Hội chứng COVID kéo dài – “sát thủ” vô hình khiến nhân viên y tế bị tổn thương tâm lý khó lành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội chứng COVID kéo dài được coi là sát thủ vô hình tác động đến tâm lý của tất cả người dân trong đại dịch, nhất là các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Bác sĩ kiểm tra phòng bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ kiểm tra phòng bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi sinh hoạt khoa học: “Ảnh hưởng của hội chứng COVID kéo dài đến sức khỏe tâm thần” do Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức vào chiều nay, ngày 12/10.

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại mất mát và thương đau mà còn khiến người dân sống trong trạng thái lo lắng và tuyệt vọng, vì không biết cuộc sống ngày mai sẽ như thế nào. Đặc biệt, đối với bệnh nhân mắc COVID-19, họ đã phải trải qua rất nhiều sang chấn tâm lý và những nỗi sợ vô hình.

1 cuộc khảo sát nhằm đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 cho thấy: Tỉ lệ F0 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3% và stress là 16,7%. Đặc biệt, những bệnh nhân phải sử dụng máy thở có tỉ lệ trầm cảm lên đến 66,7%. Khảo sát này cũng chỉ ra có rất nhiều bệnh nhân mong được điều trị tâm lý sau khi được xuất viện.

Hiện, đã có 850.000 người được cấp mã số về bệnh COVID-19, xấp xỉ 1 triệu người Việt Nam mắc COVID-19. Bệnh COVID-19 đã để lại gánh nặng tâm lý nặng nề khiến 3.000 trẻ mồ côi ở TP. HCM, vợ mất chồng,… Hơn 20.000 người đã tử vong trong đợt dịch thứ 4.

Áp lực lớn, làm việc quá sức khiến tinh thần nhân viên y tế bị tổn thương

ThS.BS. Bùi Văn San – Khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) – cho biết: Trong suốt 2 năm qua, dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất nặng nề, ảnh hưởng đến sức khoẻ của hàng triệu người. Hầu hết trẻ em, thanh thiếu niên sống ở khu vực phong toả bị cô lập trong thời gian dài đã tác động lớn đến nhận thức, giáo dục, cảm xúc và giao tiếp xã hội.

Cùng với đó, các nhân viên y tế có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ tâm thần do sợ bị nhiễm bệnh, thiếu hỗ trợ xã hội, bị kỳ thị, phân biệt đối xử, chưa được đào tạo đầy đủ, thiếu trang thiết bị bảo hộ.

Theo BS. San, hầu hết các nhân viên y tế đều tiếp xúc với các trường hợp mắc COVID-19 trong bệnh viện, đang được cách ly, cái chết hoặc bệnh tật của người thân hoặc bạn bè do COVID-19. Trên thế giới, các chuyên gia y tế ở các nước có nhiều ca COVID-19 nặng đã phải chịu áp lực rất lớn, làm gia tăng tình trạng làm việc quá sức, thất vọng,… trong đó có hội chứng COVID kéo dài.

Bác sĩ chăm sóc 1 bệnh nhân nặng đang cách ly vì COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ chăm sóc 1 bệnh nhân nặng đang cách ly vì COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Hội chứng COVID kéo dài là tình trạng bệnh nhân sau khi nhiễm SARS-CoV-2 gặp 1 loạt vấn đề về sức khoẻ trong 4 tuần trở lên, kể từ sau lần đầu nhiễm bệnh. Thậm chí, những người không có triệu chứng của bệnh COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể bị 1 số bệnh khác như: di chứng COVID, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mãn tính,…

Đặc biệt, 1 nghiên cứu của Anh trên 270.000 người mắc COVID-19 cho thấy có tới 37% bệnh nhân có ít nhất 1 triệu chứng COVID kéo dài trong 3-6 tháng. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 9 triệu chứng COVID kéo dài phổ biến ở những người đang hồi phục. Các triệu chứng này xuất hiện chủ yếu ở bệnh nhân COVID-19 từng điều trị tại bệnh viện và phụ nữ.

Khi bị hội chứng COVID kéo dài, người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thở gấp, khó ngủ, lo âu, trầm cảm, tim đập nhanh, tức ngực hoặc đau, đau đầu, sương mù não – suy giảm nhận thức, thay đổi khứu giác, vị giác, ho dai dẳng, sốt, đau cơ, tiêu chảy,…

Làm thế nào để điều trị hội chứng COVID kéo dài?

Để chẩn đoán hội chứng COVID kéo dài, BS. San cho hay: Khi phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện, triệu chứng trên, các bác sĩ cần chuyển khẩn cấp người bệnh vào cơ sở y tế để điều trị. Các bác sĩ sẽ đưa ra các xét nghiệm máu, công thức máu, chức năng thận, gan,…, điều tra phù hợp với các dấu hiệu, triệu chứng của người bệnh để loại trừ các biến chứng cấp tính hoặc đe doạ tính mạng.

Đối với bệnh nhân có các triệu chứng về tư thế (đánh trống ngực, chóng mặt khi đứng), các bác sĩ sẽ đo huyết áp, nhịp tim ở tư thế nằm và đứng cho người bệnh, có thể đề nghị chụp X-quang phổi trước 12 tuần sau khi mắc COVID-19 cấp tính. Ngoài ra, các bác sĩ có thể giới thiệu liệu pháp tâm lý cho người bệnh nếu họ có các triệu chứng sức khoẻ tâm thần thông thường (lo âu, trầm cảm nhẹ) hoặc dịch vụ tâm thần nếu người bệnh có mức độ phức tạp hơn (biểu hiện sức khoẻ thể chất và tinh thần phức tạp).

Bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện

Bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện

Các vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp do hội chứng COVID kéo dài gồm: Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn stress sau sang chấn, mệt mỏi kéo dài, suy giảm nhận thức.

“Đến nay, vẫn chưa thống kê được về dịch tễ (số lượng trẻ nhỏ, bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế) đối với hội chứng COVID kéo dài. Ở bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, có 7% người bệnh bị hội chứng COVID kéo dài, bệnh nhân mắc bệnh nặng có 8-9% người mắc hội chứng này. Các bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý về tâm thần hiện nay không chỉ được bác sĩ chăm sóc trực tiếp mà còn được tư vấn trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong thời gian điều trị cho bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế rất căng thẳng, có khoảng 20-30% các bác sĩ cần hỗ trợ tâm lý, nếu có các rối loạn cao hơn thì phải cần tới biện pháp can thiệp mạnh” – BS. San nói.

Thông tin thêm về hội chứng COVID kéo dài, GS. Nguyễn Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) – cho hay: “Đây là hội chứng mới nên chúng ta phải tìm hiểu hiện tượng để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. COVID-19 gây tử vong rất nhiều. Những thông tin tiêu cực về dịch bệnh, đe doạ tính mạng bị khuếch đại bởi truyền hình, truyền thông, dẫn đến tình trạng nhiều người bị stress. Hội chứng COVID kéo dài cũng liên quan đến hậu quả của COVID-19 – người dân mất người thân, hậu quả của việc phòng COVID-19 sau cách ly. 2 yếu tố gồm: tổn thương thực sự về cơ thể và rối loạn tâm thần sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cả bệnh nhân và bác sĩ”.