Vụ đàn chó, mèo bị tiêu huỷ để phòng COVID-19: Chuyên gia y tế, luật sư nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mạng xã hội đang tranh cãi gay gắt về việc 1 đàn chó, mèo bị tiêu huỷ. Sự việc này đã khiến dư luận đặt câu hỏi về nguy cơ lây nhiễm từ vật nuôi cũng như căn cứ pháp lý để tiêu huỷ vật nuôi khi người chủ là F0.
Hình ảnh cặp vợ chồng chở 15 chú chó từ Long An về Cà Mau được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh - FB)
Hình ảnh cặp vợ chồng chở 15 chú chó từ Long An về Cà Mau được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh - FB)

Mới đây, thông tin về 15 con chó và 1 con mèo của cặp vợ chồng từ Long An về Cà Mau bị tiêu hủy để phòng chống dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng mạng tranh cãi vì chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chó, mèo có thể là vật trung gian làm lây truyền virus SARS-CoV-2.

Chó, mèo có thể là vật trung gian làm lây truyền virus

Thông tin với PV VietTimes, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội – cho biết: “Chó, mèo có thể làm lây lan virus SARS-CoV-2 qua tiếp xúc trực tiếp. Nếu người nhiễm SARS-CoV-2 nuôi chó, mèo thì virus có thể bám trên lông, trên da của chúng. Chó, mèo có thể là vật trung gian làm lây nhiễm virus. Nếu chó, mèo được cách ly, tắm rửa, khử khuẩn, thậm chí chỉ cần nhốt riêng thôi thì virus sẽ hết. Đến nay chưa có 1 bằng chứng nào cho thấy chó, mèo mắc bệnh COVID-19”.

Về sự việc 15 con chó, 1 con mèo của cặp vợ chồng từ Long An về Cà Mau bị tiêu huỷ, ông Hùng cho hay: “Nếu khu cách ly tập trung có thể nhốt chó, mèo ở 1 khu vực riêng, tắm rửa khử khuẩn sạch sẽ thì không nhất thiết phải tiêu huỷ. Tuy nhiên, tôi khuyến cáo người dân trong điều kiện cách ly để phòng, chống dịch thì không nên mang theo chó, mèo, hạn chế hết mức có thể. Nếu người dân được cách ly ở nhà thì có thể nuôi, nhốt chó mèo ra 1 khu vực riêng. Còn khi cách ly tập trung thì người dân không nên mang theo vật nuôi bởi khu cách ly tập trung đang trong điều kiện quá tải mà phải nuôi, cách ly cả chó, mèo sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Đàn chó được cặp vợ chồng chở về Cà Mau bằng xe máy (Ảnh - FB)

Đàn chó được cặp vợ chồng chở về Cà Mau bằng xe máy (Ảnh - FB)

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) - có những thông tin cho rằng “vật nuôi như chó, mèo bị lây nhiễm SARS-CoV-2 rồi truyền qua con người”. Trên thực tế chưa có bằng chứng đầy đủ để khẳng định COVID-19 lây qua vật nuôi và nếu có nguy cơ cũng rất thấp. Tuy nhiên, chó, mèo có thể được xem là vật trung gian truyền nhiễm nếu như người nhiễm bệnh ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chúng. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.

Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm COVID-19; hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.

“Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người tiếp xúc gần. Chó, mèo, vật nuôi khác có thể giống như “vật dụng” lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải. Vì thế, những người là F0 không nên ôm ấp chó, mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà" - ông Phu nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) (Ảnh - Minh Thuý)

Cùng quan điểm với ông Phu, BS. Trương Hữu Khanh -nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) - cho biết: Loại virus gây bệnh COVID-19 trên con người và động vật là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, con người thường chỉ bị bệnh do human coronavirus, có 4 chủng virus cũ và 3 chủng mới. Còn con vật bị bệnh do animal coronavirus, số lượng chủng virus này nhiều hơn. Động vật càng hoang dã, nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Khi thực hiện một xét nghiệm ở thú cưng thấy dương tính với COVID-19 thì rất có thể do nhiễm animal coronavirus nào đó.

"Virus gây COVID-19 ở người và động vật không lây nhiễm qua lại, nhưng do người tiếp xúc quá nhiều động vật hoang dã hay một F0 trực tiếp ôm hôn, khạc nhổ,… vào lông, da, tóc móng thú cưng rồi người khác chạm vào, ve vuốt, tiếp xúc trực tiếp thì nguy cơ mắc COVID-19 là chắc chắn" - BS. Khanh nói.

BS. Trương Hữu Khanh -nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) (Ảnh - BSCC)

BS. Trương Hữu Khanh -nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) (Ảnh - BSCC)

Trước đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành hướng dẫn chăm sóc người bệnh mắc COVID-19 tại nhà. Bộ Y tế đã cảnh báo người mắc COVID-19 và người nhà không nên tiếp xúc với vật nuôi vì "đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật". Ngoài ra, không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

Vật nuôi chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh

Chia sẻ với PV VietTimes, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – cho biết: Theo thông tin từ Bộ Y tế, chó và mèo nằm trong số những động vật từng được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19. Vì vậy, 2 vật nuôi này thuộc nhóm động vật mẫn cảm với dịch bệnh.

Điều 6 Nghị định 90/2017 đã quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh qua vùng có dịch bệnh mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.Trong khi đó, Điều 12 Nghị định 117/2020 cũng quy định phạt tiền 20-30 triệu đồng với hành vi đưa ra khỏi vùng dịch thuộc nhóm A những hàng hóa có khả năng lây truyền dịch bệnh. Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh - NVCC)

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh - NVCC)

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính những người chở chó, mèo ra khỏi vùng dịch. Còn đối với vật nuôi, chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh trong cơ thể. Về nguyên tắc, các tang vật vi phạm hành chính không có giá trị sử dụng hoặc có thể gây nguy hiểm cho con người sẽ tiến hành tiêu hủy.

Theo ông Cường, trong sự việc 15 con chó và 1 con mèo bị tiêu huỷ, nếu không xác định được số con chó, mèo trên dương tính với SARS-CoV-2 hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ, chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

“Theo quy định, động vật, vật nuôi là tài sản. Việc xử lý vi phạm, thu giữ vật nuôi phải đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định. Nếu cá nhân thu giữ, tiêu hủy tài sản của công dân trái quy định pháp luật thì người vi phạm tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Cường cho hay.