Trong hôm 26/8, tổ chức chi nhánh của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng này đã tổ chức cuộc tấn công nhằm vào trái tim của thủ đô Kabul, Afghanistan khi kích hoạt khối thuốc nổ bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai và một thiết bị nổ khác ở khách sạn Baron gần đó. Hai vụ tấn công đã khiến 13 người Mỹ và hàng chục thường dân Afghanistan thiệt mạng.
Vậy tổ chức này – đã tuyên bố nhận trách nhiệm hai vụ đánh bom – là gì, và từ đâu mà chúng xuất hiện?
ISIS-K là ai?
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan được thành lập vào cuối năm 2014 và hoạt động như một chi nhánh của ISIS ở Afghanistan và Pakistan. Khorasan là một cụm từ lịch sử để chỉ một khu vực bao trùm đất nước Afghanistan ngày nay và nhiều phần của Trung Đông và Trung Á. Tổ chức này còn có tên gọi là ISIS-K, hay đơn giản là IS-K.
Các thành viên thành lập nhóm là những tay phiến quân từng tách khỏi tổ chức Taliban ở Afghnistan và Taliban ở Pakistan.
“ISIS từng có các địa diện ở cả Pakistan và Afghanistan. Chúng cũng đã lôi kéo thêm nhiều thành viên của Taliban Pakistan và một số thành viên của Taliban Afghanistan gia nhập tổ chức của chúng” – Seth Jones, một chuyên gia về Afghanistan đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với hãng NPR.
Trong một đoạn băng quay vào năm 2015, thủ lĩnh lúc bấy giờ của ISIS-K, Hafiz Saeed Khan, cùng nhiều thủ lĩnh cấp cao khác đã thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi – cố thủ lĩnh của ISIS – và tự tuyên bố mình là những người cai trị vùng lãnh thổ mới của ISIS ở Afghanistan.
Chi nhánh khu vực của ISIS này cai trị theo cách hiểu cực đoan của chúng về Hồi giáo và sử dụng nhiều chiến thuật bạo lực, như tổ chức các vụ hành quyết công khai để thị uy, giết hại các tộc trưởng và đóng cửa trường học; theo Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế thuộc ĐH Stanford.
Khan đã bị tiêu diệt vào năm 2016 trong một cuộc không kích bằng drone của Mỹ. Thủ lĩnh IS Baghdadi thì chết vào năm 2019 do tự kích hoạt khối thuốc nổ gắn trên người trong lúc bị lực lượng Mỹ truy kích.
Những người bị thương sau vụ đánh bom ở sân bay Kabul được chuyển đi cấp cứu (Ảnh: AFP) |
Quan hệ giữa ISIS-K và Taliban như thế nào?
Hai thế lực này thực ra là địch thù không đội trời chung với nhau, như Tổng thống Biden đã nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 26/8. Ngay từ khi thành lập, ISIS-K đã đối đầu với Taliban – lực lượng giờ đang kiểm soát Afghanistan.
“Mục tiêu của chúng thực sự là thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo, và chúng là bên cạnh tranh với cả al-Qaeda và Taliban” – Jones nói về ISIS-K.
Có rất nhiều chiến binh của Taliban đã rời tổ chức để gia nhập vào hàng ngũ của ISIS-K, và hai tổ chức này thường xuyên xảy ra xung đột để tranh giành các nguồn tài nguyên và lãnh thổ. Theo Trung tâm nghiên cứu thuộc ĐH Stanford, hai tổ chức này cũng khác nhau cả về tư tưởng hệ.
“Sự thù địch giữa hai nhóm này xuất phát cả từ sự khác biệt trong tư tưởng hệ lẫn xung đột vì tranh giành các nguồn tài nguyên. IS cho rằng Taliban chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, tính chính thống của tổ chức này không phải bắt nguồn từ tín ngưỡng Hồi giáo rộng lớn” – theo Trung tâm trên.
Như hãng thông tấn AP đã đưa tin, Taliban từng tìm cách đàm phán với Mỹ trong những năm gần đây, và rất nhiều trong số những thành viên phản đối đàm phán đã rời bỏ tổ chức và gia nhập đội ngũ có tư tưởng cực đoan hơn của ISIS-K.
Taliban đã lên án các vụ đánh bom bên ngoài sân bay thủ đô Kabul và nói rằng Mỹ kiểm soát khu vực nơi các vụ nổ xảy ra. Trong khi đó, Tổng thống Biden đổ lỗi ngược cho Taliban, nói rằng: “Ngăn chặn ISIS-K di căn chính là lợi ích của Taliban”.
Nhiều chiến binh của Taliban từng được ISIS-K chiêu mộ (Ảnh: Fox News) |
ISIS gây ra mối đe dọa lớn cỡ nào ở Afghanistan?
Tính đến năm 2017, quân đội Mỹ ước tính rằng họ đã tiêu diệt được 75% số chiến binh của ISIS-K, trong đó bao gồm một số thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này.
Nhưng đến năm 2018, CSIS ước tính có gần 100 vụ tấn công được ISIS-K tổ chức và thực hiện trên lãnh thổ Afghanistan và Pakistan, và hàng trăm cuộc đụng độ khác với các lực lượng Mỹ, Afghanistan và Pakistan.
Những người theo dõi lệnh trừng phạt của Mỹ tin rằng, tổ chức này hiện có khoảng 2.000 chiến binh ở miền Đông và miền Bắc Afghanistan, nhưng nhấn mạnh rằng chúng đã buộc phải “phi tập trung hóa” sau khi để mất nhiều vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong bản thông báo vắn được đưa ra sau 2 vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm 26/8, tướng Kenneth McKenzie – người đứng đầu Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ - nói rằng “mối đe dọa từ ISIS là cực kỳ hiện hữu” và rằng có nhiều mối đe dọa khác nhằm vào sân bay ở Kabul.
Theo Ủy ban Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, ISIS-K đã nhận trách nhiệm hàng loạt vụ tấn công đình đám, trong đó có vụ đánh bom nhằm vào một trường nữ sinh ở Kabul hồi tháng 5/2021. Nhưng vụ đánh bom xảy ra hôm 26/8 đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát của Taliban.
“Điều này cho thấy rằng khả năng phản gián và chống khủng bố của Taliban rất hạn chế” – Jones nhận định – “Họ không đủ khả năng để nhận diện hay ngăn chặn cuộc tấn công”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu