Bằng việc trở lại nắm quyền lực ở Kabul, Afghanistan, Taliban đã phô diễn cả sự thành công trong chiến dịch quân sự chớp nhoáng của họ, lẫn sự bền bỉ đáng kinh ngạc khi phải đối đầu với lực lượng quân sự mạnh mẽ nhất thế giới trong suốt 20 năm.
Vào thời điểm bị quét khỏi thủ đô Kabul vào tháng 11/2001, Taliban đã nắm quyền được hơn 5 năm, và mới chỉ tồn tại được khoảng 7 năm. Vậy điều gì đã khiến nhóm phiến quân này có đủ sức mạnh để chống lại Mỹ trong cuộc chiến dai dẳng, và đánh bại chính phủ Afghanistan được Mỹ chi tới 80 tỉ USD cho trang thiết bị và huấn luyện? Taliban tìm nguồn lực ở đâu để duy trì cuộc chiến suốt 2 thập kỷ?
“Tử thần gõ cửa”: Taliban lục tung từng nhà, đuổi cùng giết tận kẻ thù trong “danh sách đen”!
Buôn bán thuốc phiện
Trong bản báo cáo công bố vào tháng 5/2020, Hội đồng Bảo an LHQ ước tính rằng “tổng doanh thu thường niên của Taliban rơi vào khoảng 300 triệu – 1,5 tỉ USD”. Báo cáo nói rằng, mặc dù con số năm 2019 thấp hơn, nhưng giới quan chức “nhấn mạnh rằng Taliban sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, và cũng không phải trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ”.
Nguồn thu chủ yếu của Taliban chính là từ hoạt động buôn lậu thuốc phiện, như đã được chứng minh trong rất nhiều báo cáo. Nguồn thu của tổ chức này những năm gần đây bị thu hẹp là do “sản lượng và doanh thu từ thuốc phiện giảm, nguồn thu từ đánh thuế các dự án phát triển giảm, và tăng chi tiêu vào các dự án “cai trị””, theo báo cáo của Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, “trong khi buôn bán thuốc phiện mang lại doanh thu lớn cho Taliban suốt nhiều năm, thì sự xuất hiện của methamphetamine ở Afghanistan cũng tạo động lực cho ngành công nghiệp đen tối ở đất nước này, mang lại nguồn thu lớn”, báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo, “hoạt động buôn bán methamphetamine lần đầu tiên được Văn phòng Chống ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC) ghi nhận vào năm 2014 (9 kg) và tiếp tục tăng mạnh, với 650 kg bị thu giữ trong nửa đầu năm 2019”. Theo báo cáo, methamphetamine “được cho là mang lại lợi nhuận lớn hơn heroin bởi các thành phần của nó có giá rẻ hơn và không cần các phòng thí nghiệm cỡ lớn” để điều chế.
Báo cáo này cũng cho hay, Taliban “được cho là kiểm soát tới 60% tổng số phòng điều chế methamphetamine ở các tỉnh sản xuất chính như Farah và Nimruz”.
Dẫn lời một số quan chức, báo cáo này nói rằng “hệ thống buôn lậu heroin và đánh thuế của Taliban trải dài khắp khu vực phía Nam của Nangarhar, từ Hisarak cho tới Dur Baba, sát biên giới với Pakistan”.
“Ở mỗi khu vực, những kẻ buôn lậu chi một khoản tiền thuế cho các thủ lĩnh địa phương của Taliban, trị giá khoảng 200 rupee Pakistan (1,3 USD) cho mỗi kg heroin. Những kẻ buôn lậu này được phía Taliban cấp cho một tài liệu chứng nhận đã đóng thuế, sau đó được phép tới khu vực khác hoạt động và lặp lại quy trình tương tự. Giới chức Afghanistan tuyên bố rằng, các tuyến đường buôn lậu này đã giúp lấp đầy túi tiền của các thủ lĩnh của Taliban”.
Trong báo cáo công bố năm ngoái, UNODC cho hay “Afghanistan, nơi mà phần lớn thuốc phiện của thế giới được sản xuất, tương đương 84% tổng lượng thuốc phiện toàn cầu trong vòng 5 năm qua, đã cung cấp cho thị trường các nước láng giềng, châu Âu, Cận Đông và Trung Đông, Nam Á và châu Phi, và một lượng nhỏ tới khu vực Bắc Mỹ (đáng chú ý là Canada) và châu Đại dương”.
Taliban tuần tra tại Wazir Akbar Khan, gần thủ đô Kabul hôm 18/8 (Ảnh: AP) |
Khai khoáng, thu thuế, quyên góp
Vào thàng 9/2020, Đài Tự do châu Âu (RFE) dẫn một báo cáo mật của NATO, trong đó kết luận rằng Taliban “đã đạt được, hoặc gần đạt được, sự độc lập về tài chính và quân sự”, điều này “cho phép chúng tự cung cấp nguồn vốn hoạt động mà không cần tới sự hậu thuẫn của các chính phủ hay công dân của những nước khác”.
Bên cạnh hoạt động buôn bán thuốc phiện – được quản lý bởi Mullah Muhammad Yaqoob, con trai của thủ lĩnh sáng lập Taliban Mullah Muhammad Omar – Taliban cũng “mở rộng thế lực tài chính nhờ vào lợi nhuận kiếm được từ khai khoáng và xuất khẩu trái phép”, báo cáo cho hay.
Theo ước tính, nhóm phiến quân này đã thu được “khoản tiền lớn 1,6 tỉ USD” trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020. Trong số đó, 416 triệu USD thu từ buôn bán thuốc phiện; hơn 450 triệu USD từ khai khoáng trái phép quặng sắt, đá cẩm thạch, đồng, vàng, kẽm và kim loại đất hiếm; và 160 triệu USD từ tống tiền và đánh thuế ở các khu vực mà họ kiểm soát. Taliban cũng thu được 240 triệu USD từ các khoản đóng góp, chủ yếu là từ các nước Vùng Vịnh.
Để “rửa” số tiền kiếm được, Taliban nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa với trị giá lên tới 240 triệu USD. Taliban cũng sở hữu nhiều khu bất động sản trị giá 80 triệu USD ở cả Afghanistan và Pakistan; báo cáo cho hay.
Giải mã “Nghệ thuật chiến tranh” giúp Taliban chiến thắng như chẻ tre
Vũ khí từ Pakistan và chiến lợi phẩm
Thoạt nhìn thì có vẻ như Taliban không thể nào sở hữu được những vũ khí đủ để đánh bại chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ. Sự hậu thuẫn từ Pakistan đóng vai trò quan trọng, nhưng Taliban không bao giờ dựa vào một nguồn cung vũ khí, đạn dược duy nhất như vậy.
Các nhà báo Gretchen Peters, Steve Coll và nhiều nhà báo khác từng nhiều lần chỉ ra sự hậu thuẫn của ISI (cơ quan tình báo) và quân đội Pakistan dành cho Taliban, trực tiếp và cả thông qua mạng lưới Haqqani – một tổ chức mafia Hồi giáo bao phủ nhiều khu vực bộ lạc ở Pakistan và Afghanistan, có mối liên hệ với Pakistan và nhiều quốc gia Arab ở Vùng Vịnh. Các nhà lãnh đạo và giới chức Mỹ từng công khai cáo buộc Pakistan cấp tiền cho Taliban để chiến đấu chống lại phong trào chính thống.
Bên cạnh đó là nhiều “người chơi” khác. Vào tháng 9/2017, Tổng tư lệnh quân đội Afghanistan lúc bấy giờ, Sharrif Yafftali, nói với BBC rằng ông nắm được nhiều tài liệu chứng minh được rằng Iran “đang viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Taliban ở khu vực miền Tây Afghanistan”.
Mỹ còn từng cáo buộc Nga hỗ trợ Taliban, tuy nhiên không có bằng chứng để chứng minh.
Ngoài các nguồn thu từ bên ngoài, Taliban cũng tự trang bị cho mình những vũ khí, đạn dược mà Mỹ đã cung cấp cho lực lượng chính phủ Afgahnistan trong suốt nhiều năm qua.
Trưởng Thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan của Mỹ (SIGAR), một cơ quan kiểm soát của Quốc hội Mỹ, trong bản phân tích năm 2013 nhấn mạnh rằng, gần 43% số vũ khí cung cấp cho lực lượng chính phủ Afghanistan không được kiểm toán. “Do năng lực hạn chế của chính phủ Afghanistan trong việc kiểm toán số vũ khí này, có nguy cơ thực tế rằng chúng đã rơi vào tay những kẻ phiến quân, từ đó gây nguy hiểm cho nhân sự của Mỹ và thường dân Afghanistan”, theo bản phân tích.
Taliban khoe vũ khí thu được từ phe chính phủ Afghanistan trong một đoạn băng tuyên truyền (Ảnh: Military Times) |
Vũ khí Mỹ rơi vào tay Taliban
Hiện chưa có dữ liệu chính thức về số lượng và loại trang thiết bị quân sự Mỹ bị rơi vào tay Taliban.
Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ trong bản báo cáo năm 2017 có nói rằng, trong khoảng 2003 – 2016, Mỹ đã cung cấp 75.898 phương tiện, 599.690 vũ khí, 208 máy bay và 16.191 thiết bị tình báo, do thám cho lực lượng Afghanistan. Còn theo SIGAR, trong vài năm trở lại đây, Mỹ đã chuyển cho lực lượng Afghanistan 7.000 súng máy, 4.700 xe Humvee và hơn 20.000 trái lựu đạn.
Bản báo cáo mà SIGAR công bố hồi tháng 7 vừa qua có đề cập rằng, Không quân Afghanistan có tổng cộng 167 máy bay, bao gồm các phi cơ chiến đấu và trực thăng “sử dụng được” tính đến ngày 30/6. Trong số này bao gồm 23 chiếc máy bay A-19, 10 chiếc AC-2018, 23 chiếc C-208, 3 chiếc C-130; cùng 32 trực thăng Mi-17, 43 trực thăng MD-530 và 33 chiếc UH-60.
Ngày 17/8 vừa qua, tức 2 ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng: “Chúng tôi không nắm được bức tranh toàn cảnh về lượng trang bị quốc phòng đã bị mất, nhưng chắc chắn số lượng lớn đã rơi vào tay Taliban”.
Hai chuyên gia nổi tiếng về vũ khí hiện đại và chiến thuật quân sự, Stijn Mitzer và Joost Oliemans, đã sử dụng các nguồn tin tình báo mở để truy vết các trang thiết bị quốc phòng được cho là đã rơi vào tay Taliban. Theo họ, Taliban giờ sở hữu 2 chiến đấu cơ, 24 trực thăng, và 7 chiếc UAV ScanEagle của hãng Boeing mà trước từng thuộc về phe chính phủ Afghanistan. Thêm vào đó, trong khoảng từ tháng 6 đến ngày 14/8, Taliban thu giữ được 12 xe tăng, 51 phương tiện chiến đấu thiết giáp, 61 khẩu pháo, 8 súng phòng không; và 1.980 xe tải, jeep cùng nhiều phương tiện khác, trong đó có hơn 700 chiếc Humvee.
Tất cả lượng vũ khí trên, công với số lượng vũ khí mà Taliban đã thu được từ tay chính phủ Afghanistan ở nhiều khu vực khác dọc đất nước, đã giúp Taliban trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Giờ nó đã trở thành một đạo quân có sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều” – Jonathan Schroden, chuyên gia phân tích quân sự thuộc tổ chức phân tích và nghiên cứu Mỹ CNA Corporation, nhận định – “Điều này đã giúp cho Taliban từ chỗ là một phong trào du kích vũ trang hạng nhẹ biến thành một đạo quân hùng hậu”.
Theo Tiến sĩ Schroden, trong số các trang thiết bị quân sự mà Taliban đang sở hữu, các pháo D-30 được xem là nguy hiểm nhất.