Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 11/2016 vừa diễn ra chiều qua (6/12) do Bộ TT&TT tổ chức.
Đại diện VNPT cho biết số lượng khách hàng khiếu nại là không đáng kể so với tổng số SIM bị khóa. Bên cạnh đó, VNPT đã triển khai đồng loạt 3 giải pháp, bao gồm: truyền thông, cung cấp thông tin khách hàng, truy vấn thông tin dịch vụ; giám sát chặt chẽ các quy trình (khách hàng phải xác nhận lại); rà soát lại trong nỗ lực nhằm kiên quyết thu hồi SIM rác đã kích hoạt sẵn.
Tập đoàn Viettel đã cắt khoảng 3,7 triệu SIM nghi vấn và tính đến hết 30/11/2016, đã có 150.000 SIM đăng ký lại. Viettel đã thực hiện gửi tin nhắn thông báo cho toàn bộ 3,7 triệu số SIM bị chặn theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng về việc bị chặn SIM có tăng so với thông thường nhưng tăng không đáng kể và ở dưới mức dự báo của Viettel. Về chặn tin nhắn rác, Viettel đã chặn tổng cộng 157 triệu tin nhắn rác trong 11 tháng của năm 2016 và chặn 9,5 triệu tin nhắn rác chỉ riêng trong tháng 11.
Đại diện Tập đoàn Viettel đề xuất Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cần sớm ban hành khung giá để tránh việc tái lại SIM có tài khoản, thậm chí có những tài khoản rất lớn trên thị trường nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong kinh doanh và sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp viễn thông.
Đánh giá về việc thu hồi SIM rác kích hoạt sẵn giai đoạn 1 của 5 doanh nghiệp viễn thông, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, đến ngày 02/12/2016, đã có hơn 12 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn đã được gửi tin nhắn để xác nhận thông tin, trong đó hơn 600.000 thuê bao đã đăng ký lại thông tin. Như vậy, có hơn 11 triệu SIM bị khóa tài khoản, trong đó có 3,8 triệu SIM của Vinaphone, 3,7 triệu SIM của Viettel và 3,3 triệu SIM của Mobifone.