Dưới đây là danh sách những sản phẩm công nghệ gây thất vọng nhất năm 2022.
1. Nothing phone
Nothing phone (Ảnh: Gizmodo) |
Sự thật thì đây là một chiếc điện thoại khá thú vị. Nó thu hút sự chú ý của những tín đồ công nghệ chủ yếu bởi giao diện đèn Glyph dựa trên dải bóng đèn LED bắt mắt và độc đáo. Hệ thống đèn sẽ nhấp nháy ngay khi người dùng có cuộc gọi đến. Tuy nhiên, ngoài những điểm nổi bật đó thì Nothing phone chỉ là một chiếc máy tầm trung với hệ thống camera dở tệ. Liệu có xứng đáng khi bỏ ra đến 475 USD chỉ để nhận lại một chiếc điện thoại bắt mắt. Một điểm trừ nữa của chiếc điện thoại này đó là việc nó không được bán rộng rãi trên thị trường quốc tế, khiến người dùng rất khó khăn nếu muốn sở hữu chiếc điện thoại này.
2. Logitech G Cloud
Logitech G Cloud (Ảnh: Gizmodo) |
Mặc dù gặp phải nhiều đánh giá trái chiều, Logitech G Cloud vẫn thực sự nhận được nhiều tình cảm từ phía người dùng. Logitech G Cloud là thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành Android, được thiết kế để phục vụ mục đích chơi các tựa game AAA thông qua dịch vụ game-streaming, đồng thời máy cũng có thể chơi được các tựa game di động. Bạn thậm chí có thể chơi các dòng game cổ điển trên máy thông qua trình giả lập như RetroArch.
Bàn phím điều khiển của Logitech G Cloud rất chắc chắn, phần cứng cho cảm giác tuyệt vời, thời lượng pin đáng kinh ngạc, và màn hình 7 inch với độ phân giải 1080p mang lại trải nghiệm thị giác tốt.
Tuy nhiên, các thiết bị cầm tay nhìn chung không đem đến cho người dùng cảm giác mượt mà khi chơi những tựa game di động đòi hỏi bộ xử lý mạnh mẽ hơn.
Giá thành của Logitech G Cloud cũng không hề rẻ: 349 USD, rẻ hơn 50 USD so với mức giá khởi điểm của máy chơi game Steam Deck đến từ Valve. Nếu Logitech chịu hạ giá xuống chút đỉnh trong năm 2023, G Cloud chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn đáng mua hơn rất nhiều.
3. Panic Playdate
Panic Playdate (Ảnh: Gizmodo) |
Với Playdate, hãng Panic đã thành công trong việc cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn cho nhiều thiết bị cầm tay không phải PC khác, chủ yếu tập trung vào việc chơi các tựa game cổ điển thông qua mô phỏng.
Playdate, được phát triển với sự cộng tác của Teenage Engineering, cung cấp cho các nhà phát triển một nền tảng hoàn toàn mới để phát triển trò chơi. Máy sử dụng một tay quay độc đáo ở bên cạnh thân để cung cấp năng lượng cho thiết bị một cách hoàn toàn thủ công. Các game thủ được cấp quyền truy cập vào thư viện với chủ yếu là các trò chơi kinh điển phát hành theo lịch trình hàng tuần đã định, nhiều trong số đó đến từ những tên tuổi lớn như Bennett Foddy.
Thật không may, không phải toàn bộ các game được phát hành chính thức trên Playdate đều hấp dẫn, tấm màn hình đơn sắc và có phần bị tối của Playdate khiến người dùng rất khó để nhìn nếu không có một nguồn sáng đủ sáng hỗ trợ, và kể cả khi bạn có nguồn sáng phù hợp, thì tấm màn hình lại xuất hiện tình trạng lóa, khiến người dùng cảm thấy khó chịu khi chơi các tựa game trên thiết bị này.
4. Google Pixel Watch
Google Pixel Watch (Ảnh: Gizmodo) |
Trên thực tế, Google Pixel Watch không phải là một chiếc đồng hồ quá tệ. Đây là sản phẩm đồng hồ thông minh đầu tiên đến từ Google, đặt nền móng cho tham vọng tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường thiết bị đeo tay thông minh của ông lớn này.
Cho đến nay, các thương hiệu như Samsung và Fossil vẫn là những công ty tiên phong của dòng sản phẩm đồng hồ thông minh chạy hệ điều hành Android. Vậy nên khi Google thông báo chuẩn bị ra mắt mẫu đồng hồ đeo tay thông minh của hãng, rất nhiều người đã mong đợi về một chiếc smartwatch hàng đầu, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn. Tuy nhiên mọi thứ không được như những gì người dùng mong đợi, Samsung vẫn là công ty đứng đầu trong việc sản xuất những chiếc đồng hồ thông minh Android.
Mặc dù Pixel Watch của Google không tệ, bạn chỉ nên cân nhắc chọn mua nếu săn được sale, hoặc nếu bạn thực sự quan tâm đến ứng dụng theo dõi sức khỏe Fitbit của máy. Mức giá 350 USD của Google Pixel Watch là quá cao cho một mẫu đồng hồ thông minh với phần thiết kế gây tranh cãi và có nhiều thiếu sót về mặt tính năng.
5. Amazon Kindle Scribe
Amazon Kindle Scribe (Ảnh: Gizmodo) |
Amazon Kindle Scribe là một trong những sản phẩm tệ nhất từ trước đến nay của Amazon. Là một thiết bị ghi chú điện tử tương thích với bút cảm ứng đầu tiên được Amazon sản xuất, Scribe sở hữu phần cứng thực sự rất tốt, với trải nghiệm sử dụng mô phỏng như khi viết bút trên giấy được tái tạo gần như hoàn hảo. Máy cũng được trang bị màn hình 10.2 inch nhỏ gọn, 300PPI do chính E Ink đặc cách thiết kế riêng.
Điều gây thất vọng ở Scribe chính là những khó khăn trong việc chuyển các tài liệu sang các thiết bị khác. Quy trình này khá phức tạp, người dùng thường xuyên bị yêu cầu phải chia sẻ tài liệu thông qua email đi khắp nơi, gây ra sự khó chịu cho người dùng.
6. Dell XPS 13 Plus
Dell XPS 13 Plus (Ảnh: Gizmodo) |
Dòng Dell XPS 13 của Dell luôn nằm trong danh sách các thiết bị công nghệ tốt nhất hàng năm. Nhưng năm 2022 thì ngoại lệ, Del XPS 13 Plus lại nằm trong danh sách các thiết bị công nghệ đáng thất vọng.
Nếu như trước đây, Apple từng "tự hại mình" khi loại bỏ hàng phím chức năng vật lý để thay bằng bàn phím cảm ứng, thì giờ đến lượt Dell, công ty đã bê nguyên ý tưởng tồi tệ này lên mẫu XPS 13 Plus của mình.
Chưa hết, phần touchpad của máy gần như tàng hình, kết hợp với bàn phím low profile tràn viền với hầu như không có chỗ trống giữa các phím khiến Dell XPS 13 Plus khó sử dụng. Thật không may, nếu bạn muốn quay về với thiết kế cổ điển, bạn sẽ phải chấp nhận làm việc với một chiếc máy có thông số kém hơn so với phiên bản Plus.
7. Google Stadia
Google Stadia (Ảnh: Gizmodo) |
Google từng nói với chúng ta rằng Stadia sẽ vẫn được phát triển theo đúng kế hoạch. Nhưng rồi vào một ngày trong năm 2022, Google lại thông báo dừng dự án này và hoàn lại tiền cho những người đã mua dịch vụ của Stadia.
Theo thông báo từ phía Google đầu năm nay, Stadia sẽ sớm ngừng hoạt động, đây quả thực là một tin tồi tệ đối với cộng đồng những người tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dịch vụ chơi game đám mây. Nhìn trên khía cạnh tích cực, Stadia đã thành công trong việc cung cấp cho người chơi quyền truy cập vào các game yêu thích thông qua hệ sinh thái Android/Chrome, mà không phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua các thiết bị chơi game cầm tay đắt tiền hay một dàn PC khủng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều fan của Google sẽ khá hoài nghi và đắn đo nếu gã khổng lồ này cố gắng thu hút họ bằng một sản phẩm mới nào đó.
8. Grell Audio TWS/1
Grell Audio TWS/1 (Ảnh: Gizmodo) |
Mặc dù không phải là một cái tên quen thuộc, nhưng đối với những người đam mê tai nghe thì cái tên Axell Grell - người đã thiết kế tai nghe cho Sennheiser trong 27 năm (bao gồm cả hệ thống tai nghe Orpheus trị giá 55.000 USD) là một cái tên nổi tiếng.
Với một lý lịch khủng, khi nghe tin Grell rời Sennheiser để thành lập công ty riêng, giới hâm mộ đã rất hy vọng ông sẽ sáng tạo nên những thiết kế tai nghe mang tính đột phá, và rồi sản phẩm đầu tiên - tai nghe không dây Grell Audio TWS/1 ra đời.
Mặc dù có mức giá hấp dẫn chỉ với 200 USD, nhưng Grell Audio TWS/1 không đủ vượt trội trong các cuộc đua tai nghe để bạn có thể từ bỏ Airpods Pro của mình. Sản phẩm này cũng có kích thước hơi lớn hơn so với các tai nghe không dây hiện đại, với hệ thống điều khiển cảm ứng phức tạp.
Theo Gizmodo
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu