổi tiếng. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp) |
Những kết quả nghiên cứu đầu tiên được tập hợp thành cuốn “Theo dấu Rồng bay”, xuất bản vào năm 1994, trong đó các tác giả ứng dụng lý thuyết kinh tế thị trường để giải thích ý nghĩa của những cân đối kinh tế cơ bản trong nền kinh tế “định hướng thị trường” ở Việt Nam, từ đó đề xuất những chính sách về kinh tế vĩ mô với hoài bão là Việt Nam sẽ tận dụng những tiềm năng quý báu của mình để “hóa rồng” như kinh nghiệm của một số con rồng ở Đông Á.
Trước sự ngạc nhiên của nhóm học giả Harvard, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực sự lắng nghe những lời khuyên của họ. Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và “được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao chuyền tay đọc”, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung.
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn đất nước không chỉ thoát nghèo nàn, mà còn sớm công nghiệp hóa, hiện đại hóa" - ông Trung kể lại.
“Theo dấu Rồng bay” đã thực sự có “đóng góp nổi bật vào tiến trình đổi mới”, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, người tham gia hỗ trợ nhóm nghiên cứu nhận xét.
Nhưng có lẽ, những nỗ lực giáo dục mà chương trình Việt Nam của Harvard đã triển khai mới để lại dấu ấn lâu dài hơn cả. Trong những năm 1990 và 1991, Thomas Vallely và David Dapice (một nhà kinh tế khác của Viện Phát triển Quốc tế Harvard) đã tổ chức hai chuyến tham quan, khảo sát cho các bộ trưởng phụ trách kinh tế và nhiều quan chức cấp cao khác của Việt Nam đến Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, những nền kinh tế Đông Á đang tăng trưởng bùng nổ khi đó để học hỏi về kinh tế thị trường.
Mỗi khi thành viên trong đoàn bắt gặp điều gì họ thích thú, họ hỏi ngay lập tức “chúng tôi có thể làm được điều này bằng cách nào?”, Vallely nhớ lại.
Các buổi trao đổi, theo lời kể của Tiến sĩ Dapice, xoay quanh nhiều chủ đề, từ các nguyên lý vận hành kinh tế thị trường, vai trò của giáo dục và tổ chức của xã hội hiện đại, cho đến những đối thoại thẳng thắn về những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm như tiền bạc và quyền lực có mối quan hệ ra sao, tham nhũng xảy ra như thế nào.
Trong các thành viên tham gia chuyến học tập ngày ấy có ông Phan Văn Khải, người trở thành Thủ tướng Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2006, một trong những nhà cải cách, nhà kỹ trị có đóng góp quan trọng trong thời kỳ đất nước mở cửa.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự diễn đàn tại Trường Quản lý Hành chính Nhà nước Kennedy nhân chuyến thăm Mỹ tháng 6 năm 2005, chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Ông Khải lúc sinh thời nói rằng mình là học trò của Harvard. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp) |
Sau này, cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng chia sẻ, ông đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt về nền kinh tế thị trường chỉ qua các buổi gặp gỡ, trao đổi này với nhóm giáo sư Harvard.
“Những kiến thức đó, tôi đã áp dụng thành công trong thời kỳ đương nhiệm, góp phần đưa đất nước phát triển”, ông Khải phát biểu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cho những thạc sĩ chính sách công khóa đầu tiên của Trường Fulbright năm 2010.
“Đốt đuốc tìm người tài”
Cũng trong những năm đầu thập niên 1990, các sáng kiến hợp tác giáo dục chính thức giữa hai nước bắt đầu thành hình nhờ những nỗ lực vận động của hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain (Đây cũng là hai nhân vật dẫn dắt quá trình giải quyết vấn đề POW/MIA mở đường cho tiến trình bình thường hóa Việt – Mỹ đã được đề cập ở những kỳ trước).
Trong dự luật ngân sách 1991, Thượng nghị sĩ John Kerry, cùng với sự hỗ trợ của các cựu binh khác như Thượng nghị sĩ John McCain,Thượng nghị sĩ Bob Kerrey…đã thuyết phục để đưa được một khoản 300.000 USD cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, theo Chương trình Học bổng mang tên Thượng nghị sĩ William Fulbright. Sau đó, Harvard góp thêm 300.000 USD nữa.
Lúc đó, vì Mỹ và Việt Nam chưa khôi phục quan hệ ngoại giao, nên nhóm cố vấn Harvard, đứng đầu là Thomas Vallely, được giao trọng trách tìm kiếm và tuyển chọn những sinh viên Việt Nam lứa đầu tiên đưa sang Mỹ du học, bắt đầu từ năm 1992. Mãi cho đến năm 1997, sau khi Mỹ đã mở đại sứ quán tại Hà Nội, việc tuyển chọn và cấp học bổng Fulbright mới được chuyển giao về cho cơ quan này.
Những người nhận học bổng Fulbright các thế hệ đầu tiên vẫn nhớ cách tuyển chọn kỹ lưỡng theo kiểu “đốt đuốc tìm người tài” của “Tommy” như cách họ trìu mến gọi Thomas Vallely.
Ngoài những ứng viên mà Vallely đã có dịp làm việc cùng trong thời gian tiến hành dự án nghiên cứu của Harvard và đưa các quan chức Việt Nam đi học tập về kinh tế thị trường như Cao Đức Phát, Lê Đức Thúy…ông còn nhờ bạn bè Việt Nam giới thiệu những người mà họ thấy có tiềm năng trong hệ thống nhà nước.
Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Thomas Vallely và Giáo sư Dwight Perkins, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard trong một buổi trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư) trong chuyến thăm Việt Nam năm 1990. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp) |
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một người bạn lâu năm từng làm việc chặt chẽ với nhóm cố vấn Harvard giai đoạn đầu chia sẻ bản thân ông từng được Tommy nhờ cậy giới thiệu những ứng viên như vậy.
Mỗi khi nhận được đề cử, Tommy thường đến tận nơi những người đó làm việc, dành thời gian nói chuyện với họ – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhớ lại.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn kể rằng năm 1995, Tommy từng về tận đồng bằng Sông Cửu Long để gặp ông, khi đó đang là một cán bộ nghiên cứu trẻ, để thuyết phục ông ứng tuyển vào chương trình học bổng Fulbright. Mãi sau này Tiến sĩ Sơn mới biết ông được ông Cao Đức Phát giới thiệu với Tommy.
Chưa từng gặp nhau bao giờ, song ông Phát vô cùng ấn tượng với người cán bộ trẻ này khi đọc cuốn sách “Hệ thống canh tác ĐBSCL” của ông Sơn.
Nhưng điều khiến ông Sơn nhớ mãi là khi ông xin rút khỏi chương trình sau mấy tháng học tại Đại học Harvard vì thấy không phù hợp, chính Tommy lại “chạy đôn chạy đáo” dàn xếp để ông Sơn thi chuyển tiếp sang học ngành chính sách nông nghiệp ở Đại học Stanford.
Những thế hệ Fulbrighters do Tommy tuyển chọn và đưa sang Mỹ học, về sau đều nắm giữ các vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khu vực nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân. Họ đã có nhiều đóng góp cho đất nước ở giai đoạn quan trọng nhất của thời kì Đổi mới, khi góp phần định hình những tư duy và cách làm hiện đại.
“Những gì tôi đã được học ở Harvard năm đó thực sự hữu ích, nhất là về mặt tư duy chính sách”, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhớ lại.
Trở về Việt Nam năm 1995, ông Phát được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông là người có công lớn trong việc xóa bỏ thế độc quyền của nhà nước trong xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, nhờ đó góp phần tăng thu nhập bình quân của khu vực nông thôn lên 1/3.
Năm 1993, cùng thời điểm ông Cao Đức Phát sang Harvard học về chính sách công thì ông Nguyễn Thiện Nhân, nay là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng lên đường sang Đại học Oregon theo chương trình học bổng Fulbright. Ông Nhân khi đó là giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM.
“Đây là những người muốn Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại. Nhưng họ cũng không muốn đó là một phiên bản của Mỹ -- họ hiểu đất nước mình cần gì” - Thomas Vallely nhận xét.
Lẽ dĩ nhiên, việc ứng dụng những khái niệm mới, tư duy mới từ Mỹ vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam chưa bao giờ là một việc dễ dàng, Vallely thừa nhận. “Trong hệ thống của Việt Nam vẫn có những người lo sợ rằng những ý tưởng mới mà họ học được từ Mỹ có thể thay đổi Việt Nam quá nhanh.
Nhưng mặt tích cực là, Việt Nam có được một khuôn khổ tư duy chính sách đúng để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu”.
Kỳ 5 : "Phòng thí nghiệm" của nhịp cầu Việt - Mỹ